Nhắc đến soạn giả Thanh Quang, nhiều người sẽ nhớ đến bài vọng cổ “Tiếng suối Cam Ly” hay bài “Mẹ Nguyễn Thị Xinh”. Anh vừa rời khỏi dương thế, Vĩnh biệt cuộc đời, vĩnh biệt chúng ta.
Soạn giả Thanh Quang tên đầy đủ là Phạm Hồng Khanh, sinh năm 1942, tại xóm Rạch Bà Mốp bên dòng sông Trẹm (thuộc làng Thới Bình, tỉnh Bạc Liêu cũ, nay thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Năm 1960, khi mới 18 tuổi, anh đã tình nguyện vào chiến khu hoạt động cách mạng, làm công tác tuyên huấn ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Đến năm 1972, anh được tổ chức phân công làm Trưởng đoàn Văn công huyện. Cuối năm 1975, Thanh Quang được điều chuyển về Phòng Văn hóa quần chúng tỉnh Minh Hải. Năm 1984, anh được bổ nhiệm làm Phó Phòng Văn hóa tỉnh Minh Hải, rồi đến năm 1988 làm Trưởng phòng. Năm 1995, Thanh Quang được điều chuyển qua công tác tại Hội VHNT tỉnh Minh Hải. Sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập (01/01/1997), anh về Bạc Liêu sinh sống và tiếp tục hoạt động nghệ thuật một cách hăng say. Và cũng trong thời gian này, anh được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu.
Với những đóng góp cho nền sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, soạn giả Thanh Quang đã được UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu lần thứ I (đợt II - năm 2011); đặc biệt soạn giả Thanh Quang đã được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Nếu tính thời gian tôi và soạn giả Thanh Quang quen nhau thì khoảng hai mươi năm, nhưng trước đó khá lâu, tôi đã nghe và biết nhiều về anh cũng như các sáng tác của anh. Và có lẽ vì cùng chung lòng đam mê nghệ thuật và gặp nhau ở tình yêu dành cho đờn ca tài tử, sân khấu cải lương nên hai anh em dần trở nên thân tình và thật sự trở thành những người bạn tri âm. Tôi thường gọi anh là anh Ba, như cách gọi của những hậu bối yêu quý anh. Qua những câu chuyện anh Ba hay kể, tôi mới biết rõ hơn về cuộc đời của anh. Anh vốn xuất thân từ nghèo khó, thuở nhỏ phải đi đốn lá, cày thuê, cuốc mướn khắp chốn U Minh, Miệt Thứ… rồi đến những ngày tháng cơm trộn bo bo, trái mắm, ngủ rừng… Bao cực nhọc, gian khổ cũng không ngăn được trái tim nhiệt huyết với lòng nhiệt thành cách mạng, hoạt động văn hóa văn nghệ hăng say, máu lửa trong những năm tháng cả dân tộc cùng đứng lên đánh giặc.
Cuộc đời trải qua 83 mùa xuân thì quá hai phần ba anh dâng hiến cho cách mạng, miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Những năm tháng khó khăn, gian khổ, nếm trải cái nghèo và bom đạn chiến tranh đã hun đúc nên một tâm hồn, một nhân cách của một nghệ sĩ, một soạn giả sân khấu có tâm Thanh Quang sau này.
Nói đến soạn giả Thanh Quang thì trong giới sân khấu ai cũng biết, và quan trọng hơn là anh khá nổi tiếng với công chúng mộ điệu. Bởi vì trong sự nghiệp hơn sáu mươi năm cầm bút, anh đã sáng tác trên 400 bản vọng cổ, hơn 50 vở, chập cải lương; trong đó có nhiều vở đoạt giải thưởng và đã được các đài phát thanh và truyền hình tỉnh phát sóng, được Đoàn Cải lương Hương Tràm, Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu… dàn dựng, biểu diễn và nhận được sự yêu thích của khán, thính giả như: Trở lại với ruộng đồng, Ánh đèn đã sáng, Ngọc quý vương triều, Đứa con bất đắc dĩ, Chiếc máy cày và bác sĩ... Nhắc đến gia tài sáng tác vọng cổ của soạn giả Thanh Quang thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến: Tiếng suối Cam Ly, Mẹ Nguyễn Thị Xinh, Thư gửi cho anh, Hẹn mùa mật ngọt... Đây là những bài tiêu biểu, rất phổ biến mà đến nay vẫn được nhiều nghệ sĩ biểu diễn trong các sự kiện hay được các thí sinh chọn ca trong các cuộc thi, liên hoan.
Nghe và cảm nhận nhiều tác phẩm của anh, tôi hiểu đó là sự nâng niu, chắt lọc những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống đời thường, từ đề tài truyền thống cách mạng đến tâm lý xã hội. Ca từ trong tác phẩm của soạn giả Thanh Quang mượt mà, dào dạt, mang đậm chất thơ. Đó là vị ngọt của mật, mùi thơm của hương hoa, cuộc đời, mà người nghệ sĩ góp nhặt, được thể hiện bằng ngôn ngữ rất chân phương, mộc mạc nhưng không kém phần thâm trầm, sâu lắng như một niềm tâm sự, ai nghe rồi thì thật khó quên.
Phần lớn tác phẩm của soạn giả Thanh Quang viết về đề tài cách mạng, về thời kháng chiến. Đặc biệt là anh rất cảm xúc và thành công khi viết về mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng thương binh, liệt sĩ. Có thể kể đến những bài vọng cổ khá hay và nổi tiếng như: Mẹ Nguyễn Thị Xinh, Bà mẹ Long Bình, Bà mẹ Long Điền, Chị vẫn sống mãi với quê hương, Thằng Út của mẹ, Mẹ Đỗ Thị Hai, Mẹ Nguyễn Thị Hưởng… Qua tác phẩm của soạn giả Thanh Quang, chân dung những người mẹ, người chị, người anh,… kiên trung, bất khuất trước bom đạn kẻ thù được khắc họa một cách xúc động như một khúc tráng ca. Bên cạnh đó, ngòi bút của anh còn hướng về những người nông dân bao đời đội nắng, phơi sương. Soạn giả Thanh Quang luôn góp nhặt từ đất trời quê mẹ từng hạt gạo, con tôm, con cá để mà vun đắp, nuôi dưỡng cái đẹp của nghệ thuật bằng trách nhiệm của người nghệ sĩ.
Nói về anh trong những cuộc chuyện trò vui vẻ, tôi và mấy người bạn trong giới đặt cho anh biệt danh là “anh Ba Khó”. Bởi theo cảm nhận của nhiều người, anh khó tính, đôi khi tạo chút cảm giác khó tiếp xúc. Nhưng tôi biết, việc anh rất nghiêm khắc với bản thân mình và có đôi phần khó tính là xuất phát từ tính tỉ mỉ, nghiêm túc trong lao động, sáng tạo nghệ thuật của anh. Nó được minh chứng qua những hành động, việc anh làm dù là rất nhỏ. Khi anh còn khỏe, tôi thường thấy anh rong ruổi trên chiếc xe honda từ khắp các ngả đường thành phố Bạc Liêu cho đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng dưới các huyện. Tính anh là vậy, thích đi nhiều hơn ở một chỗ. Có lần tôi hỏi thì anh cười hề hà: “Cái chân tao là chân đi. Còn khỏe thì còn đi. Dân sáng tác ở một chỗ thì lấy đâu tư liệu, ý tứ, cảm xúc mà viết”. Theo anh thì mỗi câu, mỗi bài đều phải mang dáng dấp, hơi thở cuộc sống. Những gì tai nghe, mắt thấy thì mới viết hay được. Có thể nhờ vậy mà mỗi tác phẩm của anh, người nghe, người xem đều cảm nhận được sự sinh động, cảm xúc chân thật. Đây là một bài học anh gởi lại cho tôi cũng như những người lao động nghệ thuật.
Theo cảm nhận chủ quan của tôi thì anh khó phần lớn là khó với mình. Riêng đối với tôi, không hiểu chính xác là nguyên cớ gì (nhưng tôi phỏng đoán, cũng có khi do chúng tôi gặp nhau ở tư tưởng, quan điểm về nghệ thuật), anh lại rất dễ và hết mực tin tưởng. Anh em trong giới sáng tác thường nói với nhau khó mà ý kiến, góp ý gì vào tác phẩm của soạn giả Thanh Quang. Nhưng tôi lấy làm lạ là khi sáng tác được bài nào, anh hay chạy tới chỗ tôi khoe và nhờ góp ý. Tôi còn nhớ câu nói quen thuộc của anh: “Tao mới viết bài này hay lắm, để tao ca mày nghe”. Nhờ vậy mà trong suốt thời gian quen biết, tôi trở thành khán, thính giả đầu tiên được nghe, được xem tác phẩm mới toanh của “anh Ba Khó”. Chẳng những vậy, dần dà tôi lại vinh dự được anh nhờ chắp bút hay góp ý, chỉnh sửa cho những chỗ mà theo anh là còn chưa ưng ý trong tác phẩm đầy tâm huyết của mình. Ở vai trò là một đàn em, người cùng niềm đam mê sân khấu như anh, với tôi đó là một điều vinh dự và hạnh phúc.
Bút lực của anh dồi dào, anh viết rất đều tay, chỉ đến những năm cuối đời do sức khỏe yếu và không còn minh mẫn nên anh mới ngừng sáng tác. Một chuyện làm cho tôi vô cùng xúc động và chắc chắc sẽ nhớ mãi không quên khi nhắc đến anh. Đó là cách đây không lâu, khi sức khỏe anh đã yếu đi nhiều, trí nhớ gần như không còn, có khi anh không nhớ được người thân trong gia đình, vậy mà hôm tôi đến thăm, chúc Tết, vừa thấy tôi, anh đã khóc và gọi tên tôi không ngớt. Nhìn cảnh ấy, ai cũng rưng rưng, và như mọi người, tôi vội quay đi lau dòng nước mắt.
Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì anh Ba Quang đã rời xa nhân thế. Nhưng trong tôi luôn nhớ về anh, về hình ảnh một người đàn ông cao, gầy, xương xẩu, mặc chiếc quần jean, áo thun giản dị với mái tóc rất nghệ sĩ. Xin tiễn biệt anh, soạn giả Thanh Quang - một người nghệ sĩ phong trần, đã dốc hết lòng với nghệ thuật sân khấu Bạc Liêu - Cà Mau mấy mươi năm qua. Bên tai tôi như vẫn còn văng vẳng lời ca ngọt ngào, da diết về một Cam Ly “Trăng trắng sương giăng đồi chiều núi biếc”, về “Mẹ Nguyễn Thị Xinh” của “Phong Thạnh Nam đạn xới bom cày, một mình má lo việc nhà việc cửa, vừa cấy trồng vừa vận động nuôi quân”…
NNƯT Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT