TÂM TÌNH CÔ CÔNG NHÂN
Sáng tác: A Lý Phượng Tuyền
NGÂM THƠ
NAM: Lần đầu tiên đặt bước đến quê em
Anh mới biết người công nhân dạn dày sương gió
NỮ: Dòng nhựa trắng cùng em trọn đời gắn bó
Bàn tay em chuyên cần khuya sớm với vườn cây.
LÝ TRĂNG SOI
Ôi, Dầu Giây… Xanh ngát nông trường
Rừng cao su nối nhau tiếp hàng
Cho lòng em biết bao rộn ràng
NAM: Thương làm sao
Miền quê đất đỏ như má người thương
Của người em nơi đất Gia Nhang
Mưa nắng không sờn… dầu dãi với thời gian
NỮ: (vô vọng cổ) –Anh gì đó ơi, anh đừng quá ngợi khen mà lòng em thêm e thẹn. Em chỉ là cô gái công nhân sớm hôm dầu dãi, đâu có đẹp bằng ai nơi miền phố chợ lắm…
VỌNG CỔ
Hoa hồng…
NAM: Anh thương em là nơi đẹp nết, đẹp lòng… Bàn tay em sớm khuya tần tảo, khơi mạch sống cho đời qua dòng nhựa trắng cao su (-)
NỮ: Anh gì kia ơi, Cuộc đời người con gái công nhân có gì mà anh phải bận tâm, bởi vì em yêu..
NAM: (nói) -Cô yêu ai vậy?
NỮ: Bởi vì em yêu rừng cao su lá thắm xanh màu, yêu nông trường Dầu Giây đang trên đường đi tới.
NAM: (nói dặm) –Trời ơi, cô nói làm cho tôi mừng hụt hà! Cô gì đó ơi, cô thứ mấy vậy?
NỮ: Da, em… thứ năm.
NAM: Còn tôi thì… chẳn chục.
NỮ: Như vậy… anh thứ mười phải hôn?
NAM: Dạ!
NỮ: 2-Anh mười ơi, nghề công nhân cao su rất là khó nhọc. Phải thức sớm nè, dậy khuya nữa đó, để mà còn lo chắm sóc cho cây trồng…
NAM: Cô năm nè, tôi nói thiệt nghe. Nếu tôi được cô năm cho phép làm chồng…
NỮ: (nói) –Cái anh mười này, người ta nói thiệt mà!
NAM: Dạ, thì tôi cũng nói thiệt, là cô quen chăm sóc cây trồng, nếu chăm sóc cho chồng chắc không còn cái chỗ nào chê (-)
NỮ: Ý, anh mười ơi, em chỉ quen chăm sóc cho cây, chớ còn việc chăm sóc cho chồng thì em đây hổng dám.
NAM: Thôi thì… nói gần nó xa hổng qua nói thiệt hà! Nếu cô chẳng chê thì tôi ở lại gia Nhang, để xin được cao mủ cùng cô.
NAM: (nói) –Cô năm nè, nghề cạo mủ cao su có khó lắm vậy không cô?
NỮ: Dạ, cũng dễ thôi, chừng… hai ba ngày là được hà!
NAM: Nhưng mà… tôi tối dạ dữ lắm! Chắc là phải học đến… ba mươi ngày quá hà! Cô năm ơi, vậy tôi xin cô chớ có…
XANG XỨ LÍU
Dấu nghề… Mà vui lòng chỉ dạy cho tôi
NỮ: Ý, em hổng dám vậy đâu
Anh mười ơi, em hổng biết làm thầy
NAM: Thì… thì cô dạy tôi giống như là chồng dạy vợ
Hay là vợ dạy chồng tôi đây cũng chịu
Tôi học nghề cạo mủ cao su
Và học mãi bên cô đến trọnkiếp, trọn đời
NỮ: Á, cái anh mười này
Nói sao em nghe kỳ quá hà!
Làm cho em đây thấy thẹn trong lòng
Anh mười ơi, đừng làm em mắc cỡ
NAM: Cô năm ơi, tôi yêu Gia Nhang
Và yêu rừng cao su xanh thắm
Yêu màu áo của công nhân
Và… và yêu cả luôn cô.
NỮ: (nói) –Cái anh mười này thiệt tình á!
NAM: (vô vọng cổ) –Cô năm ơi, phải chịu khó chịu thương mới mong được người con gái công nhân ưng làm vợ. Phải dãi nắng dầm sương chịu đựng trời mưa gió, mới có dòng nhựa trắng tràn dâng đem sức sống…
VỌNG CỔ
5 - Cho đời… Cô năm ơi, khi nói tiếng thương cô là tôi đây đã nhứt định rồi… Dù bão hay mưa, dù sương hay gió, tôi cũng chịu đựng được mà có nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ hả cô năm (-) Miễn ai kia chặt lòng chặt dạ thì thôi, tôi sẽ cố gắng học hỏi để trở thành công nhân gương mẫu. Tôi sẽ phấn đấu trở thành công nhân tiên tiến, coi chừng à nghe, rồi học trò sẽ hơn thầy.
NỮ: 6 - Chồng mà hơn vợ thì có chi là ngại… Ý mà hổng phải, trò hơn thầy thì có chi là ngại. Nhưng em chỉ sợ…
NAM: (nói) -Cô sợ điều chi vậy hả cô năm?
NỮ: Em chỉ sợ lòng ai kia không thiệt, biết người ta có chịu đựng được cực khổ hay không?
NAM: (nói) –Được mà!
NỮ: Vì cuộc đời của một công nhân, anh mười biết hôn, em chỉ biết chuyên cần sớm hôm với dòng nhựa trắng.
NAM: Thôi thì… nói gần nói xa hổng qua nói thẳng, tôi xin được cùng với cô năm cạo mủ cao su cho đến trọn đời (-)
Nơi này quê vợ của tôi
NỮ: (nói e thẹn) –Anh mười kỳ quá, cứ nói vậy hoài hà!
NAM: Thì anh nói thiệt là…
Tình anh vẹn vẻ trước sau
Ngàn năm thắm đỏ như đất màu Gia Nhang.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.