TRỞ LẠI MỸ THO
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Nam: Chiếc xe đò đưa tôi về chợ Mỹ
Tìm người quen thăm phố cũ năm nào
Lòng bâng khuâng như ngàn lá đổ xôn xao
Hàng me cổ thụ gợi nhiều thương nhớ.
LÝ CON SÁO (4 câu cuối)
Nữ: Mưa vội vàng, mưa tuôn trên mái phố
Chưa quen nhau đứng tránh dưới hàng hiên
Còn ngại ngùng quay lưng không ngó
Mưa càng lâu mình xích lại làm quen.
VỌNG CỔ
Nam: Ơi! Tiếng của em hay thì thầm của hàng me trên đường phố. Mà gợi nhớ gợi thương vấn vương nhiều kỷ niệm sau đám mưa… chiều.
CÂU 1
Hồi đó gặp em, anh hỏi thật nhiều. Biết nhà em ở hàng me đường Trương Định và sách học trò bị đánh rớt ở mùa thi.
Nữ: cô nữ sinh nghèo đi bán trái sơ-ri, gánh kẽo kẹt tiếng mưa buồn như tiếng khóc.
Nam: Nhìn em, anh nhìn lá me rơi, chua xót bồi hồi Mỹ Tho ơi nhức nhối!
CÂU 2
Nữ: Từ đó chỗ tránh mưa thành bến hẹn, chân cứ ngập ngừng mỗi chuyến đi qua. Nhặt lá me rơi như đếm mùa chờ đợi, coi bao giờ anh trở lại đường này. Ơi! Thương nhớ bâng quơ, sao thương nhớ vơi đầy.
Rồi một hôm em đưa các anh vào trận đánh, truy quét quân thù trên đường phố Mỹ Tho. Bỗng anh…
Nam: Ơi… cô, cô có phải?
Nữ: Em mỉm cười trong khói súng nồng say
Nam: Anh xúc động nhìn em quên hỏi.
Nữ: Chắc anh không ngờ nữ biệt động là em.
LỐI
Nữ: Sau Tết Mậu Thân
Anh lại đi suốt mấy mùa lá đổ
Hàng me cũng buồn bông trổ ít hơn xưa.
Nam: Anh lại vui mỗi lần hướng ra thành phố
Trong nanh vuốt quân thù có đống chí của anh.
LÝ GIAO DUYÊN
Nữ: Cũng gánh sơ-ri
Sáng chiều hai buổi
Với chiếc vai gầy
Năm tháng kéo dài.
Nam: cũng vẫn gánh sơ-ri
Cũng đường phố cũ em đi
Gánh bây giờ có gánh nặng tương lai
Gánh đi em gánh trọn cuộc đời
Cho thành phố mình sớm được đổi thay
Oằn vai gầy vì hạnh phúc ngày mai.
VỌNG CỔ
Nữ: Anh ơi! Thành phố đã đổi thay sau ngày toàn thắng. Từ bến chợ bờ sông, hàng me trước ngõ đỏ sắc cờ tươi vang dậy tiếng reo… hò.
CÂU 5
Em chắc có anh trong đoàn quân như dòng thác tràn về. Phố ngập nắng xuân bông me nở vội, độc lập rồi em náo nức tìm anh.
Nam: Đêm ấy anh vào Gò Công đuổi giặc, khi sạch bóng quân thù anh ngắm mãi phượng trổ bông. Anh nhìn phượng ngỡ ngàng me mùa kỷ niệm, hồi hộp làm sao khi nhớ đến một người.
CÂU 6
Nam: Câu chuyện tránh mưa bây giờ lại đẹp, không hiểu tại ai hay hợp ý hợp lòng.
Nữ: Tại anh, anh gặp em anh hỏi mãi, ban đầu thì… em ghét sau ngẫm lại thấy thương! Xuân Mậu Thân biết anh là giải phóng, rồi thương hồi nào tim không đáp lời em.
Nam: Anh yêu em hồi tránh mưa dưới phố, thương em nghèo thôi học, bán sơ-ri.
Nữ: Vậy anh có ý sao ngày xưa không nói, để em nhớ anh mà tưởng chuyện hoang đường.
Nam: Lạ hoắc, lạ khù có thương thì để bụng, nhiệm vụ chưa tròn sao dám tính chuyện yêu đương.
Nữ: Bây giờ anh trở về đây?
Nam: Nghe tình đã chín nhữn ngày chờ mong./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.