NHỚ RẶNG BẦN QUÊ NGOẠI
* Đồng tác giả: Ngô Thanh Diệu - Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
Sông quê bần chín rụng đầy
Giật mình lại nhớ tháng ngày xa xưa
Từ lần đó ngoại tiễn đưa
Đến nay biết mấy mùa mưa trong lòng.
Lý Con Sáo:
Con nhớ thương
Thương dáng ngoại ngồi ven sông
Bên rặng bần ngóng trông
“Bao tháng năm chưa thấy nó về
Trái bần chua chín rụng mấy mùa”
Đông Thạnh năm nào ngày đưa tiễn con
Ngoại rưng rưng ôi khóe mắt cằn khô
Nghe gió lùa ngàn đau nơi đáy tim
Lệ con rơi hòa lẫn một dòng trôi.
Vọng Cổ:
Ngoại nói dẫu nhà mình nghèo mưa dột mái hiên gió lùa phên vách. Phía trước là dòng sông có rặng bần chua chát, còn ở đằng sau những đám trâm bầu nằm trên lưng con rạch xen lẫn mấy bụi hoa mua với bình bát… ươm… vàng.
Câu 1. Nhưng cuộc đời con phải được rạng rỡ huy hoàng. Thương ngoại nên sau những giờ đến lớp. Con lén ra đồng để mò ốc bắt cua. Nhớ kênh nước đầy bởi cõng vạn giọt mưa, vì lỡ bước hụt chân nên kêu ngoại lời ú ớ. Đôi tay guộc gầy ngoại ẵm con lên, ôm chặt vào lòng lệ tuôn sưởi ấm.
Thơ:
Chuồn chuồn cắn rún biết bơi
Con nghe lũ bạn quên lời ngoại răn
Lén ra sông để hái bần
Té rơi xuống nước thêm lần ngoại đau.
Câu 2. Thương đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên ngoại chẳng quản nắng mưa hôm sớm tảo tần…
Đời ngoại lắm khổ đau như những rặng bần. Nước mắt nhớ chồng, giọt lệ lòng thương con trẻ, khi trên mái đầu quấn vội lớp khăn tang. Bọn giặc thù tàn sát dã man. Máu nhuộm nước sông để trái bần thêm chua chát. Quê ngoại Bình Minh che đời con ấm áp, biết đến bao giờ mới lại được về thăm.
Lý Mỹ Hưng:
Ngoại ơi, con giờ lớn khôn nên người
Ngàn thương nhớ đầy vơi, nhớ phương trời tím hoa lục bình
Dòng sông chiều quê tắm mát chiếc xuồng đẩy đưa
Thương nhánh bần de trắng trong tâm hồn quê
Khúc ca muôn đời nhóc nhen lòng con xao xuyến.
Trái tim dại khờ xin được… một lần ngoại ơi!
Vọng Cổ:
Dù con có đi xa trăm hướng ngàn phương cũng không đâu bằng quê ngoại. Nghe tiếng bìm bịp kêu thì lòng con khắc khoải, nhớ người ngoại già nua lần bước một dưới… mưa… chiều.
Câu 5. Nhìn trái bần đong đưa ngoại nhắn nhủ đôi điều. Dẫu hương vị chát chua như quê nghèo của ngoại, nhưng sức sống kiêu hùng muôn thuở chẳng mờ phai. Con gắng học hành lo gánh vác tương lai. Để mẹ cha được an lòng nơi chín suối. Ngoại lau vội mắt hoen giấu đi bao buồn tủi. Bởi con đi xa ngoại thui thủi có một mình.
Lý Tòng Quân:
Con đây rồi, con đây rồi ngoại ơi!
Bao tháng năm bao cách xa phương trời
Giờ con quay về nghe trong lòng phơi phới.
Bù đắp những năm ngoại nhớ thương mong đợi.
Thôn quê nghèo thân thương
Con đê dài thêm vấn vương.
Về vọng cổ Câu 6.
Nhung nhớ cách xa nay con trở về bên ngoại. Xin được thứ tha những năm tháng mong chờ.
Ngoại ơi quê ngoại là thơ
Là muôn nỗi nhớ chực chờ trong con.
Bao năm dáng ngoại hao mòn
Rặng bần xưa hoa trắng… ấm mãi lời ngoại ru./.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---