TÔI ĐI TÌM ANH
Vọng cổ: Phạm Văn Phúc
(bài hát viết cho Trần Ngọc Nhã Thi)
NÓI LỐI:
Tôi trở lại tìm anh….
Người lính Văn công một thời trong lửa đạn,
Trên đỉnh Trường Sơn hát vang cùng năm tháng,
Bên ánh lửa bập bùng soi sáng bước quân đi…
NAM AI (lớp 1)
Ôi! Những lời……. ca.
Như mãi ngân nga, tha thiết bên rừng,
Khi chiều buồn rưng rưng,
Lệ lá đổ âm thầm…
Nhớ một lần sương nhẹ mờ giăng,
Cài hoa rừng lên tóc - cánh bằng lăng.
Anh khe khẽ bảo rằng…
Chờ ngày thống nhất non sông…
Nhưng mà sao anh đi mãi không về,
Bằng lăng buồn , tím cả chiều quê.
Còn đâu lời ước hẹn thề .
Mắt buồn nhòa lệ tái tê
Mấy mươi năm trở về tìm lại,
Bóng người xưa đã mãi mãi bên rừng..
Trường Sơn đồi núi chập chùng,
Mưa buồn như nhỏ lệ bâng khuâng….
VỌNG CỔ
1./ Nước mắt rưng rưng giữa buổi hành quân chiều tiễn đưa năm ấy, người lính Văn công bồi hồi như chợt thấy, sắc tím bằng lăng đang duyên dáng vẫy tay….….chào.
Rưng rức lòng ai màu hoa tím hôm nào.
Cài lên mũ tai bèo cánh hoa màu nhớ, tay súng tay đàn anh hăm hở bước chân đi.
Tôi ngậm ngùi che ngấn lệ hoen mi, nước mắt chia ly nhòa nhạt cánh hoa rừng.
Khói lửa mịt mùng qua mấy bận hành quân, nhưng màu tím thủy chung vẫn đậm đà cùng năm tháng..
(nghỉ 8 nhịp)NÓI LỐI:
Bóng anh dần khuất bên ngàn
Còn nghe trong gió tiếng đàn ngân nga…
2./ Khúc Tiến Quân Ca từ ngàn xa vọng lại, thôi thúc bước hành quân rực cháy lửa căm hờn.
Người lính Văn công vẫn tay súng tay đàn.
Tay xẻ dọc Trường Sơn lên đường đi cứu nước, tay nắn nót cung đàn xông lướt bản hùng ca.
Mỗi cánh rừng, mỗi trận đánh anh qua, cung đàn mãi ngân nga bài ca mừng chiến thắng.
Màu tím thủy chung vẫn bên tôi thầm lặng, nơi pháo dội bom gầm năm tháng đợi chờ anh…
LÝ TRĂNG SOI
Ai ngờ đâu …
Tin đến trong ngỡ ngàng.
Một chiều bom rơi, chiến tranh điêu tàn.
Anh vội ra đi, bỏ quên cây đàn.
Mưa chiều giăng, bằng lăng vẫn tím,
Son sắc chờ mong…
Mà người đi có biết hay không ?
Bên cánh rừng,
Tôi đứng ngậm.. ngùi… trông….
VỌNG CỔ:
5./ Ôi! Màu tím thủy chung thôi hết đợi hết mong người lính Văn công đã ra đi vĩnh viễn, nơi đạn nổ bom rơi ngày đêm rung chuyển, tan tác Trường Sơn trong cuộc chiến điêu… tàn.
Anh ngã xuống mà tay vẫn ôm chặt cây đàn.
Máu đỏ tim anh thấm vào trang nhật ký, thấm vào núi rừng hùng vĩ của Trường Sơn.
Trở lại chiến trường loang lổ những hố bom, tôi tìm mộ người thương chiều buồn mưa giăng mắc.
Anh ở nơi đâu từ trong lòng đất, có nghe tiếng lòng tôi như quặn thắt giữa rừng chiều.
LÝ NĂM CĂN:
Trường Sơn – Đây một tình yêu.
Ngày xưa thương nhớ bao nhiêu.
Tiếng hát át tiếng quân reo.
Đàn ơi! Mến yêu vời vợi….
Ngày xưa mong ước thành đôi,
Giờ đây hoa tím mồ… côi.
Thương nhớ đầy… vơi
Xa cách ngàn đời.
( về vọng cổ câu 6)
6./ Chiều xuống xa xôi nơi triền đồi năm cũ, lất phất rừng hoang- mưa vần vũ trong lòng.
Hoa tím chờ mong vẫn ấm nồng cùng năm tháng, còn cây đàn này ai làm bạn nữa anh ơi!
Trường Sơn một thuở rạng ngời,
Anh khuất xa rồi, hoa tím đợi chờ ai ?
…….
(16-02-2011) PHẠM VĂN PHÚC
Tác giả Phạm Văn Phúc là Trung tá Công An. Anh từ trần vào lúc 4h00, ngày 11/10/2020. Hưởng dương 57 tuổi. An táng tại Hoa Viên Nghĩa Trang (Bình Dương).
Ban Điều hành Kho tàng Vọng cổ Việt Nam kính thông báo đến bạn hữu gần xa và xin chia buồn cùng gia đình Tác giả Phạm Hồng Phúc.
FB: https://www.facebook.com/tgphamvanphuc