PHẠM LÃI BIỆT TÂY THI
Soạn giả Viễn Châu
NHẠC LY HẬN:
TÂY THI : Lạnh lùng… Sương rơi hắt hiu Tràng giang.
Vời trông ngoài xa sóng xanh chập chùng.
PHẠM LÃI : Phút giây tạ từ.
Đường về Ngô Bang.
Ngàn năm xa cách.
TÂY THI: Lời hẹn ước không cùng vẹn nguyền.
Thôi hết mong tương phùng.
PHẠM LÃI: Từ này xa nhau.
Trữ La Thôn nặng sầu.
VỌNG CỔ
TÂY THI : 1- Chàng ơi nước bạc ngược dòng trăng tà lộn bóng, tôi ra đi để cho ai mang sầu hận đến muôn...đời. Tôi cũng vì ai vò võ một phương trời. Chàng hãy vào trong nghỉ an giấc điệp. Vì ngoài này tuyết trắng lạnh lùng rơi. Trên chiếc thuyền rồng lướt sóng đêm nay. Có kẻ nhìn trăng mà khe khẽ thở dài, kiếp má hồng đến thế thì thôi. Phí bỏ một đời, để đền xong hận nước.
PHẠM LÃI : 2- Tôi đã đến Trữ La Thôn một ngày nắng đẹp, để tìm một dung nhan sắc nước hương trời. Đâu biết ngày nay phải cách biệt nhau rồi. Nén tim đau đưa nàng lìa đất Việt, lệ anh hùng cố nén vẫn thầm rơi. Ngày mai này khi sang đến Ngô Bang, nàng ở lại còn tôi hồi cố quốc. Rồi đây thiên tình sử sẽ chép bằng nước mắt, mới tương phùng sao sớm vội lìa tan.
Lối:
PHẠM LÃI:
Mấy cánh sao khuya rụng nữa rồi.
Trăng tà tắt lặn, lá vàng rơi.
TÂY THI :
Ngô Bang thương kẻ sầu ly quốc,
Ai ở nơi này chịu lẻ loi.
VỌNG CỔ
PHẠM LÃI : 5-Tây Thi ơi làm sao tôi quên được nơi Trữ La Thôn nhìn ai đang giũ lụa, lòng bâng khuâng chan chứa mộng ân...tình. Hạ bút đề thơ ca ngợi nét khuynh thành. Nhưng Tây Thi ơi tình quê hương vẫn nặng, ta phải nén lòng gạt bỏ tình riêng. Rồi đây tiếng cười của em có làm sụp đổ Ngô Bang để trả rảnh thù nhà hận nước. Nhưng nhớ đến giờ chia ly não ruột đã làm cho tôi tê buốt can trường.
TÂY THI : Phạm Lang...
PHẠM LÃI : Tây Thi…
NHẠC :
TÂY THI: Bát ngát trời khuya gió lạnh lùng
Con thuyền lướt sóng giữa trùng dương.
PHẠM LÃI : Rồi đây hai ngã đành xa cách
Sông núi nơi này cũng nhớ thương.
TÂY THI : 6- Sóng biếc lênh đênh con thuyền lướt gió, chốn Ngô Bang em ở anh về.
PHẠM LÃI : Tây Thi rồi đây Trữ La Thôn mây nước sẽ đìu hiu, vì người đẹp không bao giờ trở lại.
Trữ La Thôn vắng bóng em rồi
Người yêu đâu nữa mộng đời tiêu tan.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: