YÊU EM TRỌN NGHĨA TRỌN TÌNH
Đặng Thanh Huyền
Thơ:
Yêu nhau tha thiết mặn nồng
Bây giờ nên nghĩa vợ chồng càng yêu
Yêu em nét đẹp mĩ miều
Chịu thương, chịu khó, chịu nhiều gian truân.
Vọng Cổ:
Anh sẽ mãi yêu em trọn tình trọn nghĩa. Như cá yêu sông, tựa đồng yêu lúa, ngào ngọt thiết tha như hơi thở anh… cần… (-) (-)
Câu 1. Vợ là nàng tiên đẹp nhất dương trần… (-)
Ngày mới yêu em, anh vào thơ ra thẩn,
Lắm lúc gọi hoài tên Thu Thảo trong mơ. (SL)
Có những đêm buồn anh lạc lõng bơ vơ,
Uống nỗi cô đơn trong vô vọng mong chờ.
Dù biết rằng em lạnh nhạt thờ ơ,
Nhưng trái tim yêu có bao giờ nguôi nhớ…
Câu 2. Anh ở Cà Mau đồng chua nước mặn, yêu cô gái Long Xuyên nơi chốn thị thành… (-) (-)
Em vẫn thương anh dù biết rõ ngọn ngành… (-)
Vợ có biết không ngày anh vui nhất,
Đó chính là ngày em chấp nhận tình anh. (SL)
Quá khứ thiệt thòi buồn bã bao năm,
Nhờ có em mà đời anh bớt khổ.
Thu Thảo ơi suốt đời anh yêu mãi,
Người vợ ngoan hiền son sắt thủy chung…
Lối:
Con Ngọc chào đời anh mừng rơi nước mắt
Thương em nhiều đã vất vả nặng mang
Tuy gia đình chưa dư dả giàu sang
Nhưng anh mãi lo hai mẹ con đàng hoàng chu đáo.
Vọng Cổ:
Hai mẹ con em là báu vật thiêng liêng mà trời đã ban cho anh một món quà vô giá. Chín tháng nặng mang quá nhiều vất vả, anh cảm ơn em người vợ ngoan… hiền … (-) (-)
Câu 5. Anh không sợ đời anh thiếu bạc thiếu tiền… (-)
Mà chỉ sợ thiếu em, thiếu người vợ hiền yêu quý,
Và đứa con khờ bé bổng trên tay. (SL)
Nghĩa vợ chồng đâu chỉ ngày một ngày hai,
Cũng chẳng phải do bạc tiền xa hoa nuôi dưỡng.
Thu Thảo ơi, không cưới được em chắc đời anh ân hận,
Bởi tình yêu thương không nhầm lẫn bao giờ…
Câu 6. Thằng Nhân… tiếp tục chào đời
Cảm ơn người vợ tuyệt vời của anh
Con thơ như búp trên cành
Gia đình hạnh phúc ngọt lành bên nhau.
Thương nét mặt vợ hiền tiều tụy xanh xao,
Em hãy ngủ đi để anh dỗ dành con trẻ.
Tiếng ru hời giữa đêm khuya lạnh lẽo,
Mà ấm áp bao la tình mẫu tử tuôn tràn.
Yêu em trọn nghĩa trọn tình
Thiết tha hạnh phúc gia đình ấm êm
Muôn đời giữ mãi trong tim
Vợ hiền như một nàng tiên trên đời./.
(* Viết cho anh Nguyễn Tú Nam - quê Cà Mau, để tặng bà xã)
Long Xuyên, ngày 07 tháng 01 năm 2010.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---