RẠNG NGỜI ĐẤT THỦ - BÌNH DƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng…
Vào Nam Ai
… Long”.
Nhớ bậc tiền nhân đi phá núi vạch rừng
Bước chân dừng nơi đất Thủ - Bình Dương
Một cuộc chinh Nam gian khổ phi thường
Vạn đêm trường tạc nên hình dáng quê hương
Hiểm nguy khôn lường mưa nắng phong sương
Tay kiếm tay gươm diệt lũ cọp hùm
Máu nhuộm màu đất đỏ miền Đông
Không thẹn với núi sông mãi son sắt một lòng
Đất thép thành đồng luôn sừng sững trước bão giông
Bởi có triệu trái tim hồng
Luôn kiên cường đánh đuổi bọn xâm lăng
Chiến khu Đ đậm in rạng ngời Huỳnh Văn Nghệ
Một thi tướng tài danh mà hậu thế nhớ ngàn đời
Mảnh đất Tân Uyên muôn thuở đẹp tuyệt vời
Mãi nhớ ơn người đi mở cõi khai hoang.
Vọng Cổ
Xưa các bậc tiền nhân đã tạc dựng nên một Bình Dương – đất Thủ. Đẹp tựa hồn thơ ngàn năm bất hủ và gieo khí phách hiên ngang dệt hồng trang sử, đánh đuổi lũ xâm lăng để gìn giữ… sơn… hà.
Câu 1. Phá thạch khai sơn máu lệ chan hòa.
Từng dòng chảy thấm tràn vào đất đỏ,
Cho gốm sứ đậm màu nhung nhớ Lái Thiêu.
Rồi giặc đến quê hương xơ xác tiêu điều,
Cây hóa rừng chông vạn trái tim hồng sôi sục.
Chiến lũy được xây bằng bất khuất hiên ngang,
Ngăn lũ hung tàn gieo tóc tang miền đất sử.
Câu 2. Chiến khu Đ muôn đời là bài ca bất tử, đã dệt gấm thêu hoa từng trang sử hào hùng.
Xóa vạn đêm đen rửa sạch sình bùn.
Khi đất Thủ chìm trong điêu linh khói lửa,
Vợ biết tiễn đưa chồng, mẹ hối thúc con đi.
Dưới nhẹ lớp sương mờ bao cuộc chia ly,
Chẳng hẹn ngày về mà vẫn niềm tin son sắt.
Rừng núi Chiến khu oằn mình vì bom đạn giặc,
Ôm những đứa con kiên cường ru giấc ngàn thu.
Ngâm Thơ
Rạng ngời đất Thủ - Bình Dương
Yên lành no ấm… máu xương ươm mầm
Trãi bao năm tháng thăng trầm
Trên miền đất sử âm thầm hồi sinh.
Vọng Cổ
Ngàn tia nắng rọi lung linh dáng hình quê hương đang vươn mình lớn dậy. Đã bốn mươi năm kể từ mùa xuân năm ấy, đất Thủ - Bình Dương nay đẹp lộng lẫy… huy… hoàng.
Câu 5. Thành Phố Mới khang trang nhộn nhịp rộn ràng.
Trên đất Chiến khu ngày xưa bom cày đạn xới,
Nay mọc lên những công trình, khu công nghiệp, nhà cao.
Lòng chợt bồi hồi với Vó Ngựa Trời Nam,
Xin gửi Thường Tân nén tâm hương thành kính.
Đất đỏ miền Đông mãi nhớ ơn người thi tướng,
Đã gieo khí phách hiên ngang ngạo nghễ oai hùng.
Câu 6. Thủ Dầu Một vươn mình cất cánh bay cao,
Tựa con tàu đang vút lao đi tới.
Về Bình Dương trong những ngày xuân mới,
Nghe thấm đậm tình người tình đất thiêng liêng.
Biết bao anh hùng bất khuất trung kiên,
Đã ngã xuống để hồi sinh miền đất sử.
Từng tấc đất quê hương muôn đời ta gìn giữ,
Cho hậu thế mai sau tiếp trang sử hào hùng.
Rừng xanh thăm thẳm điệp trùng
Trong từng thớ đất đỏ từng máu xương
Rạng ngời đất Thủ - Bình Dương
Nhớ ơn người đã tạc quê hương anh hùng./.
Long Xuyên, ngày 04 tháng 9 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---