THOẠI KHANH – CHÂU TUẤN
Soạn giả Viễn Châu
Nói lối
Ai nức nở với giọng đàn Tư Mã
Nhạc sầu vương theo chiếc lá lạnh lùng rơi
Đàn làm chi buồn lắm Thoại Khanh ơi!
Nghe ray rức bồi hồi sa ngấn lệ…
VỌNG CỔ
1/ Cầm chiếc đàn lên nghiêng vai cõng mẹ. Tìm người thương khắp cả bốn…phương… trời…
Mẹ ơi! Đôi mắt của con nay đã mù rồi…
Chiếc tỳ bà chùng dây, long phím vẫn u hoài theo từng giọt mưa rơi(-)
Đường sang Tề diệu vợi xa xôi, tiếng ve ngân hòa lẫn tiếng xạc xào của những chiếc lá vàng rơi, trong một chiều thu trên đường về biên ải…
2/ Đàn kêu tích tịch tình tang
Thiếp nay cõng mẹ tìm chàng, chàng ôi!
Từ ngày phu phụ lìa đôi
Lệ em như thể… lá rơi bên đường…
…Muôn dặm tìm nhau cho vẹn chữ cang thường…
Mẹ già nua mái đầu sương điểm trắng. Em mõi mòn máu thắm cạn buồng tim (-)
Tìm anh như thể tìm chim
Chim bay biển bắc, em tìm biển đông
Dặm đường cát bụi, gai chông
bởi quá thương chồng em há ngại đường xa
3/ Chữ phu thê một ngày cũng nghĩa, đạo vợ chồng em giữ vẹn tào khang. Đêm quay tơ dưới anh trăng loan, ngày mưa nắng tảo tần nuôi mẹ! Có ngờ đâu đất bằng nỗi lên giông tố, em phải bỏ quê nhà cõng mẹ dời chân.
Dao vàng cắt thịt máu tuôn
Thành tâm nuôi mẹ thánh thần chứng tri
Kề vai cõng mẹ ra đi
Tròn câu hiếu đạo sá chi cơ hàn.
Nói lối
Ai nghe được tiếng đàn ngoài biên ải
Điệu u hoài khắc khoải lúc tàn canh
Có phải chăng tiếng đàn ấy của Thoại Khanh
Vai cõng mẹ tìm chồng nơi Tề quốc
4/ Mẹ ơi! Giữ vẹn phận làm dâu con quản chi cuộc đời đói lạnh. Muôn dặm đường xa con nào ngại cảnh …cơ… hàn…
Mẹ hãy ngồi đây nghe tiếng con đàn…
Con nuôi mẹ bằng lời ca, tiếng nhạc để qua hồi đói lạnh lầm than (-)
Gậy tre dò bước quan san
Máu rơi theo những điệu đàn sầu thương
Miễn là trọn đạo tào khương
Dẫu cho muôn dặm nắng sương đâu nài!
5/ Nước mắt tuôn rơi theo tiếng nhạc sầu áo não, em vẫn tìm anh qua chiếc áo phong trần … Mỗi tiếng đàn thương là lệ đổ bao lần…
Châu Lang ơi! Nơi chân trời góc biển, biết bao giờ anh trở lại cố hương (-) Dù nay em đã mù đui, nhưng tình vẫn đượm trong cõi lòng cô phụ. Giấc Nam kha chập chờn thân lữ thứ, vẫn hằng mong gặp gỡ bạn chung tình.
6/ Châu lang ơi! Cầm đàn lên thổn thức lệ đầm khăn, theo tiếng nhạc đường tơ còn rướm máu. Duyên mai trúc thiếp không lỗi đạo. Nghĩa cang thường anh chớ vội đơn sai. Em đã tìm anh khắp Nam, Bắc, Đông, Tây…nhưng người yêu cũ nơi nào không thấy dạng? Em nhớ anh ruột gan đoài đoạn, biết gởi về đâu mấy tiếng tơ đồng.
Cầm đàn lên cõng mẹ ra đi, em gắng gượng nhọc nhằn lê bước
Xa xa khói núi, mây ngàn.
Còn nghe văng vẳng giọng đàn bi thương
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: