NỬA BẢN TÌNH THƠ
Thơ: Ngô Thanh Diệu
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
TD: Anh nghèo lắm không có gì đáng giá
Để gọi là sinh nhật gửi em tôi
Suy nghĩ miên man trong bổi hổi bồi hồi
Thân thương quá! Nghe tiếng gà gọi sáng.
Lý Cái Mơn
TH: Miền quê anh dừa xanh bát ngát
Nhân nghĩa bao la ôi tình thiết tha đầy vơi
Mãi mênh mông ngàn thương mến đứa em trong đời
Quà anh đây ngọt ngào chứa chan
Ngát thơm như tình thâm
Sẽ giữ hoài vấn vương mát dịu lòng em.
Vọng Cổ
TD: Đêm đã về khuya Sài Gòn đèn giăng giăng mắt đỏ. Nơi cõi lòng anh chợt lạnh lùng sương gió ôm nỗi nhớ miên man vò võ đến canh… tàn.
Câu 1. Nắn nót mấy vần thơ bao thương mến dâng tràn.
Giữa chốn nhân gian lắm trò đời dâu bể,
Vẫn đẹp rạng ngời qua hai tiếng tri âm.
Giọng u buồn phản chiếu mặt trầm tư,
Sợ nơi nao làm phiền lòng người tri kỉ.
Hí hoáy đôi dòng chưa kịp viết tròn câu,
Bỗng nước mắt rơi luốc lem từng nét chữ.
Ngâm Thơ
Đâu phải ngày Tết ngày tư mà tặng câu đối đỏ
Đâu phải thiên thần mà tặng đôi cánh tiên nga
Đâu phải ngàn sao đưa em đến ngân hà
Đâu phải lửa thổi than hồng bếp lạnh.
Câu 2. TH: Món quà của anh là lửa than hồng đêm lạnh, đã sưởi ấm lòng em ngon giấc ngủ mơ màng.
Tình nghĩa quý hơn muôn châu báu bạc vàng.
Dẫu nửa lời anh cũng gieo ngàn suy nghĩ,
Nhân cách sống được vun bồi kết trái đơm hoa.
Mượn tiếng đờn từng cung bậc ngân nga,
Vay câu chữ qua mấy vần thơ ngào ngọt.
Để tạo bóng râm giữa cằn khô sa mạc,
Nuôi lớn một tâm hồn vừa ló dạng ánh bình minh.
Ngâm Thơ
TD: Trải hồn thơ giữa màn sương lóng lánh
Gánh sao trời ngụp lặn giữa ngàn khuya
Lốc cốc leng keng tiếng nhạc của đêm về
Nâng bấc lụn anh thả hồn trơ trọi.
Lý Con Sáo
TH: Đêm Long Xuyên
Sương gió lạnh lùng qua đây
Hỏi thăm người em trai
Biết hay chăng có kẻ phương trời
Đang loay hoay ghép mảnh vụn cuộc đời
Nắn nót từng lời qua vần thơ chứa chan
Tặng cho ai muôn mến thương tình thâm
Ôi nghẹn ngào sầu dâng lên mắt cay
Mở bóng đêm để nỗi nhớ vờn bay.
Vọng Cổ
TH: Hỡi gió cùng sương hãy về đây mang theo nhạc canh sầu anh lau vội. Chẳng chút mờ hoen dù hồn thơ đang trơ trọi còn hờn dỗi nữa làm chi khi lòng bàn tay em nóng nổi vạn ân… tình.
Câu 5. Sợ tình nghĩa đậm sâu nặng chở đoạn hành trình.
Nên em vội nhờ sao khuya nhắn hộ,
Mấy tâm tình qua nỗi nhớ đầy vơi.
Thôi để dành mai hãy đọc nha anh,
Bởi đèn khuya uể oải chờ được ngon giấc ngủ.
Trời bình yên mà lòng em như mây đen vần vũ,
Cuồn cuộn buồn dâng nước mắt lan tràn.
Ngâm Thơ
TD: Sinh nhật em tặng riêng mình chế giễu
Cháy canh tàn ru nửa bản tình thơ.
Lưu Thủy Hành Vân
1. Sương gió lạnh lùng ơi thôi bão giông
Quà tặng em đôi dòng
Đây câu thơ nét chữ anh trao những lời thân thương
Miền quê xa chắc em đã hiểu lòng.
2. TH: Đêm chở nặng tình em ra chốn anh
Dù cách xa phương nào
Anh luôn bát ngát xôn xao tựa dừa quê hương
Ngàn năm sau vẫn không nhạt màu.
Về Vọng Cổ
Câu 6. TD: Rồi tháng năm trôi mấy vần thơ biết ai còn nhớ, để thôi thổn thức đêm đêm làm bạn với canh sầu.
TH: Ngàn năm như thuở ban đầu
Thiết tha tình nghĩa nhuộm mầu ước mơ
TD - TH:
Dâng đời nửa bản tình thơ
Nghiêng nghiêng nét chữ vẹn lòng tri âm.
Long Xuyên, ngày 31 tháng 8 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---