SẦU GIĂNG MÙA HẠ
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Nam: Dòng thư năm cũ còn đây
Mờ phai nét chữ mà dầy nhớ thương
Nữ: Anh đi biền biệt tha phương
Ngàn đêm em đợi canh trường cô…
Vào Văn Thiên Tường
… liêu.
Muôn nỗi nhớ giăng đầy, anh nào biết nào hay
Lòng thêm quạnh vắng, luôn khát thèm một vòng tay
Lời ngọt ngào tha thiết của ai, cho vơi bớt đọa đày
Vẫn gìn giữ nâng niu mối tình vụng dại
Mong người về đây thăm lại, kỉ niệm hôm nao áo trắng học trò
Nam: Mái trường xưa ngập đầy hoa đỏ
Như máu tim hồng tô thắm em ơi
Lá thư tình vô chủ tội gì đâu
Cớ sao em nhàu nát lạnh lùng
Để kẻ ra đi tháng năm dài uất nghẹn
Muốn trở về cùng ai hò hẹn, mà vẫn không can đảm quay về
Cho đến hôm nay thì dang dở câu thề
Nữ: Thôi ta đành ngàn năm xa cách
Dẫu thân phượng già còn khắc chữ: mãi chờ em.
Vọng Cổ
Nam: Lưu bút ngày xanh còn đậm in bài thơ anh viết dở. Đã mấy mùa trôi bao lần phượng nở, mà hai chữ nợ duyên muôn thuở vẫn… không… thành.
Câu 1. Tình của đôi ta nào khác chuông kia treo sợi chỉ mành.
Nữ: Anh viễn xứ bỏ quên thời thơ mộng,
Mặc mưa gió cuộc đời lồng lộng cuốn em xa.
Lưu bút học trò khép lại mấy mùa hoa,
Màu áo trắng tung bay trong nỗi nhớ ngập lòng.
Nam: Hạ đang về mà buốt lạnh trời đông,
Vắng bóng người xưa nghe từng dòng lệ đổ.
Ngâm Dặm
Nữ: Còn đâu lưu bút ngày xanh
Tình xưa nay đã hóa thành bụi tro
Nam: Đêm buồn lấy nhớ ra đo
Anh đo ray rứt, giày vò em ơi.
Câu 2. Nữ: Nỗi nhớ không tên chất chồng lên dĩ vãng, màu trắng thời gian thêm oằn nặng nỗi thương chờ.
Em còn nhớ như in lời ngượng nghịu gã ngây khờ:
Nam: Hạ ơi! đừng mang tuổi học trò đi đâu nhé,
Để luyến tiếc ngập lòng một kẻ biết tương tư.
Nữ: Anh lén từng chiều viết vội mấy dòng thư,
Cố ý bỏ quên nơi chiếc bàn thay địa chỉ.
Nam: Ai thề ước gì đâu mà hắn ước thề chung thủy,
Khắc lên thân phượng già ba chữ: mãi chờ em.
Lý Con Sáo
Nữ: Em sang sông
Khi nắng hạ vừa qua thu
Ngàn mây mù âm u
Trôi lang thang phủ khắp cõi lòng
Bao nhói đau thương nhớ chất chồng
Nam: Lòng dặn lòng tình yêu xưa giấu chôn
Nơi đáy tim khóa kín để dần quên
Người đi rồi đến muôn thuở biệt ly
Ngoảnh lại chi Hạ ơi em cứ cười vui.
Vọng Cổ
Nữ: Đã mấy mùa thương, đã qua biết bao mùa nhớ. Ôm nỗi cô đơn tháng ngày em đợi mà bóng người xưa cứ vời vợi ở… phương… nào.
Câu 5. Nam: Nên mặc áo cô dâu em về bên ấy sang giàu.
Khi nắng lưa thưa rọi trên từng cánh phượng,
Lúc hạ sắp tàn trời chuyển sang thu.
Nữ: Trăng hẹn thề vằng vặc đã mờ lu,
Nên khoảng trời yêu một màu tang bao phủ.
Nam: Nhánh phượng xác xơ bên đời ủ rũ,
Khi mấy chồi non chưa kịp nhú, vươn cành.
Lý Giao Duyên
Nữ: Nước mắt em… rơi
Đêm buồn xuất… giá
Lạnh lẽo cô… phòng
Thương nhớ ngập… lòng
Người hỡi có… hay
Sao chẳng về… đây
Nam: Anh đã bỏ… quên
Tình yêu xưa bao kỉ niệm êm đềm
Nghe nghẹn ngào buốt nhói buồng tim
Hai ta giờ cách biệt ngàn năm.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Nữ: Một khoảng trời riêng hằn sâu trong ký ức, ta hãy giữ mùa hoa đẹp nhất trong đời.
Nam: Anh sẽ về thăm hạ - Hạ ơi!
Dù biết cô đơn trên đường đời lạc bước.
Nữ: Gốc phượng già nua trơ cành xơ xước,
Nam: Anh vẫn giữ bên lòng ba chữ: mãi chờ em./.
_______________________________________
Long Xuyên, ngày 11 tháng 8 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---