TÌNH MẸ AN GIANG
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Thất Sơn – Quê mẹ… con về.
Trên dòng sông Hậu bốn bề nhớ giăng
Đêm xưa cổ quấn khăn rằn
Xuồng đưa bộ đội… giữa lằn tử sinh.
Lý Cái Mơn
Phà Ô Môi cù lao Ông Hổ
Sóng nước reo vui đưa thuyền lướt nhanh dần trôi
Đứa con xa ngày đêm nhớ nhớ thương tìm về
Xuồng ai khua mái chèo trên sông
Nghe khuấy động tình thâm
Giữa tim lòng thiết tha cao ngọn triều dâng.
Vọng Cổ
Chợt nghe trên bến sông quê lời ai khẽ gọi. Mà con cứ ngỡ đêm xưa dưới làn mưa bom pháo dội, mờ ảo trăng khuya mẹ đưa bộ đội... sang… bờ.
Câu 1. Cho kịp buổi hành quân trong nhẹ lớp sương mờ.
Xuồng chở nặng nỗi căm hờn sôi sục,
Bao chuyến đong đầy là bấy nhiêu lượt chiến công.
Tay chai sần, mắt ngời sáng ngọn đèn chong,
Chẳng ngại hiểm nguy dù súng đạn giặc đang kề.
Cha chưa về còn nơi chiến địa xa xôi,
Vẫn vững tay chèo mẹ ngày đêm trên sóng nước.
Thơ
Tin cha ngã xuống chiến trường
Khăn tang trắng cả đau thương trong lòng
Xuồng đêm mẹ vẫn khua dòng
Đưa con ra trận non sông đang chờ.
Câu 2. Thương dòng nước thủy chung luôn miệt mài xiết chảy, như người mẹ kiên gan còn nặng mãi tay chèo.
Ươm hạnh phúc, niềm tin ngời sáng quê nghèo.
Nhớ mùa lũ về nhuộm vàng đồng bông điên điển,
Áo vá vai sờn mẹ lội hái giữa mưa giông.
Cho đứa con thơ được no dạ ấm lòng,
Và nhen nhóm ngọn lửa hồng tình yêu Tổ quốc.
Ngày quê hương hòa bình thống nhất,
Trên mảnh đất anh hùng in dáng mẹ hiên ngang.
Nói Lối
Về Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, An Phú,
Tản mạn chiều nơi ngọn núi Cấm – Tịnh Biên
Đêm Tân Châu ngắm sóng nước sông Tiền
Chợt nhớ Tri Tôn, yêu miền quê Ba Chúc.
Lý Con Sáo
Đây Phú Tân
Châu Đốc đậm tình quê hương
Mái tóc dài pha sương
Trắng khăn tang mẹ tiễn đưa chồng
Bao đau thương cố nén vào lòng
Châu Phú đêm nào chèo khua nước sông
Đứa con đi theo vạn bước hành quân
Nay trở về thăm xuồng xưa dưới trăng
Lấp lánh soi đến muôn thuở tình thâm.
Vọng Cổ
Con trở về đây trên mảnh đất thiêng liêng ngày xưa bom cày đạn xới. Nay bát ngát đồng xanh, An Giang khoác lên mình áo mới, nối tiếp dựng xây không ngừng đi tới cho đất Mẹ bay cao rạng rỡ ánh... dương… hồng.
Câu 5. Ôi tha thiết bao la tình mẹ ấm nồng.
Mãi mênh mông tựa dòng sông Hậu,
Luôn ngọt ngào như nước Búng Bình Thiên.
Đẹp rạng ngời hơn đèn Bốn Ngọn – Long Xuyên,
Lòng cao cả sánh ngang trời Thiên Sơn Cấm.
Chiếc xuồng chèo mẹ một đời chở khẳm,
Nhân nghĩa bao dung sâu nặng ân tình.
Câu 6. Lũ lại về cho vàng bông điên điển ven sông,
Con bất chợt thèm bữa cơm ngày xưa mẹ nấu.
Cánh cò giữa mưa giông vội tìm nơi trú đậu,
Riêng mẹ áo bạc vai sờn vẫn lặn lội đồng trưa.
Những chuyến về theo năm tháng dần thưa,
Con viễn xứ để một góc nhà hiu quạnh.
Gió sương thấm vai chẳng lần mẹ lạnh,
Riêng nỗi nhớ con làm ướt đẫm tim lòng.
Chiều nay sóng nước dập dồn
Bỗng nghe trong dạ bồn chồn ngóng trông
Mẹ già đứng đợi bên sông
Xuồng chèo chở nặng tấm lòng của con./.
Long Xuyên, ngày 19 tháng 5 năm 2015.
_______________________________________
(* Bài vọng cổ được đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang tháng 9/2015)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---