NHỚ CÁC ANH NGƯỜI DU KÍCH GÒ Ô MÔI
Hoài Thi
Lối:
Các anh nằm đó Gò ô môi nắng gió,
Trong căn hầm còn thắm đỏ máu hùng anh.
Đã mấy mươi năm tàn cuộc chiến tranh,
để lại cho đời trang sử xanh oanh liệt.
Vọng cổ:
1. Dưới gốc ô môi đọc thầm những lời ghi trên bia đá, dẫu không phải lần đầu tiên tôi đến nhưng sao vẫn nghe lòng xúc động dâng trào. Hình ảnh trên bia là trận đánh năm nào. Thuở ấy các anh là những chàng trai tràn đầy nhiệt huyết, nung chí căm thù lũ giặc xâm lăng. Các anh ra đi nào quản ngại khó khăn, vất vả gian nan rèn luyện chí anh hùng, để mong có ngày thống nhất non sông, ôm cả đất trời trong niềm vui rạng rỡ.
2. Các anh lớn lên trên mảnh đất nghèo có tên mỹ miều như con gái, trong vòng tay mẹ thân yêu và tình nghĩa xóm làng.Tiếng mẹ ru nồng ấm dịu dàng. Nhưng lời ru nghe như một nỗi buồn man mác, thương kiếp đời nô lệ lầm than. Tuổi ấu thơ sớm đã vương mang, tình yêu quê hương, yêu giống nòi dân tộc. Rồi các anh vào đòan quân du kích theo Đảng, bác Hồ giành độc lập tự do.
Lý con sáo:
Nhớ năm xưa… Một buổi sớm mai khi mùa đông sang. Đất trời buồn mênh mang, cây ô môi trỉu quả sai oằn, thương tiếc muôn phần. Trận giặc càn biết bao thảm khốc. Giặc giết các anh giữa tuổi thanh xuân. Ấp Mỹ Hòa người dân Bà Bướm là chứng nhân thảm cảnh đau thương
Vọng cổ:
5. Bên nấm mộ chung của ba vị anh hùng dân tộc, tôi thắp nén hương với lòng tưởng niệm chân... thành. Lịch sử sang trang đất nước hòa bình. Mấy mươi năm đã qua rồi cơn binh lửa để lại cho đời bao nỗi nhớ niềm thương. Bài học muôn đời cho thế hệ mai sau là lý tưởng niềm tự hào, tinh thần đồng đội, là tình yêu quê hương đất nước và sự hy sinh dũng cảm kiên cường.
6. Cây ô môi mới trồng đã tươi cành xanh lá, như người đi xa vừa về lại cố hương. Cây với người như có tình cảm vấn vương, cùng xẻ chia bao điều lặng lẽ xin hảy yên tâm có chúng tôi những người tiếp bước xây dựng quê hương mãi mãi đẹp giàu. Con đường về chiều nay đầy nắng ấm, gió thì thầm lời nhắn nhủ của các anh. Máu xương đổ xuống cho đời, điểm tô đất nước rạng ngời ngày nay./.
Năm 1980, Tác giả Hoài Thi bắt đầu tham gia phong trào văn nghệ quần chúng và thi thoảng viết bài ca vọng cổ tại huyện Nhà Bè - địa phương đang sinh sống và công tác. Những sáng tác như: Quê hương đổi mới, Quê tôi xây dựng tập đoàn, tiễn bước anh đi… luôn được đánh giá cao trong những lần hội diễn văn nghệ quần chúng của Huyện thời bấy giờ.
Sau năm 1997, Hoài Thi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ sáng tác – đàn ca tài tử Quận 7 (hiện tại CLB đã không còn hoạt động). Những tác phẩm sáng tác cùng Câu lạc bộ đã được chọn đăng trên tờ tin Quận 7 và Huyện Nhà Bè. Có nhiều bài đã được Đài Phát thanh và Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thu và phát sóng như: Nhớ về các anh, người du kích Gò Ô Môi, Hồ chí Minh sáng ngời tên Bác…. Ngoài ra, những tác phẩm trên cũng đã được thu đĩa, in thành tập chung với tác giả Lê Hoài Thanh (Chủ nhiệm CLB sáng tác đàn ca tài tử Quận 7 – TP.Hồ Chí Minh).