NHỚ HƯƠNG DỪA ĐẤT BẾN
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Em lại về thăm mảnh đất Ba Tri
Nghe thoang thoảng hương dừa gieo vạn nhớ
Sông Hàm Luông vẫn bên bồi bên lở
Để tim lòng muôn thuở nhớ về….
Vào Văn Thiên Tường (lớp dựng)
…anh
Nơi xứ sở an lành, thăm thẳm rặng dừa xanh
Ngày thương đêm nhớ, mong sớm về để thăm ai
Rọi hương tình dòng nước Ba Lai, nghe lòng trĩu nặng suốt canh dài
Tê tái lòng đau nỗi niềm thực tại
Dẫu được về đây thăm lại một miền quê tươi đẹp rạng ngời
Xin dừa trả lời ta câu hỏi, phải đi tìm người ở nơi đâu?
Bên kia là Thạnh Phú – dòng sâu
Nay cách ngăn mối tình vụng dại ban đầu
Nhìn đêm ngủ yên lệ dâng sầu buốt lạnh.
Như trách hờn tủi phận, giận bóng đêm nỡ bạc bẽo vô tình
Vẫn trọn lòng yêu giữ mãi bóng hình
Dù âm thầm mà vẹn nguyên son sắt
Em nguyện thề luôn một dạ thủy chung.
Vọng Cổ
Mặt nước Ba Lai in bóng hình ai suốt canh dài khắc khoải. Trăng rọi đất Ba Tri hay soi bờ Bình Đại mà lấp lánh trên sông một dòng chảy… thương… chờ.
Câu 1. Dừa thoảng đưa hương vướng mắt lệ hoen mờ.
Nơi Hàm Luông em giã từ Thạnh Phú,
Mong mỏi tương phùng cho thỏa nỗi nhớ thương.
Anh phương nào giữa lãng đãng mờ sương,
Va chạm tim côi đang lạnh lẽo canh trường.
Thăm thẳm rặng dừa vào giấc ngủ yên,
Bỏ lại chơ vơ một nỗi buồn tê tái.
Thơ
Loay hoay mở ánh dương hồng
Tìm tia nắng sưởi tim lòng giá băng
Đôi bờ sông đã cách ngăn
Mối tình tha thiết ta hằng ước ao.
Câu 2. Trăng rọi nữa làm chi bên đời cô độc, hay đồng cảm cùng ta mà ngồi khóc đêm này.
Sương rót lạnh vào tim giấu vạn xước trầy.
Có ai không vá giùm tôi nỗi nhớ,
Giữa hai đầu nam bắc Ba Tri.
Nhớ sóng nước buồn buổi tiễn biệt chia ly,
Xa vòng tay anh, rời miền quê đất Bến.
Lời nói đêm xưa có phải là định mệnh:
Xa mặt cách lòng, em lo sợ lắm anh ơi!.
Vọng Kim Lang
Yêu lắm ơi dừa ơi!
Thương nhớ thương bên đời
Tim khắc sâu không rời
Lời từng lời thiết tha đầy vơi
Gió mang nhớ đi nơi nào
Nhờ chở giùm để ta gần nhau
Tình hoài dạt dào… tim cần nương náu
Bến Tre quê dừa, ngàn năm thơm ngát hương yêu
Nhớ thương nhớ thương anh nhiều
Lòng dặn lòng sắt son tình chung
Xuân gieo nắng mai tươi hồng
Kìa đôi bờ nước sông mừng vui
Người ơi… người ơi… con sóng vỗ trôi xuôi
Sóng đưa hương tình yêu thương
Bao đời tràn đầy trong tim
Anh ở đâu, xin quay về… bên em.
Nói Dặm
Em còn nhớ lời anh kể hôm nao
Đất Ba Tri đẹp giàu sinh hào kiệt.
Gương sáng trong tựa dòng sông xanh biếc
Thơm ngát hương dừa tha thiết thủy chung.
Vọng Cổ
Như tấm lòng của anh - người trai đất Bến, một dạ sắt son luôn giữ vẹn… câu… thề.
Câu 5. Bảo Thạnh tàn đêm mơ bóng ai kề.
Hai nhánh sông tựa đôi tim hồng chung nhịp,
Cùng chảy xuôi dòng về biển rộng mênh mông.
Hàm Luông dẫu nước lớn ròng
Nhưng tình ta mãi mặn nồng thiết tha
Hương dừa níu bước chân xa
Thân quen niềm nở lẫn pha chung tình.
Câu 6. Em vẫn nhớ lần về với đất Bến quê anh,
Lòng xuyến xao những rặng dừa xanh thẳm.
Tỏa ngát hương yêu nuôi mối tình sâu đậm,
Nhắc em đừng buồn trách giận hờn ghen.
Bởi người dưng mà… đâu có gần gũi thân quen,
Nên hễ ghé Ba Tri thì anh lại về sang Thạnh Phú.
Nỗi lòng em khác nào mây đen vần vũ,
Cuồn cuộn buồn dâng cho suối lệ tuôn dòng.
Hương dừa tỏa ngát trên sông
Quyện ngàn thương nhớ bềnh bồng về đâu
Mong tình ta mãi đậm sâu
Ai kia luôn vẹn giữ câu ước thề./.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 10 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---