NGÀY XUÂN NHỚ NGOẠI
Hoài Thi
Lối:
Gần Tết mẹ bảo “nhớ đi thăm mộ ngoại.
Đừng để ngoại buồn mà có lỗi nghe con”.
Dẫu cách dương gian đã mấy chục năm trời,
Hình ảnh ngoại còn khắc ghi trong tâm tưởng.
Vọng cổ
1. Rẻ đám cỏ khô bước chân nhẹ nhàng qua lối nhỏ, ngày cuối năm ghé thăm mộ ngoại mà lòng nhớ thương da diết khôn cùng…Vệt nắng đầu xuân còn đọng lại bên đường. Mẹ kể thuở thiếu thời ngoại chịu trăm điều cay đắng, làm dâu nhà chồng cực khổ gian nan. Thương con, vì chồng không tiếng thở than, đêm đêm trong giấc ngủ mơ màng, ngoại thấy mình trở lại mái nhà xưa, bên gốc tre già hàng cau xóm củ.
2. Từng đàn chim nhỏ đang bay về tổ ấm, khách đường xa hối hã về kịp lễ rước ông bà… Khói bếp nhà ai quyện trắng la đà. Ông ngoại mất khi tuổi bà còn quá trẻ, ong bướm dập dìu không lay đọng tấm lòng son. Ngoại một mình bươn chải lo toan, vừa làm mẹ, vừa làm cha thay chồng nuôi con khôn lớn. Rồi các con lớn lên mỗi người đi mỗi hướng, ngoại tự trách mình không tròn bổn phận với tổ tiên.
Lối:
Ngày thanh bình các cậu về quê ngoại
Trong nỗi mừng vui sum họp gia đình
Cậu hai là anh bộ đội thương binh
Còn cậu ba đã hy sinh vì Tổ quốc.
Vọng cổ
5. Thời gian cứ dần trôi vì cuộc sống quanh năm khiến ngọai già thêm trước tuổi, phần nhớ thương con phần lo sợ các con lạc lối sai đường… Ngày các cậu ra đi không một chữ tỏ tường. Khi ngoại biết con mình đi theo cách mạng, theo Đảng, Bác Hồ vì lý tưởng độc lập tự do. Lòng già như nhẹ bớt âu lo, rồi ngày đêm cứ ngóng trông tin chiến thắng. Nhưng ngoại đã đi xa vào một ngày đầu xuân khói lửa trong nỗi niềm riêng khắc khoải thương chờ.
6. Ánh tà dương đã khuất sau hàng dừa nghiêng nghiêng gió, con ngập ngừng từ biệt ngoại ơi. Nhớ năm nào chúng con còn bé dại thơ ngây về thăm ngoại thấy người nấu bánh quy bánh ít. Con hỏi “ngoại nấu bánh làm chi cho khổ cực, ở chợ, cửa hàng có thiếu thứ chi”. Ngoại vuốt tóc con rồi tươi cười khẻ bảo “để cháu con nhớ nguồn cội ông bà”. Nằm bên cạnh ngoại còn có mộ những người thân là ý người muốn được cận kề chăm sóc. Nhìn di ảnh con như thấy nụ cười mãn nguyện trên gương mặt hiền hòa của bà ngoại thân yêu.
15.12.2002
Năm 1980, Tác giả Hoài Thi bắt đầu tham gia phong trào văn nghệ quần chúng và thi thoảng viết bài ca vọng cổ tại huyện Nhà Bè - địa phương đang sinh sống và công tác. Những sáng tác như: Quê hương đổi mới, Quê tôi xây dựng tập đoàn, tiễn bước anh đi… luôn được đánh giá cao trong những lần hội diễn văn nghệ quần chúng của Huyện thời bấy giờ.
Sau năm 1997, Hoài Thi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ sáng tác – đàn ca tài tử Quận 7 (hiện tại CLB đã không còn hoạt động). Những tác phẩm sáng tác cùng Câu lạc bộ đã được chọn đăng trên tờ tin Quận 7 và Huyện Nhà Bè. Có nhiều bài đã được Đài Phát thanh và Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thu và phát sóng như: Nhớ về các anh, người du kích Gò Ô Môi, Hồ chí Minh sáng ngời tên Bác…. Ngoài ra, những tác phẩm trên cũng đã được thu đĩa, in thành tập chung với tác giả Lê Hoài Thanh (Chủ nhiệm CLB sáng tác đàn ca tài tử Quận 7 – TP.Hồ Chí Minh).