NGHĨA TRANG ĐỎ TRƯỜNG SA
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Nguyễn Hương - Nguyễn Minh
Nói Lối
Nam: Nơi cạnh bãi đá ngầm Gạc Ma
Không hề có một tấm bia nấm mộ
Mà ai cũng gọi đó là: Nghĩa trang đỏ Trường Sa
Nữ: Tàu dừng lại giữa trời biển bao la
Nhang khói hương quyện hòa nỗi xót thương sâu lắng.
Vọng Cổ
Nam: Mặt biển Trường Sa bỗng dưng êm đềm sóng yên gió lặng. Bởi xót xa ngậm ngùi thương cảm những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để gìn giữ... sơn... hà.
Câu 1. Nữ: Cờ Tổ quốc thắm tươi nhuộm màu máu đỏ tim lòng.
Nam: Các anh hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo,
Mãi giữ vẹn lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Nữ: Với ý chí kiên cường của người chiến sĩ hải quân,
Đứng trước vòng vây của địch vẫn giữ khí tiết can trường.
Nam: Dẫu súng đạn kẻ thù có xuyên qua xương máu thịt da,
Nhưng chẳng bao giờ giết chết lòng kiên trung bất khuất.
Câu 2. Nữ: Hôm nay ngang qua chỗ các anh nằm ngàn thu yên nghỉ, xin được thắp mấy nén nhang kính cẩn nghiêng mình.
Và thả những vòng hoa để tưởng niệm hương hồn.
Nam: Trong tiếng nhạc sâu lắng bi hùng "Chiêu hồn tử sĩ",
Tôi lắng nghe tâm khảm từng nấc nghẹn trào dâng.
Các anh xứng danh là người liệt sĩ hải quân,
Hiến dâng cả tuổi thanh xuân máu xương mình cho Tổ Quốc.
Nữ: Ôi những anh hùng trung kiên bất khuất,
Đã lấy máu tim lòng tô thắm biển đảo quê hương.
Lối
Nam: Các anh đã ngã xuống vì Trường Sa biển đảo
Máu quyện hòa với từng con sóng đại dương
Nữ: Xương vùi sâu vào lòng đảo biên cương
Như nhắc nhở muôn đời sau phải đấu tranh gìn giữ.
Vọng Cổ
Tên của các anh sẽ được sử sách ghi danh đến ngàn năm muôn thuở. Cho thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về hải đảo quyết gìn giữ thiêng liêng từng tấc biển... quê... nhà.
Câu 5. Như giữ bản hùng ca bất tử đến muôn đời.
Nam: Sau lễ tưởng niệm cả đoàn đều bật khóc,
Từ bạc phơ mái đầu đến những chiến sĩ đôi mươi.
Nữ: Nghĩa trang đỏ các anh nằm tận dưới đáy biển sâu,
Có thấm giọt lệ rơi tiếc thương để đêm về sưởi ấm.
Nam: Hay máu xương sẽ ngàn năm hòa lẫn,
Với biển đảo quê hương tô thắm sơn hà.
Câu 6. Dẫu sóng gió trùng khơi bào mòn từng mõm đá san hô,
Dù thời gian đã lùi xa hơn một phần tư thế kỹ.
Nữ: Nhưng hình ảnh của những anh hùng liệt sỹ,
Mãi trong tâm khảm mỗi người về trận chiến Gạc Ma.
Nam: Nghe quyến luyến ngậm ngùi khi rời Nghĩa trang đỏ Trường Sa,
Tàu lại tiếp tục đi giữa bao la biển trời Tổ quốc.
Nữ: Dân tộc muôn đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ,
Đã không tiếc máu xương vì độc lập nước non nhà.
Bài ca bất tử anh hùng
Máu xương tô thắm giữa lòng Gạc Ma
Nam: Nghĩa trang đỏ ở Trường Sa
Ngàn năm in dấu sơn hà thiêng liêng./.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 11 năm 2014.
___________________________________
(* Bài vọng cổ được phát online trên www.vongco.vn Kỳ 11 "Viếng Nghĩa Trang" của CLB Vọng cổ Đồng Quê tháng 12/2014)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---