NGƯỜI ĐÁNH ĐÀN TRÊN SÔNG MỸ THUẬN
Viễn Châu
Hò ... ơ... Đèn treo bến Bắc, gió hắt ngọn đèn tàn
Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang
Có thương nhớ gã ...
Hò ... ơ ... Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa.
Vọng cổ:
Câu 1: Bắc Mỹ Thuận một chiều buồn tê tái, nước Trường Giang rào rạt chảy âm... thầm.
Bên cạnh hàng cơm có ai dạo lên tiếng lục huyền cầm. Trong một buổi chiều lặng gió, áo não tiếng tơ đồng như oán, như than. Trước mặt anh một chiếc nón lá rách bươm, bên cạnh anh một chiếc nốp tả tơi. Anh lơ đãng dạo đàn, mà trên hố mắt sâu như chôn chặt một nỗi niềm dĩ vãng.
Câu 2: Anh cất tiếng run run ca lên bài Khóc bạn, giọng thê lương như tiếng nhạn kêu buồn. Khách bộ hành bâng khuâng dừng gót khi nghe anh cất giọng ca rằng: Nhạn ơi! Anh ra thân tàn phế, Em thì về làm vợ người sang. Đời em sống với bạc vàng, còn anh làm kẻ đánh đàn ăn xin. Anh đi biệt dạng biệt hình, hết ân, hết ái, hết tình, hết duyên.
Câu 3: Trận mưa chiều bỗng dưng đổ hột, mây xám trôi về khắp nẻo không gian. Dưới cội bàng thưa người nhạc sĩ vô danh, đang co ro trong manh áo rách. Tay ôm chặt chiếc đàn sương gió, cầm gậy dò đường tìm chỗ tránh mưa. Bến đò chiều ủ dột như mơ, sông Mỹ Thuận lục bình trôi man mác. Khách bộ hành bốn phương đã quay gót, mà hồn còn bâng khuâng nhớ tiếc những dư âm của chiếc lục huyền cầm.
Lối:
Đêm hôm ấy nơi bến đò Mỹ Thuận
Người đánh đàn lần bước cạnh bờ sông
Tay run run ôm chiếc lục huyền cầm
Dò bước một giữa trời đêm đầy sương gió.
Câu 4: Giữa đêm khuya trong khi mọi người an giấc thì gã nhạc sĩ vô danh còn ngồi rũ rượi dưới trăng.. mờ. Giữa không gian vắng lặng như tờ. Anh ôm đàn dạo lên lần cuối bản nhạc lòng dang dở năm xưa. Đó rồi anh mím chặt đôi môi đập vào cội cây cho đến nát tan chiếc đàn sương gió, và nhảy xuống dòng sông giá lạnh đang mênh mang gợn sóng ba đào.
Câu 5: Sáng tinh sương, một Lão chài vừa thức giấc vội bơi chiếc xuồng con xuôi mạn sông buồn. Lão trông thấy giữa bờ sông một chiếc nốp tồi tàn. Một chiếc gậy tre vô chủ cạnh bãi bùng sóng vỗ bèo trôi. Vài mảnh ván thô sơ của chiếc lục huyền cầm bể nát . Lão mới biết rằng người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận đã vùi thân dưới đáy giang hà.
Câu 6: Từ đó trên sông Mỹ Thuận khách qua đò hờ hững ngược xuôi. Có ai còn nhớ tiếng lục huyền cầm của anh mù ngồi giữa cội cây. Tay run rẩy so dây nắn phím, sóng lách tách vỗ vào bực đá, gió rì rào thổi dạt khóm lau thưa. Một chuyện tình não nuột năm xưa đã chôn lấp trong bụi mờ quá khứ, cái chết của gã đánh đàn xa lạ đến nay như nước chảy qua cầu. Lữ khách ơi! Trong những buổi chiều mưa. Có ai qua đò trên sông Mỹ Thuận. Có để giây phút ngậm ngùi, tiếc thương cho chàng nhạc sĩ tài hoa.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: