VỀ QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nam: Về Bến Tre trong những ngày xuân mới
Qua Giồng Trôm anh ghé lại Lương Hòa.
Nữ: Để thăm người làm nên cuộc Đồng Khởi năm xưa
Mãi vinh danh nữ Anh hùng Nguyễn Thị Định.
Lý Cái Mơn
Nam: Kìa quê hương ngàn thương xao xuyến
Mảnh đất thiêng liêng ngọt ngào ba dải cù lao
Nhớ biết bao người em gái thướt tha tóc thề.
Nữ: Miền quê em hương dừa chứa chan
Đồng khởi hôm nay dựng xây
Những công trình mọc lên nối tiếp đầu tư.
Vọng Cổ
Nam: Nhớ lần trước về phải đi qua phà Rạch Miễu. Nay chuyến xe chiều chẳng lần ngơi nghỉ đưa bước chân anh về với… Lương… Hòa.
Câu 1. Nữ: Cầu đã dựng xây liền nối những bến bờ.
Nam: Để ngẩn ngơ giữa chiều Giồng Trôm yên ả,
Ghé lại Lương Hòa thêm xao xuyến bâng khuâng.
Nữ: Đây đền thờ nữ Anh hùng Nguyễn Thị Định thiêng liêng,
Người đã làm nên kháng chiến Đồng Khởi thần kỳ.
Nam: Tám chữ vàng "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang",
Bà luôn xứng danh được ngợi ca là nữ tướng.
Câu 2. Nữ: Sáng mai này em đưa anh về Định Thủy, nơi tháng ngày xưa bùng lên ngọn lửa căm hờn.
Cho xứ dừa hôm nay giàu đẹp thanh bình.
Nam: Dù bọn Mỹ – Diệm quét càn dã man đàn áp,
Nhưng dân Mỏ Cày vẫn quật khởi đứng lên.
Nữ: Từ Phước Hiệp lan tràn khắp cả miền Nam,
“Hai chân, ba mũi giáp công” long trời lở đất.
Nam: Về quê em trong những ngày xuân mới,
Trên mảnh đất anh hùng dào dạt yêu thương.
Nói Lối
Nữ: Quê hương em vượt qua thời mưa bom bão đạn
Bởi có Đảng soi đường cùng ước vọng nhân dân
Nam: Đồng khởi xưa ngoan cường trong khói lửa chiến tranh
Đồng khởi nay quyết lòng dựng xây đổi mới.
Vọng Cổ
Nữ: Đồng Khởi năm xưa đã vượt qua muôn vàn gian khó. Để từng bước đi lên làm đẹp giàu xứ sở, nhờ có Đảng quang vinh chỉ lối… soi… đường.
Câu 5. Bởi hợp ý Đảng – lòng dân chung một con đường.
Nam: Bỗng dưng anh nghe lòng mình rộn rã,
Ăn miếng bánh tráng Mỹ Lồng dịu ngọt yêu thương.
Nữ: Kia rạng ngời làng cây ăn trái Cái Mơn,
Ai làm ngọt lòng ai với bánh phồng Sơn Đốc.
Nam: Cồn Phụng – Châu Thành xuồng chở đầy du khách,
Nữ: Cảm thấy nôn nao nhớ Bình Đại quê mình.
Câu 6. Nam: Anh muốn về nơi An Đức – Ba Tri,
Để nghe Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.
Nữ: Khắp nơi nơi trên quê hương Đồng Khởi,
Có Chợ Lách ngọt lành cây trái xứ cù lao.
Thạnh Phú đắm mình nơi “chân đạp sóng biển Đông”,
Thành phố Bến Tre rộn ràng đêm giao thừa trẫy hội.
Nam: Những công trình dựng xây đón chào xuân mới,
Trên mảnh đất quê hương Đồng Khởi anh hùng.
Nữ: Quê đang chuyển mình bứt phá vươn lên,
Đồng khởi dựng xây xứ dừa thêm giàu đẹp.
Nam: Anh mơ được cùng ai chung tay góp sức,
Muốn làm rể xứ Lương Hòa trên mảnh đất trung kiên./.
Long Xuyên, ngày 12 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---