TRÊN CHUYẾN XE TÌNH
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
Tình cờ gặp gỡ chuyến xe quê
Dáng em tha thướt mái tóc thề
Ngồi đâu em hỏi. Anh khẽ nói…
Hãy sát vào anh ta cận kề…
Vọng Cổ:
Câu 01: Hãy sát vào anh em ơi đừng ngại ngùng như thế. Mắt biếc nhìn quanh tóc thề tha thướt nhẹ bước đôi chân ngập ngừng e thẹn em để trong anh muôn nỗi… si… tình.
Bởi nụ cười thơ ngây trong sáng tâm hồn.
Mới thấy em mà đã nghe lòng xao xuyến, như quen tự lâu rồi nay gặp lại nhau.
Dù biết mình chỉ là nước lã người dưng, đi chung chuyến xe trên một lối về.
Nếu lỡ mai này tương ngộ nợ duyên, thì sự tình cờ sẽ muôn đời nhớ mãi…
Câu 02: Chuyến xe chở ta về nơi xóm nhỏ, em gái quen ai xứ sở nơi này.
Anh xa xứ tháng năm nay mới dịp quay về.
Rồi bỗng gặp em trong tà áo trắng, chợt nhớ về mái trường cũ năm xưa.
Em có phải là người con gái quê hương, hay chỉ ghé qua cho lòng ai vương vấn.
Trên chuyến xe tình chỉ mình anh thơ thẩn, xao xuyến tâm hồn ôm mối tương tư…
Nói Lối:
Đời anh nghèo nên bôn ba khắp nẻo
Xa quê nhà làm kẻ tha phương
Mấy năm trời mới trở lại quê hương
Và gặp em trên chuyến xe tình bỡ ngỡ…
Vọng Cổ:
Câu 05: Không hiểu tại sao lòng dâng tràn nỗi niềm lo sợ. Dẫu biết chưa quen lần đầu có thế mà ôm khối tương tư dệt mộng… âm… thầm.
Xe chở yêu thương về một phương nào.
Khi ngoài trời nắng chiều chưa kịp tắt, giọt lệ lòng đã bất chợt trào tuôn.
Con đường này về nẻo cũ quê hương, em đừng xuống cho lòng anh thêm hụt hẫng.
Tự mình tạo ra nỗi buồn đau nức nở, để được nhớ thương lặng lẽ âm thầm…
Câu 06: Em đi rồi tôi cũng ngẩn ngơ, dõi nhìn theo mắt thẫn thờ tiếc nuối.
Lần gặp đầu tiên phải là lần sau cuối, cho ngậm ngùi phút từ biệt luyến lưu.
Chuyến xe tình chở nặng tương tư, trả lại cho anh để mang về cất giữ.
Để đêm đêm mỗi lần nhung nhớ, lấy ra xem ôm ấp vào lòng.
Lỡ mai có về chung chuyến xe quê, vẫn mong sao hai đứa về chung một lối.
Trời quê hương cũng vô tình trôi vội vã, để xa em rồi người con gái thân thương./.
Vũng Liêm, ngày 19 tháng 3 năm 2004.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---