NHỚ TÂN HỒNG QUÊ NGOẠI
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Mai con về thăm nước lũ tràn đê
Tắm yêu thương khắp tư bề quê Ngoại
Trời Cần Thơ giăng giăng buồn tê tái
Vướng cõi lòng thấm chảy ướt tim…
Vào Nam Ai
… côi
Tháng năm trôi đứa cháu quên về
Đắp thâm tình sưởi ấm miền quê
Nhớ tuổi thơ bên Ngoại gần kề
Đêm Tân Hồng trăng vằng vặc ngủ mê
Suốt canh trường nức nở lê thê
Tiếng hát ru quyện lẫn não nề:
“Cha không về… nheo nhóc con thơ
Mẹ trơ vơ mòn mỏi mong chờ”
Thương cháu khờ trước ngọn gió lay
Ngoại dưỡng nuôi bồng ẵm tháng năm dài
Đến chai sần đôi tay
Buồn lắm Ngoại ơi ngày con vào Đại học
Mở chiếc khăn cũ kỹ ngả màu
Ngoại vội đưa… nước mắt con trào
Ôi đồng tiền gian lao.
Vọng Cổ
Tân Phước ơi có giữ tiếng ru hời của Ngoại. Xin trả cho ta tháng ngày thơ dại nồng ấm yêu thương còn sót lại… bên… lòng.
Câu 1. Hạnh phúc đời con oằn nặng tấm lưng còng.
Ngoại cõng ước mơ qua dòng nước lũ,
Giữa quê nghèo trời vần vũ vây quanh.
Vạn đêm trường trăng vằng vặc thâu canh,
Ngan ngát nghĩa nhân ru giấc an lành.
Cội cây già cằn cỗi dưỡng mầm xanh,
Đến héo khô cành trọn tình thương cao cả.
Ngâm Dặm
Cha đi biền biệt không về
Buồn đau giăng khắp tư bề quê hương
Nhà không còn chỗ tựa nương
Con về với Ngoại yêu thương nẩy mầm.
Câu 2. Tần tảo bao năm Ngoại khua mái dầm trên đỉnh lũ, chở giấc mơ con về ủ giữa Tân Hồng.
Nuôi dưỡng chồi non bằng cao cả tấm lòng.
Đời Ngoại nghèo cơm rau đồng muối mặn,
Áo bạc vai sờn nhuộm nắng hứng sương.
Như bông điên điển vàng bình dị của quê hương,
Dẫu mỏng manh mà can trường trước gió.
Mùa lũ đi qua ruộng phù sa lắng đỏ,
Thân Ngoại hao gầy thắp ngọn lửa đời con.
Ngâm Thơ
Thèm sao hương vị bữa cơm ngon
Cá linh bông súng… lúc Ngoại còn
Quê người xứ lạ ngàn đêm lạnh
Canh trường đối bóng chỉ mình con.
Vọng Cổ
Xưa trắng tóc lo toan đến xương mòn gối mỏi. Dành dụm yêu thương qua mấy mùa nước nổi, Ngoại vạch lối con đi đến danh toại… công… thành.
Câu 5. Vậy mà chữ công ơn con viết vẫn chưa rành.
Đã bao lần con muốn về thăm lại,
Đêm Tân Hồng nghe Ngoại hát ru.
Giọng bềnh bồng theo gió thổi vi vu:
“Ầu… ơ… gió mùa thu Ngoại ru con ngủ”.
Dệt ánh dương hồng xua mây đen vần vũ,
Lòng Ngoại mênh mông hơn mẫu tử thâm tình.
Lý Con Sáo
Con ước ao
Nơi ấy Ngoại chẳng còn gian lao
Nỗi ưu phiền qua mau
Quên lo toan vất vả năm nào
Để con thôi nức nở nghẹn ngào
Ray rứt khôn cùng lòng nhoi nhói đau
Biết gửi nhớ thương đến phương trời nao
Đời Ngoại nghèo… giàu nghĩa nhân xiết bao
Sáng lung linh muôn thuở vạn vì sao.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Đất Tháp quê hương nặng sâu tình thương của Ngoại, dào dạt thiêng liêng mãi tuôn chảy trong lòng.
Mai con về tắm nỗi nhớ trên sông,
Khua mái dầm đục cánh đồng Tân Phước.
Thức lại đêm xưa thương chuyến đò mơ ước,
Ngoại chở một đời cho con được thành danh./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 14 tháng 4 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---