Nguyễn Minh sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo của tỉnh Sóc Trăng. Có ý thức tự lập từ nhỏ, anh sớm rời xa gia đình đi học. Anh bắt đầu tập tành làm thơ và viết truyện ngắn từ năm 16 tuổi. Năm 17 tuổi anh đã có bài vọng cổ đầu tay. Dù không qua trường lớp nào nhưng anh luôn cố gắng hoàn thiện mình để ca từ thêm mượt mà và mỗi bài ca như một tiếng lòng của người con sớm xa gia đình, xa quê hương. Bài ca của anh cũng được đăng tải nhiều trên các tờ báo Văn nghệ địa phương trong những năm đó. Năm 20 tuổi, anh được kết nạp vào Chi bộ Sân Khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu (nay là Liên hiệp hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu). Có thể nói anh là một tác giả trẻ nhất được kết nạp vào Hội lúc bấy giờ.
Là một tác giả được biết đến gắn liền với hoạt động của CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng quê do chính anh thành lập ngày 28/08/2010. Nguyễn Minh cũng là tác giả đầu tiên sáng lập Chương trình Vọng cổ Đồng quê, được biên tập, thu âm, thu hình chuyên nghiệp và phát sóng online trên mạng thông qua website: caovanlau.vn. Đây là chương trình nhằm giới thiệu những bài ca mới dành cho các tác giả không chuyên đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ. Chương trình VCĐQ là một số gắng rất lớn của CLB khi quy tựu được lực lượng sáng tác và nghệ sĩ trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết với nền sân khấu nước nhà đặc biệt là cổ nhạc. Các bạn trẻ đã sáng tác hết mình, hát hết mình và đã mang niềm cảm hứng lan tỏa nhanh chóng trên cộng đồng mạng hiện nay.
Năm 2011, mừng sinh nhật lần thứ 26 của mình. Võ Minh đã tự biên tập và xuất bản tập ca cổ “Nỗi lòng người con xa xứ” với 26 bài vọng cổ và chủ biên cho tập ca cổ “Vọng cổ đồng quê” xuất bản năm 2012 do Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ cấp phép phát hành. Ngoài vọng cổ, anh còn là tác giả của nhiều bài nhạc với những giai điệu dân ca mộc mạc, âm hưởng đồng quê…
Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có dịp gặp Nguyễn Minh và được chia sẻ nhiều điều thú vị về cuộc sống cũng như dự định cho tương lai của chương trình VCĐQ.
Nguyễn Minh biết sáng tác từ khi nào?
Năm lớp 10, mình đã bắt đầu viết truyện ngắn và làm thơ, ngày đó không hiểu sao lại viết được vì không được ai dạy, có lẽ do sống xa nhà, nên có nhiều cảm xúc. Nhiều tập truyện ngắn mình còn lưu trữ đến bây giờ (cười), mình cũng chuyển cho bạn bè xem và nhiều người cũng động viên nên biên tập lại, nếu có cơ hội sẽ giới thiệu đến mọi người trong thời gian tới.
Còn sáng tác Vọng cổ thì sao?
Mình bắt đầu sáng tác vọng cổ khi còn là học sinh lớp 11. Nhớ hôm đó mình học xong tác phẩm “Thề non nước” thì lòng xúc động quá, nên về lấy bài vọng cổ Trọng Thủy Mỵ Châu so từng chữ, từng nhịp để viết bài vọng cổ “Thề non nước”. Bài vọng cổ này mình lưu trữ để làm kỷ niệm cho đến bây giờ.
Đa số các tác giả đều có người thầy của riêng mình, còn thầy của anh là ai?
Đối với mình thì soạn giả Trọng Nguyễn là người thầy đầu đời, đã cho mình nhiều động lực để sáng tác, mình quý thầy vì thầy là người nghệ sỹ chân chính, hiền lành và tận tâm. Mình có rất nhiều kỷ niệm với thầy gắn liền với nhiều sáng tác do chính thầy sửa…Nhiều người nói rằng những sáng tác của mình có hơi hướng giống thầy Trọng Nguyễn! (cười).
Có phải anh được kết nạp vào Hội VHNT từ những năm còn rất trẻ?
Khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, mình đã ý thức được việc sáng tác cũng từng bước theo hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn. Mình đã chủ động tìm hiểu và nhờ người giới thiệu để được kết nạp vào Hội, khi vào Hội mình có nhiều cơ hội để được gặp rỡ những cô chú có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác để hoàn thiện những đứa con tinh thần của mình.
Nghe nói anh còn sáng tác nhạc nữa, không biết có đúng không?
(Cười) Thật ra, mình cũng mới tập tành sáng tác nhạc gần đây, việc sáng tác đến với mình cũng là cái duyên. Cũng may mắn khi mình được nhạc sĩ Thế Phương động viên và chia sẻ rất nhiều trong quá trình sáng tác. Mình rất thích những sáng tác của Thầy Thích Chân Quang, những bài hát của thầy đã cho mình rất nhiều cảm xúc, vì vậy mình chủ yếu viết nhạc dân ca với những đề tài về Phật Giáo.
Mọi người cũng biết đến anh một giọng hát ngọt ngào, ấm áp… anh có dự định đi hát không?
Nguyễn Minh xác định đến với nghệ thuật là niềm đam mê, vui là chính. Trong thời gian qua mình cũng có hát cho chương trình VCĐQ, dần dần một số anh em thấy thích nên có gửi bài nhờ mình hát, Nguyễn Minh chủ yếu hát cho vui để tặng bạn bè làm kỷ niệm. Hiện tại mình cũng rất yêu công việc chính tại Ngân hàng, còn việc có theo nghề hát hay không, nó còn tùy thuộc vào duyên nữa.
Ngoài dành thời gian cho công viêc chính tại Ngân hàng, anh còn dành thời gian cho hoạt động của Chương trình VCĐQ, điều này có làm anh vất vả không?
Nếu nói vất vả thì cũng có, tuy nhiên do đó là niềm đam mê và tâm huyết của mình thì đôi lúc mình phải hi sinh chút xíu về thời gian và “tình cảm riêng tư” để cho chu toàn mọi thứ.
Được biết trong năm 2013, anh đã đổi nghệ danh từ “Võ Minh” thành “Nguyễn Minh” vì sao có sự thay đổi này khi hiện nay nhiều người biết đến anh với cái tên “Võ Minh”?
Tên “Võ Minh” là cái tên do mình tự đặt từ khi có tác phẩm đầu tay. “Võ” là họ mẹ, “Minh” là chữ lót trong cái tên cúng cơm của mình. “Võ Minh” khi viết không dấu đôi khi mọi người hay gọi là “Vô Minh” (cười). Mình đổi tên thành “Nguyễn Minh” cũng là cái duyên khi được chính Thầy của mình chọn vì nó có ý nghĩa gia đình và gần gũi với cá nhân mình nhiều hơn…
Việc đổi nghệ danh có làm ảnh hưởng đến những tác phẩm của anh khi đã công bố và cấp phép?
Việc đổi nghệ danh với một tên mới là cho một giai đoạn mới, tên cũ hay mới cũng đều là một người, do đó chắc sẽ không anh hưởng nhiều đến những tác phẩm của mình. Về việc xin phép những tác phẩm sau này, từng bước sẽ đổi thành cái tên hiện tại cho phù hợp.
Vì sao anh thành lập CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng quê?
Mình thấy nhiều bạn trẻ hiện nay cũng tập tành sáng tác vọng cổ nhiều lắm, tuy nhiên khi hoàn thành những tác phẩm của mình, đa phần các bạn không biết chia sẻ cùng ai, một phần do không có môi trường để các bạn giao lưu và giới thiệu để làm động lực sáng tác. Nên cũng có nhiều bạn đã không còn thiết tha sáng tác nữa. Mình đã gặp nhiều người trong hoàn cảnh như vậy, sáng tác rồi để đó, cũng không biết đưa cho ai xem giúp hoặc không biết làm sao để công bố tác phẩm của mình với mọi người.
Vì vậy, mình thành lập CLB Sáng tác Vọng cổ đồng quê để cho tất cả mọi người, tất cả những ai yêu thích sáng tác, có nơi để đồng cảm và đến với nhau. Hi vọng đây là nơi để những ai có cùng sở thích sáng tác gặp gỡ và cùng tiếp thêm ngọn lửa đam mê của mình đối với bộ môn nghệ thuật này.
Sau gần 4 năm thành lập, có lẽ niềm vui lớn nhất là CLB là có được 1 lực lượng thành viên trẻ, có những người lần đầu tập tành sáng tác, có cả sinh viên, công nhân … cùng niềm đam mê sáng tác. Nơi đây các tác giả có thể chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của mình trong cuộc sống đời thường qua câu vọng cổ mượt mà say đắm, như tìm được sự đồng điệu trong nền âm nhạc ngũ cung đậm đà bản sắc dân tộc này.
Chương trình Vọng cổ đồng quê được hình thành như thế nào?
Sau khi thành lập CLB, để có đầu ra cho các tác phẩm, CLB đã cho ra đời Chương trình Vọng cổ đồng quê. Chương trình được CLB dàn dựng, thu âm và phát sóng trực tuyến trên caovanlau.vn. Đến nay CLB đã cho ra đời được 7 kỳ với những chủ đề khác nhau gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình bạn, tình yêu, thầy cô giáo, ngày vu lan báo hiếu …Với những bài vọng cổ mượt mà sâu lắng. Chương trình được đón nhận nhiệt tình từ các tác giả, những người yêu thích cải lương và người nghe trên cộng đồng mạng. Với phương châm cây nhà lá vườn, anh em đến với CLB vui là chính, có nhiều bạn là Nghệ sĩ trẻ Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Cao Văn lầu cũng tham gia hát cho vui, nhiều MC cũng tự nguyện đóng góp công sức của mình cho Chương trình ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp hơn.
Chương trình VCĐQ đã được nhiều đài sử dụng, anh có thể chia sẻ về điều này?
(Cười) Những tác phẩm của CLB đều được công bố trên cộng đồng mạng, nên nhiều người cũng biết đến. Trong thời gian qua nhiều đài địa phương cũng có liên hệ với mình để phát sóng những tác phẩm của CLB như: Đài PTTH Kiên Giang, Long An, Đài truyền thanh Cầu Kè… Đặc biệt vào mùng 2 tết vừa rồi, VTV9 cũng xin phát sóng một số tác phẩm của CLB trên chương trình “Khúc xuân ca trên sóng”.
Năm 2013 là một năm Chương trình VCĐQ tạm ngưng phát sóng, anh có thể chia sẻ thêm về khoảng thời gian này?
Cuối năm 2012 CLB có nhiều dự định, trong đó có dự kiến dựng một vỡ cải lương do chính CLB đầu tư và thực hiện. Tuy nhiên, trong tháng 03/2013 do có nhiều biến động về công việc cá nhân của Nguyễn Minh, cũng như có một số thay đổi về nhân sự chủ chốt của CLB nên chương trình VCĐQ trong suốt năm qua không thực hiện được do có nhiều nguyên nhân khách quan.
Thay mặt Ban biên tập chương trình, Nguyễn Minh rất mong các anh chị tác giả cũng những như những người yêu thích chương trình VCĐQ gần xa thông cảm và chia sẻ những khó khăn nhất thời của CLB vừa qua.
Thông điệp năm mới dành cho những người yêu thích chương trình VCĐQ?
Năm 2014, Chương trình VCĐQ sẽ tái khởi động và tiếp tục gửi đến những người yêu thích chương trình trên cộng đồng mạng với những tác phẩm mới của CLB. Việc biên tập chương trình sẽ có nhiều thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Nhân dịp năm mới, Nguyễn Minh cũng xin gửi lời cám ơn đến các tác giả, anh chị em nghệ sỹ cùng êkíp thực hiện chương trình và phòng thu Ngọc Minh đã dóc hết tình cảm của mình vào Chương trình Vọng cổ đồng quê trong suốt thời gian qua. Chúc các anh chị nhiều sức khỏe và thành công trong đam mê cũng như trong cuộc sống.
Riêng anh có thể chia sẻ với mọi người về dự định trong năm 2014 không?
Năm mới với nhiều dự định cho riêng mình, Nguyễn Minh cũng đang cố gắng hoàn tất Album ca cổ với đề tài Phật giáo do mình sáng tác và trình bày. Đây là món quà mình muốn gửi tặng đến người Thầy thân yêu của mình (cười), người đã diều dắt và nuôi lớn tâm hồn mình. Ngoài việc thực hiện Album, Nguyễn Minh cũng dự định biên tập và in tập truyện ngắn đầu tay để tặng bạn bè của mình…
Xin cám ơn những chia sẻ thú vị của anh,
chúc anh luôn thành công trong công việc!
Mời các bạn thưởng thức một số bài hát do Nguyễn Minh trình bày nhé