NỖI LÒNG NGƯỜI TỬ TÙ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Mười mấy năm bên vợ hiền con thảo
Anh chưa lần gieo sầu não cho em
Nửa đời người nay tự vẽ nhuốc nhem
Trên ánh mắt đang khát thèm mái ấm.
Vọng Cổ
Ngày tháng biệt giam thời gian cứ nặng nề trôi chậm. Giữa bốn bức tường ngăn nỗi niềm ân hận giày xéo tâm can đến tàn nhẫn… vô… vàn.
Câu 1. Hứng lấy đắng cay dòng nước mắt muộn màng.
Thăm thẳm canh thâu tiếng côn trùng não nuột,
Anh ngỡ mình là đứa trẻ mồ côi.
Nhìn về ngôi nhà sao quá xa xôi,
Mong lắm được nghe giọng tha thiết của vợ hiền.
Nhớ các con khờ bé bỏng hồn nhiên,
Ngồi đợi cha về khi hoàng hôn nhạt nắng.
Câu 2. Nắm chặt tay em giữa giờ nghị án, muốn nói lời thương mà nghẹn đắng trong lòng.
Từ độ anh đi đôi má ấy thôi hồng.
Thêm mắt quầng thâm, vết hằn trên trán,
Cho én nhạn lẻ bầy gọi bạn đến khàn hơi.
Bàn tay guộc gầy chẳng phút nghỉ ngơi,
Bươn chải bên đời nuôi con khờ thơ dại.
Tương ngộ hôm nay biết bao giờ gặp lại,
Chỉ mong vợ hiền tha thứ lỗi giùm anh.
Nói Lối
Các con khờ đứng ngoài kia lấp ló
Chắc giận anh nhiều hay chẳng dám vào đây
Tội tày trời phút nông nổi lỡ anh gây
Nên đánh đổ mái gia đình hạnh phúc.
Vọng Cổ
Các con ơi hãy xích lại gần đây để cho cha có đủ đầy nghị lực. Vì phút chốc nữa đây khói nhang lòng nghi ngút, khi bản án tòa tuyên là vĩnh biệt… nhau… rồi.
Câu 5. Nơi tăm tối phòng giam cha không còn thấy nữa bầu trời.
Chỉ mong sau này khi các con khôn lớn,
Sẽ giống mẹ hiền đừng lem luốc giống đời cha.
Nơi cửu tuyền nỗi ân hận xót xa,
Phải gột rửa bao năm cho sạch hồn hoen ố.
Ai nỡ đang tâm đẩy con thuyền về bến khổ,
Để con phải mất cha, vợ phải xa chồng.
Câu 6. Ở bên ngoài phòng xử án vẫn mưa rơi,
Trời oán giận ta hay khóc cho người ở lại.
Bản án tòa tuyên đâu khiến lòng sợ hãi,
Bằng bản án vô hình đang quằn quại giữa tâm can.
Trên đường về dẫn đến chỗ biệt giam,
Văng vẳng bên tai giọng đục khàn nức nở.
Bóng tối vây quanh như xiết đòi ta trả nợ,
Tội lỗi đã vay phút nông nổi hôm nào.
Con lạy quỳ xin khấn với trời cao
Ban phước lộc an lành cho vợ hiền con thảo.
Quả báo hôm nay, vô tình con đã tạo,
Xin vĩnh biệt dương trần hẹn lại kiếp lai sinh./.
Long Xuyên, ngày 16 tháng 12 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---