SA ĐÉC ĐÂU CHỈ CÓ “NGƯỜI TÌNH”
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nam: Anh nghe kể rằng quê hương em Sa Đéc
Có “Người tình” lãng mạn đê mê
Nên muốn về ghé nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Thăm nước Sa giang một chiều hò hẹn.
Vọng Cổ
Nữ: Sa Đéc quê em đâu chỉ có mỗi “Người tình” đê mê lãng mạn. Xin mời anh về đây thăm thành phố trẻ phát triển phồn vinh mà còn giữ vẹn nguyên nét hoài cổ... khiêm… nhường.
Câu 1. Lặng lẽ bình yên nhưng đổi mới không ngừng.
Nam: Sánh bước bên em trên con đường thênh thang rộng mở,
Mà cứ ngỡ xuân về mang hơi thở yêu thương.
Nữ: Xứ sở bốn mùa luôn rực rỡ sắc xuân,
Đây Tân Quy Đông hoa ngát tỏa thơm lừng.
Nam: Bước chân dừng chốn thơ mộng dòng sông,
Liễu rũ buông hay tóc thề em tha thướt.
Câu 2. Thành phố thân yêu dẫu bốn bề nhộn nhịp, nhưng vẫn nét bình yên không chen chúc xô bồ.
Anh mến quê em không biết tự bao giờ.
Nữ: Phải anh yêu ánh mắt hiền hòa chân chất,
Cùng vạn nụ cười mến khách của quê hương.
Nam: Anh thương cô gái dịu hiền có đôi mắt mộng mơ,
Tựa dòng nước Sa giang chở “Người tình” hoài cổ.
Giây phút ngẩn ngơ chưa dám lời thổ lộ,
Bởi sợ cái lắc đầu từ chối của người ta.
Nói Lối
Nữ: Đã qua rồi thời đạn bom lửa khói
Đất đang chuyển mình vẫy gọi đầu tư
Đảng với dân một lòng chung sức dựng xây
Thành phố trẻ mến thương – Thành phố hoa tươi đẹp.
Vọng Cổ
Nam: Những cánh én bay về phải báo mùa yêu thương đã đến. Khi Tân Quy Đông muôn loài hoa khoe sắc đang đón đợi những đoàn tàu xe tấp nập rước... nhau… về.
Câu 5. Đường Sa Nhiên – Cai Dao làm bao du khách thẫn thờ.
Nữ: Về quê em mảnh đất từng bị mưa bom pháo dội,
Nay đang chuyển mình từng bước đi lên.
Bên “Vườn Hồng” ngào ngạt vạn mùi hương,
Thấm xương máu cha ông thêm màu rực rỡ.
Nam: Đi bên em giữa lòng thành phố,
Mà nghe vạn yêu thương nở rộ giữa tim lòng.
Ngâm
Nữ: “Đèn nào sáng bằng đèn Sa Đéc
Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân…
Nam: Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run”.
Câu 6. Nữ: Con gái quê em luôn thật thà chân chất,
Ăn nói vụng về nhưng tha thiết thủy chung.
Nam: Anh sợ mình sẽ quyến luyến bước chân đi,
Rồi nhớ rồi thương một người dưng nước lã.
Nữ: Anh đã tương tư cô nào… quen hay lạ,
Cứ nói thiệt tình em sẽ giúp giùm cho.
Nam: Nhưng mà anh vẫn thấy lo
Sợ người ta từ chối quanh co chẳng gật đầu.
Sông chiều ngược chảy về đâu
Cho tôi nhắn hộ đôi câu tỏ tình
Nữ: Ánh đèn soi nước lung linh
Thương em xin hãy vững tin trong lòng./.
Long Xuyên, ngày 25 tháng 10 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---