THƯƠNG NHỚ MẢNH TÌNH XƯA
Đặng Thanh Huyền
Lý Con Sáo:
Đêm khuya giá lạnh nhớ về quê hương
Nhìn sương tàn trong đêm
Anh cô đơn chiết bóng một mình
Chắc bởi yêu em nên đau đớn trong lòng
Buồn vạn sầu thêm muôn nỗi đau
Anh luyến thương khóc cho những ngày qua
Giờ thì tình đầu đã xa
Em cũng theo ai lãng quên vùi chôn tình xưa…
Vọng Cổ:
Câu 01: Mơ mộng du dương chập chờn trong giấc ngủ. Sương lạnh tàn đêm trăng mờ bên cửa sổ soi rọi vần thơ nức nở… ghi… sầu.
Thương nhớ quê hương yêu lại mối tình đầu.
Thôi ta đã lỡ rồi nhịp cầu ly biệt, hãy chấp nhận cho mình đừng nữa tiếc thương.
Giờ tim lòng ngàn vạn đớn đau, như ai lấy kim châm chà xát xước cào.
Anh nhờ gió gửi về nơi ấy bên em, là mảnh tình xưa ngọt ngào tha thiết…
Câu 02: Nhớ ngày nào vu quy xuất giá, anh chết lặng nhìn theo ai đó rước em về.
Rồi thầm chúc người đi hạnh phúc bên chồng.
Anh trở về nơi thành đô lạnh lẽo, mang nỗi u hoài chôn chặt vào tim.
Trang nhật ký buồn chỉ ghi mỗi tên em, và thắm vạn giọt lệ rơi luốc lem màu mực.
Dẫu tim khóa rồi nhưng tình xưa còn thức, để mỗi đêm về nức nở dưới trăng khuya…
Nói Lối:
Anh gửi hồn anh vào trang nhật ký
Vá cuộc tình tan vỡ đã từ lâu
Em xa rồi để lại vạn cơn đau
Nơi trái tim của kẻ thừa nhân thế…
Vọng Cổ:
Câu 05: Biết trách ai đây giữa cuộc tình ngang trái. Anh vẫn thầm mong cho người con gái năm xưa mãi mãi… tươi… cười.
Dù phải đớn đau đến tận đáy tâm hồn.
Đêm đã khuya vẫn với dòng nhật ký, từng nét u buồn vá lại mối tình xưa.
Ánh trăng mờ như trêu ghẹo kẻ tình si, lén bên cửa sổ thầm thì câu đùa cợt.
Giọt sương khuya ngoài trời rơi rớt, hay tầm tã cơn mưa giá lạnh giữa tim lòng…
Câu 06: Trang vở đầy tình cũng đã dầy hơn, nơi trái tim chứa vạn ngàn đau khổ.
Ngày xưa ai đã thề non hẹn biển, để bây giờ cho biển cạn non xa.
Tình chỉ còn là vị mặn chát chua, và có chăng chỉ sót lại tình thừa em rơi rớt.
Dòng lệ đã khô cõi cằn nơi sa mạc, dẫu trái tim đau vẫn ngào ngọt chung tình.
Ngâm thơ:
Ngàn năm thương nhớ bóng hình
Em đi bỏ lại vô tình phụ vong
Ai vui hạnh phúc bên chồng
Hay chăng có kẻ cõi lòng nát tan./.
Vũng Liêm, ngày 23 tháng 4 năm 2004.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---