ÔNG LÃO CHÈO ĐÒ
Soạn giả Viễn Châu
Thơ
Còn nước mơ màng, mây vẩn vơ…
Thì còn lão với một con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu
Nhắp rượu xong rồi, lão nói thơ…
Thơ Vân Tiên
Linh đinh trời rộng sông dài
Đò ngang một chuyến lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến đưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời nầy có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi
Vọng cổ
Câu 1: Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão đưa… đò…
Sông nước miền quê như say theo tiếng hát câu hò…
Trên con thuyền cũ kỹ, ai muốn sang bến sông nầy lão đưa rước giùm cho (-) Tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi. Bởi lão đây yêu quý con đò như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng…
Thơ Vân Tiên.
Câu 2: Người ta đi ngược, đi xuôi
Kẻ ham phú quý, người đòi đĩnh chung
Lữ hành khi đã sang sông
Có ai còn nhớ đến ông chèo đò?
…Lão chẳng mong chi cũng không đợi không chờ…
Cơm hẩm canh rau một ngày hai buổi, manh áo tồi tàn lão dãi nắng, dầm mưa.
Mặc dù tuổi đã già nua
Vẫn còn chèo nỗi con đò sang sông
Tai còn tỏ, mắt còn tinh
Bàn chuyện nhân tình lão chẳng nhượng gì ai…
Nói lối
Hơi thu lạnh gió đưa hàng lau lách
Nửa chiều rồi, đò vắng khách sang sông
Ngồi trầm ngâm nhìn nước bạc xuôi dòng
Lão bổng thấy cõi lòng trống trải…
Thơ
Chim bay về núi tối rồi
Lão lo xúc gạo rửa nồi nấu cơm
Bình minh rồi lại hoàng hôn
Năm cùng tháng hết lo buồn mà chi!
Sự đời sanh ký, tử quy
Mới xuân xanh đó già thì đến nơi
Sông dài mấy bận đầy vơi
Thế gian mấy bận đổi dời trắng đen…
Vọng cổ
Câu 5: Mười mấy năm qua mấy mùa khói lửa, lão đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh hưng vong của thế sự thăng… trầm…
Nước mắt già nua pha lẫn nước xuôi dòng…
Bất giác lão đưa tay sờ lên mái tóc, thì sau cuộc ba đào nó đã trắng như bông.
Chuyện đời như cánh phù du
Sớm còn, tối mất dạ sầu mà chi
Sang giàu như áng mây bay
Mới vừa thấy đó phủi tay không còn
Câu 6: Hò hơ…nước giữa dòng có khi trong, khi đục
Người ở đời có lúc nhục, lúc vinh
Gẫm ai vô sự như mình,
Đò ngang một chuyến…hò hơ…
…đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa
Thân già gạo chợ nước sông
Khỏe thì đưa khách, mệt nằm xả hơi.
Sang giàu mặc kẻ đua bơi
Công danh như thể bèo trôi giữa dòng
Ai dại, ai khôn gẫm lại vẫn không bằng đời của lão
Còn trời, còn nước, còn sông
Còn cây đa cũ, còn ông chèo đò./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: