VỠ MỘNG - Vọng cổ hài.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
NÓI LỐI
Vợ của tôi nó đẻ sòn sòn năm một
Nhưng chỉ sanh ra toàn là Thị, chớ hổng có Văn
Nên tôi ráng tìm cho mình một đứa con trai
Nhưng chẳng khác gì như mò kim đáy biển
VỌNG CỔ
1-Ứ hự! Thấy vợ người ta đẻ có nếp có tẻ thấy mà ham, còn vợ của tôi nó đẻ riết rồi làm cho tôi phải lắc đầu ngao ngán! Vậy mà hồi tía tôi còn sống ổng khen, ổng nói tướng của vợ tôi là “ích phu vượng tử”, sau này đây sẽ có lợi cho chồng… Lợi đâu hổng thấy, mà hiện giờ đây có cả một lũ ròng ròng… Tôi thầm ước ao có một đứa con trai để sau này nối dõi, vậy mà vợ tôi nó nỡ lòng nào sản xuất đều đều năm một toàn là “Công tằng tôn nữ” thiệt là tức muốn cành hông (-) Đẻ đứa con gái đầu lòng là vợ tôi đã thắng trước Một – Không, đúng là âm thịnh dương suy cho nên mới liên tục chui ra cả đám vịt trời. Tôi quyết tìm cho mình một dũng sĩ rừng xanh, không dè năm sau lại ra đời một “Hoàn Châu Cách Cách”.
2-Người ta thường nói câu này nè: “Có chồng mà hổng có con, chẳng khác gì hoa nở trên non một mình”… Rồi một năm sau, cái bụng vợ tôi nó lại chình ình… Có điều, lần này cái bụng của nó mang bầu nhọn hoắc, bà con cô bác nói với tôi rằng thế nào rồi cũng đẻ con trai (-) Tôi nghe hồn bay bỗng chín từng mây, chẳng khác gì như đang ngồi trên máy bay phản lực. Ai có dè đâu, nó lại cho xuất chuống tiếp một con Ngan Pháp mái, tôi thấy cả đất trời như sụp đổ dưới chưn.
NÓI LỐI
Như vậy là ba con cọp cái nó ra đời liên tục
Lòng tôi cay xè chẳng khác gì như ăn nhằm ớt chỉ thiên
Nhưng mà đâu có sao (cười gượng)
Có câu: “Thất bại là mẹ thành công”
Hễ còn nước thì còn tát,
Tôi ráng kiếm cho mình một thằng con trai quí tử
VỌNG CỔ
5-Sách có câu: “Thập nữ viết vô” còn “nhứt nam viết hữu”. Ba đứa con gái bị liệt kê vào hàng “nữ sanh ngoại tộc”, nên tôi mới phựt đèn xanh cho tới bến Anh Đài… Vài tháng sau, vợ của tôi lại xây xẩm mặt mày… (cười khoái chí) Rồi, như vậy là vô hệ, tôi còn lạ gì cái màn sợ cơm tanh cá, đàn bà ốm nghén nhìn sơ qua thấy da của vợ tôi xanh còn hơn là tàu lá chuối non (-) Tôi khấp khởi mừng thầm, lần này nhứt định là thằng chớ hổng phải con. Ai có dè đâu (nhăn mặt, khổ sở) vợ tôi “bể chum, bung nang” lại là nàng thị Hến. Tôi bủn rủn tay chân hồn xiêu phách tán, chừng tỉnh ra chỉ còn dậm cẳng kêu trời.
6-Đã vậy, ông thầy bói mù ổng còn nói với tôi, bốn đứa con trai là “Tứ quí” có nghĩa tốt lành, còn bốn đứa con gái là bốn con yêu tinh nhền nhện rất là nguy khốn. Tôi liền sang số, nhấn ga luôn tới bến, quyết tìm cho mình một đứa con trai. Nhưng rốt cuộc rồi tôi tiếp tục bị thua, thua tới mức tơi bời hoa lá. Những lần sau, vợ tôi tiếp tục cho ra đời toàn là vịt đẹt, tôi nghe miệng mình đắng nghét chẳng khác gì nhai nhằm thuốc ký ninh. Trời!
Sáu con sư tử cái vây quanh
Tôi đành vỡ mộng kiếm thêm một thằng (-)
Chừng hiểu ra, kế hoạch hóa gia đình
Gia đình hạnh phúc chỉ cần hai con
Bởi tôi tin mê tín, dị đoan
Nghe theo lời thầy bói, là hết còn đường binh.
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến Khích cuộc thi sáng tác Dân số - Gia đình -Trẻ em. Do Ủy ban Dân số - Gia đình -Trẻ em Tỉnh Bình Dương tổ chức năm 2001. Được đăng trên báo Sân Khấu Thành Phố)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.