VIẾNG CẢNH CHÙA DƠI
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
NAM: (nói) –Dạ, chào cô. Xin cô vui lòng cho tôi được hỏi thăm.
NỮ: Anh cần hỏi thăm điều chi?
NAM: Dạ, tôi muốn biết là đường từ đây tới…
XANG XỪ LÍU
Bãi Xàu… Còn xa lắm không cô?
NỮ: Như vậy là anh mới đến Sóc Trăng
Cho nên mới hỏi thăm đường
NAM: Dạ, thiệt tình thì… thuở tháng năm tao loạn
Của thời chiến tranh ác liệt
Tôi có lần đến với Sóc Trăng
Thuở ấy, là Tỉnh Ba Xuyên của Ngụy quyền
NỮ: Vậy hôm nay anh đến nơi này
Chắc là thăm bà con cô bác
NAM: Dạ, chú thím tôi ở miệt Gành Hào
Trong tận vùng sâu xa lắc
Nay tôi đến Sóc Trăng, viếng cảnh chùa Dơi cho biết
Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay
Sóc Trăng bây giờ bề thế hơn xưa
NỮ: (cười nhẹ, hỏi cắc cớ) -Anh vừa nói bề thế có nghĩa làm sao?
NAM: Dạ, theo tôi… bề thế có nghĩa là to hơn, đẹp hơn và tráng lệ hơn, huy hoàng hơn, có phải vậy không cô hai?
NỮ: (duyên dáng) –Em… em tới thứ năm lận, chớ hổng phải thứ hai.
NAM: (vô vọng cổ) –Vậy thì cô năm ơi! Nói vòng, nói vo, nói tới, nói lui rốt cuộc rồi tôi với cô năm cũng là… người dưng nước lã. Thì cô năm hỏi khó làm chi với một người xa lạ, chỉ mong một lần viếng cảnh chùa Dơi cho thỏa nguyện ở…
VỌNG CỔ
1-Trong lòng… Chùa Dơi là một thắng cảnh, danh lam từng nức lòng du khách khắp xa gần… Vì vậy cho nên tôi mong được một lần thưởng ngoạn, xin cô chỉ giúp cho giùm chớ đừng hẹp lượng mà chi (-)
NỮ: Cái anh này, ai mà thèm làm khó chi anh. Ờ, người ta đi du lịch có bạn có đôi, còn anh thì sao chỉ có một mình.
NAM: Thú thiệt với cô năm. Tôi hiện đang thờ chủ nghĩa độc thân, nên đâu biết cùng ai để chung đường, chung lối.
NỮ: (nói dặm) –Thì ra là như vậy! Anh ba nè,
NAM: Tôi hổng phải thứ ba. Cô năm biết hôn, thứ của tôi mà quánh bài cào là… bù nhóc đó cô năm.
NỮ: Vậy… anh đây thứ mười.
2-Anh mười ơi, ngày hôm nay anh đến chùa Dơi viếng cảnh, chắc là anh cũng biết sơ qua về vùng đất Sóc Trăng này… Vậy tên anh là chi, và nghề nghiệp làm gì…
NAM: Trời đất quỉ thần ơi, mới buổi ban đầu sơ ngộ, nói chuyện với cô năm tôi thấy mình giống như là bị hỏi cung (-)
NỮ:Ừa, tại tôi thích như vậy đó có được hông, chắc anh biết ông bà xưa có nói câu “nhập gia tùy tục”. Có lẽ, anh chưa quen sống với miền sông nước, nên không biết có câu là “tùy khúc nhập giang”
NAM: (nói) –Cô năm nè, như vậy là cô năm muốn biết nghề nghiệp cũng như tên tuổi của tôi. Vậy… tôi xin được trả lời cô đây. Thiên hạ họ thường ví von cho rằng nghề nghiệp…
KHỐC HOÀNG THIÊN
Của tôi… Một trong bốn nghề nghèo nhất xứ
NỮ: Như vậy anh có phải là… nhà báo, nhà thơ hay nhà giáo?
NAM: Đâu cô nhìn bộ tướng của tôi xem
Được đứng tên nhằm cái nghề nào?
NỮ: Nhưng làm sao em đoán trúng bây giờ
Vì em đâu phải là thầy bói Ngao
NAM: Vậy, tôi đoán cô chắc là không trật
Chắc cô ở bên ngành văn hóa thông tin
NỮ: Anh này giỏi thiệt ta ơi, y như thầy bói không bằng
NAM: Rất tiếc, tôi không phải người ngồi ở Lăng Ông
Tôi đoán là cô chưa chịu lấy chồng
Hiện bây giờ vẫn ở vậy một mình ên
NỮ: (giọng hờn mát) -Ừa, nếu đúng vậy thì sao?
NAM: (vô vọng cổ) – Cô năm ơi, ông bà mình có nói câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương liên” còn… “đồng sàng” thì… “dị mộng”. Cũng nhờ ngày hôm nay viếng cảnh chùa Dơi chắc là do duyên phận khiến xui cho tôi gặp được người tôi thương, tôi mến. Xin cô năm hãy hiểu cho lời tôi nói ra đây bằng cả tấm…
VỌNG CỔ
5-Chân tình… Tôi hằng mong có người nói tiếng yêu mình… Cám ơn đất Sóc Trăng cho tôi hạnh ngộ người con gái, tuy chỉ mới ban đầu mà tôi cứ ngỡ như là đã quen biết từ lâu (-) Cô năm ơi, cái vốn quí của cuộc đời là nghĩa là nhân, chớ nào phải đâu ở tấm lòng đen bạc. Trúc dẫu cháy nhưng không thể nào xóa đi nét thẳng, ngọc tuy bị vỡ tan vẫn mãi còn hiến dâng sắc trắng cho đời.
NỮ: 6-Cái anh này, tôi có nói gì đâu mà anh lại nói liền một hơi, một mạch Thôi thì… nếu như anh có viếng cảnh chùa Dơi thì… thì em sẽ tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch.
NAM: Trời, cô năm làm cho tôi mừng hụt, ước gì có cô năm bên cạnh thì cuộc đời này hạnh phúc biết bao nhiêu. Hổng dè, trong lần viếng cảnh chùa Dơi, trời đất khiến xui cho tôi gặp người con gái Sóc Trăng đã làm trái tim tôi bồi hồi xao xuyến. Cô năm ơi, ông bà mình có nói câu: “Hữu duyên thiên lý”, mình có nợ có duyên thì dẫu xa xôi mấy cũng thành gần (-)
NỮ: Thôi thì… để đánh dấu ngày hai đưa quen nhau, em sẽ đưa anh đi viếng cảnh chùa Dơi như lòng anh hằng mong ước.
NAM: Cô năm ơi, thời gian có thể làm phôi pha vạn vật, nhưng với tấm chân tình thì sau trước vẫn vẹn nguyên.
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến Khích cuộc thi sáng tác vọng cổ viết về Tỉnh Sóc Trăng. Tiết mục được chọn diễn báo cáo tại nhà hát 1/5 đêm 27.05.2002. Được trực tiếp trên đài Truyền hình Sóc Trăng, qua sự thể hiện của hai giọng ca của hai nghệ sĩ Lê Tứ - Hà Như)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.