TUỔI CAO Ý CHÍ CÀNG CAO
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Người cao tuổi luôn trọng người cao tuổi,
Nên tay bắt mặt mừng trong buổi hàn huyên,
Họ kể nhau nghe về nỗi niềm riêng,
Còn tôi kể là gương Sen miền đất Tháp…
Phi vân điệp khúc (đoạn đầu):
Tấm gương trong ngần bao năm luôn vì dân,
Mỗi khi dân cần Ông liền đến ngay dò thăm,
Nên tiếng tăm… âm thầm truyền xa nhân nghĩa đậm đà,
Bao la tình thương, giúp dân khắp quê nhà miền Sen,
Bởi vì ông Ba đã quen, quà chính tay gửi trao cho người dân,
Khởi nghiệp từ khi Ông sáu-mươi, tuy tuổi cao so với bao nhiêu người,
Nhưng mà đạt nhiều thành công,
Hơn cả mong đợi… tuổi càng cao thì… càng thành công hơn…
Vọng cổ:
1. Xin mọi người hãy lắng lòng mình để nghe tôi kể về một “Doanh nhân xuất sắc Việt Nam”, tên Ông là Huỳnh Văn Bé. Ông đã biến hạt muối thành sản phẩm “Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia” lúc tuổi gần sáu-mươi ngấp nghé, và khi thành công rồi thì Ông sẵn sàng chia sẻ vật chất tình thương với người dân nghèo Đồng Tháp, bằng cả tấm lòng nghĩa nhân ấm áp… chân… thành...
Khiến cho ai ai cũng đều quý Ông, vì tình cảm Ông dành... Làm tôi nhớ lại lời Ông từng phát biểu, trước cả hội trường có Lãnh đạo cấp Trung ương: “Việc từ thiện tôi làm là thể hiện tình thương, giữa con người với con người với nhau. Để trả ơn Bác với ơn Đảng ơn đồng bào, và ơn của biết bao Anh hùng liệt sỹ”…
2. Khi tuổi càng cao thì Ông càng cao ý chí, dựng xây thương hiệu ngày càng lớn mạnh thành công. Người ta khởi nghiệp kinh doanh có hàng tỷ tỷ đồng, và học rộng hiểu sâu nhất là còn đang rất trẻ. Nhưng thật lạ là Doanh nhân Huỳnh Văn Bé, lại khác xa với hầu hết muôn người...
Khi tôi vừa kể đến đây, Ông trìu mến nở nụ cười... Ông nói: “Tôi bắt đầu kinh doanh khi tiền tài không có, phải vay mượn năm-trăm-ngàn đồng của người chị bà con. Lúc đó tôi gần sáu-mươi tuổi tròn, thêm xuất phát là nông dân mới tập tành khởi nghiệp”. Vậy mà Ông lại thành công rỡ ràng danh hiệu “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” cấp Trung ương…
Nói lối:
Theo “Ông Vua muối sấy Việt Nam” thì:
“Người cao tuổi không phải là người không còn nhạy bén,
Cũng không phải là người hết trình độ, khả năng,
Ví dụ như những Lãnh đạo cấp Trung ương tài đức có ai bằng,
Dù tuổi đã rất cao và mái đầu bạc trắng”…
Vọng kim lang (đoạn đầu):
Tôi lắng nghe lời Ông… ghi khắc sâu trong lòng,
Trên khắp quê Sen Hồng, đến muôn đời tên tuổi Ông còn lưu:
“Nghỉ hưu chẳng qua đó là, Nhà nước mình chủ trương làm thôi,
Nghĩa là tuổi già được hưởng quyền chính sách,
Bởi bao năm dài mình luôn cống hiến cả thanh xuân,
Chớ đâu phải do không còn năng lực và khả năng mình đâu”,
Tuổi cao chí cao hàng đầu… Ông làm giàu… để giúp dân… miền Sen…
Vọng cổ:
5. Xin dành lời ngợi khen cho ông Huỳnh Văn Bé ở xứ Sen nhận được Danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” vì đã thành công trong nhiều sáng chế. Người mà đã vượt qua muôn vàn trở ngại, để sáng chế thành công nhiều máy móc, nhằm phục vụ cho quy trình sản xuất hiện đại cao, là làm ra muối Ngọc Yến, nổi tiếng vang danh trên khắp nước… non… mình...
Ông chính là “Nông dân xuất sắc Việt Nam” nhân nghĩa đượm tình... Người mà được tặng đến hàng trăm bằng chứng nhận, người mà được nhiều lần diễn thuyết khắp nơi nơi. Người mà luôn được trang trọng mời, dự hội nghị thường xuyên nơi Phủ Chủ tịch Nước. Người mà được đại diện Việt Nam đi năm Châu bốn Biển, đem muối Ngọc Yến tỏa lan thương hiệu đất Sen Hồng…
6. Người mà đứng trên diễn đàn luôn phát biểu nói “không”, không cầm giấy đọc và không cần chuẩn bị trước. Người mà hai lần được Phó Chủ tịch nước, dành lời ngợi khen vì tài đức nghĩa nhân. Sống là cho đi mỗi khi dân cần, không ai khác ngoài Doanh nhân Huỳnh Văn Bé. Ông chính là “Doanh nhân đẳng cấp Quốc tế”, tôi sẽ học tập noi theo gương ông Ba Bé ở Thanh Bình.
Nay Hội Người cao tuổi Đồng Tháp quê mình, có đầy đủ Ông Bà tuổi cao hàn huyên vui quá đỗi. Tôi mượn lời Ông Ba “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, xin chúc mọi người luôn vui khỏe, thành công./.
Long Xuyên, ngày 06 tháng 7 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---