VIẾT GÌ DỄ, VIẾT GÌ KHÓ? ĐÔI LỜI GIAO CẢM
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền
Thuở sinh thời, khi làm chủ nhiệm lạc bộ Âm nhạc dân tộc đài TNND.TP.HCM. Một thính giả nghe đài biên thư hỏi: “Xin cho biết bài vọng cổ viết dễ hay khó?”. Cố soạn giả Hải Đăng trả lời: “Bạn mến! Nếu so với các bài bản khác, thì bài vọng cổ dễ viết, nhưng khó hay” (gần nguyên văn). Giả như, bây giờ có ai đó hỏi tôi: “Viết gì khó nhất?” Tôi sẽ mạnh dạn trả lời viết phê bình, nhận định là khó nhất.
Nhân sự kiện cho là đạo thơ của Bác sĩ - Soạn giả Nguyễn Thanh Điền ở Kiên Giang, tôi có xem qua bài viết: Thư gửi soạn… giả bản vọng cổ có “mùi” của “nhà báo” Lệ Hoa đăng trên báo mạng Người đưa tin với những lời “ví von” về soạn… giả, “soạn thiệt”. Tôi xin được nêu lên ý kiến của mình về nội dung bài viết -Xin lỗi, tôi phải đóng ngoặc kép hai chữ nhà báo, là vì tôi không biết đây là một cộng tác viên, hay là nhà báo một thực thụ của báo Người đưa tin.
Và tôi cũng xin minh định rằng giữa Bác sĩ - Soạn giả Nguyễn Thanh Điền và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cá nhân tôi hoàn toàn không hề quen biết. Vì vậy, vấn đề “đạo văn” hay… đạo gì gì đó là chuyện của hai người. Vì trước khi vụ việc xảy ra, tôi chưa hề xem qua nội dung bài thơ của nhà thơ Nguyên Việt Chiến, cũng như bài vọng cổ Xuân Trường Sa của Bác sĩ - Soạn giả Nguyễn Thanh Điền được xuất bản trên Kho tàng Vọng cổ Việt Nam (http://vongco.vn). Tôi chỉ nêu lên ý kiến của mình qua nội dung bài viết của “nhà báo” Lệ Hoa về những “thuật ngữ” liên quan đến bài Vọng cổ mà thôi.
Tôi cẩn thận vào Google để tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Bác sĩ - Soạn giả Nguyễn Thanh Điền cũng như “nhà báo” Lệ Hoa. Một điều lạ, nhà thơ và Bác sĩ - Soạn giả có tên. Còn “nhà báo” Lệ Hoa không hề thấy. Chỉ có tên diễn viên điện ảnh Hồng Kong - Lý Lệ Hoa cùng một vài nhân vật khác. Trong tôi có sự suy nghĩ, đây là một bút hiệu “ẩn”(Bây giờ gọi là bút danh - dù người viết chưa thực sự nổi danh. NV) của một ai đó ngại đụng chạm, cho nên không dám ký bút hiệu thật của mình? Theo tôi, gọi bút hiệu chính xác hơn. Bút hiệu = Danh hiệu của người cầm viết. Đơn giản chỉ có thế!
Khi đọc qua nội dung bài viết: Thư gửi soạn… giả BẢN VỌNG CỔ có “mùi” - Lẽ ra, phải viết là BÀI VỌNG CỔ mới đúng. Người Nam bộ gọi là “Bài ca Vọng cổ”, chớ không ai gọi là… “Bản ca vọng cổ” bao giờ!
NHỮNG NHẬN ĐỊNH HOÀN TOÀN SAI VỀ BÀI VỌNG CỔ:
Nếu nói theo “thuật ngữ” của vọng cổ, cải lương thì phần chữ in đậm của bài viết được gọi là “giáo đầu tuồng”. “Nhà báo” Lệ Hoa viết: (xin trích dẫn) “Vọng cổ là ĐIỆU ca căn bản của sân khấu cải lương. VIẾT NHẠC VỌNG CỔ cũng QUI TẮC như MẦN THƠ, phải có VẬN, có LUẬT, có NHÓM, có NHỊP để lên CỐNG, xuống XỀ nghe cho “mùi” (ngưng trích). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy “nhà báo” Lệ Hoa là người “ngoại đạo” với Vọng cổ, Cải lương.
“Nhà báo” Lệ Hoa lại còn “bồi tiếp” câu: VIẾT NHẠC VỌNG CỔ!? –Xin thưa, người soạn giả cải lương hoàn toàn không hề có chuyện VIẾT NHẠC. Mà chỉ là người soạn lời dựa trên một nền nhạc đã có sẵn. Soạn giả chỉ biên soạn lời ca chớ không hề dính líu gì đến chuyện… VIẾT NHẠC. Cho nên ngày xưa, gọi người viết vọng cổ, viết tuồng cải lương là soạn giả không hề sai một chút nào!
Nếu gọi người viết vọng cổ, cải lương là tác giả e không được đúng cho lắm! Vậy tác giả là gì? Tác giả là người sáng tạo ra một công trình khoa học - kỹ thuật, hay lĩnh vực văn học - nghệ thuật nào đó”. Như vậy, tác giả phải là người thực hiện tác phẩm của mình từ A tới Z. Chẳng hạn như họa sĩ của một bức tranh, nhạc sĩ của một bài nhạc. Người viết tiểu thuyết, Thi sĩ - Bây giờ gọi là nhà thơ - Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những… “chòi” thơ khá nhiều!
Mang danh là một nhà thơ, mà không làm nổi một bài thơ Đường, lại còn “nổi gân cổ” chê bai cho rằng thơ Đường xưa, là thế nọ, thế kia! Có điều, tự thân của kẻ thích chê đó, họ hoàn toàn không biết gì về thơ Đường, chớ đừng nói chi làm nổi một bài thơ. Thế mới hay, sự khen chê bao giờ cũng có vấn đề của nó!
Không phải ngẫu nhiên mà trong bài Phú Văn “Hành” của Văn -Thi sĩ Kha Tiệm Ly, ông viết (xin trích dẫn một đoạn)
Học hành ba chữ lem nhem
Văn viết ba xu ú ớ
Vỗ bụng cứt, khoe ráp được vần ngược, vần xuôi
Vễnh tai trâu, thích nghe nịnh lời này, lời nọ
Văn nghe trớt huơ trớt hướt, giống hệt nước mắm chấm dùi
Thơ viết lốc cốc lôm côm, y như thầy chùa gõ mõ
Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội này hội nọ
Thơ in vài tập, bán chẳng ai mua, mà chừng như đội đá vá trời
Văn viết đôi bài, mời không ai đọc, mà đã vội khua môi múa mỏ! (ngưng trích)
Riêng tôi nhận thấy trước tình hình văn chương hiện nay, trích dẫn bao nhiêu đó cũng đầy đủ lắm rồi. Không biết ai đó “tối kiến” ra câu nói vui: “Ngày xưa ra ngỏ gặp anh hùng. Bây giờ ra ngỏ gặp… nhà thơ!”. Thiết nghĩ, câu nói này không phải là vô căn cứ. Thử hình dung mà xem, Hội văn học - nghệ thuật “Đồng… chó ngáp” số lượng hội viên thơ đông chẳng khác gì như kiến cỏ! Hội hơn 200 hội viên. Nhà thơ… “chòi thơ” chiếm hơn 3 phần, 2 phần còn lại là ở các ban khác. Riêng ban Sân Khấu - Điện Ảnh chỉ có mỗi mình tôi là người duy nhất viết vọng cổ - cải lương. Thành ra vì lẽ ấy, tôi cảm thấy mình “Đơn thương độc mã”, chẳng khác gì “Hoa lạc giữa rừng… Thơ” cho nên tôi bắt chước… Tư Mã Ý cáo bệnh về vườn cho yên phận. Kẻo không thôi… tôi sợ mình bị mang tiếng: “Chẳng sạch vần gieo cũng vô hội này, hội nọ!”
Xin trở lại vấn đề, “nhà báo” Lệ Hoa viết tiếp: “VIẾT NHẠC VỌNG CỔ cũng QUI TẮC như MẦN THƠ, phải có VẬN, có LUẬT, có NHÓM, có NHỊP để lên CỐNG xuống XỀ nghe cho “mùi” (ngưng trích) Có thể nói, hơn 20 năm viết vọng cổ, cải lương. Đây là lần đầu tiên tôi đọc qua sự nhận định hết sức lạ lẫm như thế này. Rồi tới cái cụm từ “VIẾT NHẠC VỌNG CỔ?”. Viết Vọng Cổ cũng “QUI TẮC?”
Xin được tỏ bày với “nhà báo” Lệ Hoa. Soạn giả vọng cổ khác với nhạc sĩ Tân Nhạc ở chỗ, người soạn giả không cần thiết phải biết đờn, mà chỉ cần nắm vững nghệ thuật cấu trúc trong lòng câu của bài là viết được. Duy có điều, HAY hoặc DỞ đó lại là chuyện khác. Vì vậy cho nên, cố soạn giả Hải Đăng mới thẳng thừng nhận định: “Bài vọng cổ dễ viết nhưng khó hay”. Điều này không hề sai.
MỘT SỰ XÚC PHẠM TRONG GIỚI SOẠN GIẢ:
Lẽ ra, nếu như “nhà báo” Lệ Hoa muốn “ví von” sự việc, thì phải dùng từ “Soạn thật”, “Soạn… dỏm”, hay nặng ký hơn nữa là “Soạn… chôm”, “Soạn chỉa” hoặc là… “Soạn trộm”, “Soạn cắp”… gì gì đó dành cho Bác sĩ –Soạn giả Nguyễn Thanh Điền. Đằng này “nhà báo” Lệ Hoa lại dùng từ “danh chính ngôn thuận” bằng hai tiếng Soạn giả thì không thể chấp nhận được! Hoặc ít ra, “nhà báo” Lệ Hoa phải đóng ngoặc kép hai chữ Soạn giả mới đúng. Bởi vì… trong giới soạn giả của chúng tôi hoàn toàn vô can trước sự việc này. Nếu như “nhà báo” Lệ Hoa dùng từ “Soạn… thật” hoặc “Soạn… dỏm”… có “mùi” thì tôi sẽ không ý kiến về vụ việc này, cũng không cần thiết phải lên tiếng.
Chính vì lẽ ấy, tôi đã đặt nhan đề bài viết: “VIẾT GÌ KHÓ, VIẾT GÌ DỄ?” là như thế! Bởi một lẽ đơn giản, VIẾT THÌ AI VIẾT CŨNG ĐƯỢC. NHƯNG ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ CÓ AI THÈM XEM, HOẶC CÓ AI THÈM NGHE BÀI CA VỌNG CỔ CỦA MÌNH VIẾT HAY KHÔNG? Cái giá trị của bài viết là như thế đó!
Tôi vẫn thừa hiểu rằng, bài viết của tôi sẽ không làm hài lòng “nhà báo” Lệ Hoa (nói riêng) và báo Người đưa tin (nói chung). Nhưng vì tôi là một soạn giả, chớ không phải “soạn… thật”. Vì vậy cho nên, tôi cũng không ngại bất cứ một điều gì khi nói lên ý kiến của mình.
Với cuộc sống hiện tại có những cái còn bẩn thỉu, đáng khinh bỉ hơn chuyện… ăn cắp văn chương rất nhiều! Liệu rằng, “nhà báo” Lệ Hoa có dám dấn thân, có dám đương đầu hay không?
Cách nay khoảng chừng 15 năm, ngày mà nhà văn Khôi Vũ là Phó Tổng Biên Tập báo Lao Động Đồng Nai (Chớ không phải… Đồng… chó ngáp! NV) Trong lần về Tòa Soạn nhận nhuận bút, ông nói với tôi:
- Ông (tức tôi) viết phản ảnh những tiêu cực ở địa phương nên dùng bút hiệu khác. Ông đừng nên ký A Lý Phượng Tuyền tụi địa phương nó ghét ông (gần nguyên văn)
Tôi trả lời thẳng thắng:
- Viết mà không dám ký bút hiệu của mình thì cái dũng khí của người cầm viết để đâu? Đã viết thì không sợ, còn sợ thì không viết. Tôi viết không vu khống, thì tôi không sợ bất cứ một điều gì! Vì chống tiêu cực được nhà nước cho phép, không hề vi phạm pháp luật. (gần nguyên văn)
Chính vì lẽ ấy, tôi cũng có nhiều người ghét và cũng có nhiều người thương. Xin được kết thúc bài viết bằng hai câu kết bài Phú Văn “Hành” của Văn - Thi Sĩ Kha Tiệm Ly. (Xin trích dẫn)
Ai nhột thì cứ “xổ nho”
Ai khoái thì xin cổ võ (ngưng trích)
Tổ 3, khu 3, ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm
Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai.
Email: thaiquocthenguyen@yahoo.com.vn