VIẾNG THẦY VÕ TÒNG XUÂN CHA RƯNG RƯNG NỖI NHỚ
Đặng Thanh Huyền
Lối vào văn thiên tường:
Chiều Thanh Bình con lặng lẽ nhìn Cha,
Thấy đôi mắt nhớ chan hòa muôn nỗi nhớ,
Vì kể từ đây sẽ không còn lần gặp gỡ,
Giữa Cha với một người Thầy – Là Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tòng… Xuân,
Cha nghe ngậm ngùi, lòng bỗng thấy rưng rưng,
Ngồi ngắm từng tấm ảnh,
Về Thầy Xuân đứng bên cạnh cùng Cha,
Ngày này hơn sáu năm qua,
Tại Thái Lan trong Hội nghị xa nhà,
Đã khiến cho Cha cứ vào ra xúc động,
Vì Cha luôn kính trọng,
Thầy Võ Tòng Xuân bóng lồng lộng cao dày,
Ôi người Thầy tâm huyết, vì bà con ở miền Tây,
Cha buồn vì kể từ đây,
Không còn Thầy Xuân chụp chung ảnh nữa rồi,
Không còn Thầy Xuân làm người phiên dịch,
Bài phát biểu của Cha trong Hội nghị,
Như lần ở Thái Lan Thầy tận tụy nhiệt tình,
Cha vẫn nhớ như in, trong từng bức ảnh hình,
Từ quê Thanh Bình Cha hay tin buồn rười rượi,
Thầy Xuân đã về với cát bụi thiên thu…
Vọng cổ:
1. Cha vẫn ngồi đó lặng lẽ trầm tư nhớ về bao kỷ niệm. Cha nhớ Thầy Võ Tòng Xuân trong một chuyến… xa… nhà...
Khiến đôi mắt nhớ của Cha buồn rười rượi chan hòa... Cha luôn nhớ ngày này của sáu năm về trước, Cha gặp Thầy trong Hội nghị xúc tiến thương mại khối Asean. Hội nghị này được tổ chức tại Thái Lan, Cha đã phát biểu trước hàng ngàn đại biểu. Và Thầy Xuân là người phiên dịch ra tiếng Anh, bài phát biểu của Doanh nhân Huỳnh Văn Bé…
Hát dặm:
Cha ngồi lặng lẽ ngắm nhìn,
Đưa bàn tay chạm tấm hình năm xưa.
Thanh Bình trời chẳng đổ mưa,
Mà lòng Cha con thấy, giọt buồn vừa tuôn rơi…
2. Cha ơi Cha luôn sống trọn đời nhân nghĩa, nên Cha đã gặp người nghĩa nhân bác ái tinh tường...
Ôi bao nỗi nhớ niềm thương giữa cuộc sống đời thường... Bỗng tràn dâng lưng tròng khóe mắt, của “Ông Vua muối sấy” Thanh Bình se sắt buồn thương. Cha nói: Thầy Võ Tòng Xuân chính là một tấm gương, luôn sống nặng tình với đồng bằng châu thổ. Cha giống như Thầy Xuân – người đi xóa nhọc nhằn đói khổ, khiến bà con miền Tây mình luôn nhớ luôn thương…
Lý con sáo:
Cha hay tin… Người Thầy Võ Tòng Xuân,
Đã về miền trăng nước gió sương,
Nên từ quê hương đất Tháp – Thanh Bình,
Sau khi Cha ngắm bức hình,
Thì lòng ngậm ngùi cùng gia đình đi viếng tang,
Thắp nén nhang sưởi ấm đất Cần Thơ,
Dù biết đời người như cát bụi gió mây,
Ai cũng giống ai rồi cũng phải rời đi…
Vọng cổ:
5. Nhưng khi con nhìn trong phút biệt ly giữa làn khói trắng, thì thấy có giọt nước mắt rơi mằn mặn thấm… môi… mềm…
Cha thắp nén nhang mà trái tim Cha se sắt vạn u buồn… Con thương Cha luôn vẹn tròn tất cả, Cha sống cho đời cho Tổ quốc quê hương. Tài sản của Cha là muôn vạn tình thương, Cha đã sẻ chia đến mọi người trên xứ sở. Viếng Thầy Võ Tòng Xuân Cha rưng rưng nỗi nhớ, về một Giáo sư, Tiến sỹ sống khiêm nhường...
6. Nhìn vòng hoa vàng thấm đẫm nỗi tiếc thương, Cha kính viếng lên người Thầy về miền lạc cảnh. Lòng con thấy tự hào và dâng cao niềm kiêu hãnh, khi có người Cha sống trọn tình trọn nghĩa trước sau. Rời nhà tang lễ Cần Thơ Cha xúc động nghẹn ngào, lòng còn nhớ như in thuở nào kỷ niệm. Chuyến xe quay về giữa trời mây giăng tím, con thấy đôi mắt nhớ của Cha đã hoe đỏ ngậm ngùi.
Một đời chân bước ngược xuôi,
Cha đều nếm trải hết, cả niềm vui nỗi buồn.
Cần Thơ chẳng giọt mưa tuôn,
Mà lòng Cha đẫm ướt, muôn tiếc thương người Thầy./.
Long Xuyên, ngày 21 tháng 8 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---