TÂM TÌNH VỚI MIỀN SEN
Đặng Thanh Huyền
Ngâm vào Lý chiều chiều:
Nếu không trải cảnh cơ hàn,
Thì sao có được vinh quang rạng ngời…
Nhìn về… quá khứ Thanh Bình ơi, nơi ngày xưa,
Nắng mưa, bao mùa gian khó,
Tháng năm gió giông tư bề,
Khi dấn thân nhiều nghề, mà chưa hề thành công,
Nhưng tôi quyết không đầu hàng...
Vọng cổ:
1. Thương lắm miền Sen ơi, dù đi đâu khắp nẻo cùng trời thì lòng tôi vẫn trọn đời ghi khắc mãi. Là dòng sông Tiền trong ký ức tuổi thơ luôn êm đềm xuôi chảy, là ngôi nhà cũ đơn sơ nơi Thanh Bình có vợ hiền con thảo, đã vất vả cùng tôi vượt qua tháng năm dài giông bão, không ngại điều tiếng thị phi mưa dầu nắng dãi, để đạt được thành tựu hôm nay phải thầm cảm ơn lòng nhẫn nại… kiên… trì...
Bởi Huỳnh Văn Bé của ngày xưa tay trắng chẳng còn gì... Chỉ còn lại niềm tin nghị lực, quyết thoát khỏi cảnh nghèo bĩ cực gian truân. Thương các con mình đang độ tuổi thanh xuân, không ngần ngại khó khăn đi bán từng bịch muối. Thương người vợ hiền luống tuổi thủy chung, luôn sát cánh cùng chồng vượt muôn trùng bão tố…
Hát dặm:
Rời quê đâu phải chẳng thương quê,
Rời quê nung nấu hẹn ngày về,
Rời quê tháng năm dài mong nhớ,
Rời quê lòng đau đến tái tê…
5. Tôi rời đất xa quê luôn nhớ về Đồng Tháp, nhớ lắm miền Sen ơi-nơi ấm áp an lành...
Nhớ Sa Đéc, Lai Vung… nhớ Cao Lãnh, Châu Thành...
Trăng thu (vỹ):
Chờ mong về với quê mình,
Miền thương Thanh Bình, Hồng Ngự,
Lòng son vẹn giữ không nhòa,
Tam Nông, Lấp Vò trong dạ,
Nhớ Tân Hồng biên giới xa,
Thương Tháp Mười sen nở hoa…
Hát tiếp câu 5:
Từ phố thị bôn ba về quê nhà Đồng Tháp, tôi mang theo nghĩa nhân gieo khắp đất Sen Hồng…
Lý năm căn:
Từ trong… gian khổ triền miên,
Nhờ ơn hạt muối giao duyên,
Gieo nghĩa nhân trên quê hương,
Ngàn thương thắp lên hy vọng,
Đời vui khi sống vì nhau,
Tình yêu lan tỏa ngày… sau,
Tôi sẵn sàng… trao, lòng nhân ái dạt dào…
Xề 24:
6. Muối Ngọc Yến đã cho tôi làm "Ông Vua muối sấy", còn Đồng Tháp đã cho tôi một nghị lực phi thường.
Nên tôi thương hạt muối quê hương,
Luôn mặn mòi hương vị mãi vương vấn lòng.
Tôi nguyện làm ngọn gió bên sông,
Chở nghĩa tình gieo khắp đất Sen Hồng yêu thương./.
Long Xuyên, ngày 22 tháng 5 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---