THƯƠNG NHIỀU BÌNH PHƯỚC QUÊ EM
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nam: Anh nghe kể về miền Đông đất đỏ
Rừng bạt ngàn quê em đó thủy chung
Nữ: Thương những con người bình dị bao dung
Trải tháng năm lòng kiên trung vẹn giữ.
Lý Bông Dừa
Thương nhiều Bình Phước bao thăng trầm
Miền quê tươi thắm hôm nay nhớ người đắp xây
Đường lô rừng ngát xanh chân trời
Nam: Ơn nghĩa muôn đời người gieo mùa yêu thương
Bù Đăng, Đồng Phú, Bình Long
Dòng sông Bé trôi trong lòng, nghe ấm nồng tim anh
Nữ: Dù ai cách xa quê nhà nhưng không hề lãng quên.
Vọng Cổ
Nam: Thương lắm ai ơi tuổi đôi mươi rạng ngời duyên dáng. Nhẹ bước bên anh giữa rừng xanh bạt ngàn khoe sắc nắng, từng dòng nhựa trắng cao su đang thầm lặng ngắm… em… cười.
Câu 1. Nữ: Anh nghe thấy gì không đất lan tỏa tình người. Bình Phước quê em kiên cường anh dũng, xưa đất oằn mình trong lửa đạn điêu linh. Hớn Quản – Đồng Xoài – Bù Đốp – Lộc Ninh, đâu đâu cũng ngập tràn hoa công ơn nở rộ.
Nam: Thương những vườn điều trĩu quả oằn sai, bởi đất thấm máu xương nên đậm tình xứ sở.
Ngâm Dặm
Đường lô nối tiếp đường lô
Cao su xanh ngát điểm tô Phú Riềng.
Nữ: Vườn tiêu nặng nỗi niềm riêng
Thương Bù Gia Mập… Mẹ hiền gian truân.
Câu 2. Ròng rã bao năm đất miền Đông gian khó, Mẹ vẫn vững niềm tin không rời bỏ quê nhà.
Nam: Cho mái tóc em thương gội nước dòng sông Bé mượt mà. Đây vườn tiêu xanh đẹp rạng ngời bức tranh xứ sở, anh nghe có vị cay nồng mằn mặn ở bờ môi.
Nữ: Hai mươi năm trời từ thuở nằm nôi, Mẹ tần tảo sớm hôm nuôi đời em khôn lớn. Như cánh rừng già trước bão giông thẳng đứng, bám đất kiên cường cho xanh thắm quê hương.
Lý Mỹ Hưng
Nam: Về đây bên hồ Thác Mơ yên bình
Nữ: Cùng em ngắm bình minh
Nam+ Nữ: thương nhiều Phước Long quê mình
Thầm yêu nồng say da diết, đất người thủy chung.
Nữ: Anh thấy không anh, rừng xanh Cát Tiên – Bù Đăng
Nắng xuân Chơn Thành, đẹp tươi miền quê em đó
Nam: Xiết bao ân tình, xưa Mẹ tháng ngày cần lao.
Vọng Cổ
Xưa Mẹ cùng Cha dựng xây mái nhà trên quê nghèo xóm nhỏ. Trải bao tháng năm kiệt cùng gian khó, nhờ có ngọn lửa niềm tin nơi miền đất đỏ... soi... đường.
Câu 5. Ý Đảng – lòng dân kết tinh thành sức mạnh phi thường.
Nam: Để Bình Phước hôm nay vươn mình lớn dậy, phát triển không ngừng đưa đất Mẹ bay cao. Cho đôi tim hồng được hạnh phúc bên nhau, nếm vị đắng cà phê mà nghe lòng ngào ngọt.
Nữ: Ơi hồ suối Cam giọt tình chung ai rót, mà lai láng yêu thương tắm mát cả Đồng Xoài.
Lý Cái Mơn
Về Bù Đăng cùng em anh nhé
Thăm sóc BomBo bập bùng ánh lửa chày khua
Khắp quê ta mùa hạnh phúc bao la ngập tràn.
Nam: Nụ cười vui sáng ngời đêm trăng
Bên cánh võng đòng đưa
Nữ: Nghe êm đềm thiết tha khúc nhạc tình quê.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Nam: Anh ở miền xa về thăm rừng xanh đất đỏ, thương quê Mẹ kiên gan thương em gái nhỏ dịu dàng.
Nữ: Những cung đường đang rộng mở thênh thang, đợi bước chân ai về cùng xây mơ ước.
Nữ - Nam: Em tuổi hai mươi… dẫu đi sau, về trước, ta mãi nguyện một lòng đưa Bình Phước vươn cao./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 03 tháng 6 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---