Từ sau giải phóng cho đến nay, bài vọng cổ Nhớ cha trong mùa phượng đỏ của tác giả Dương Thị Thu Vân có sức sống bền bỉ, không chỉ thấm sâu vào giới mộ điệu mà còn rất quen thuộc với công chúng.
Con người vùng sông nước
Tác giả Dương Thị Thu Vân tên thật là Dương Thị Mến, sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chị biết ca vọng cổ và tham gia phong trào văn nghệ tại địa phương từ năm 1960, giọng ca ngọt ngào ấy được Đoàn Văn công tỉnh Bến Tre tuyển làm diễn viên cải lương (1963), rồi chị được Đoàn Văn công Khu 8-Tây Nam bộ rút về (1968). Đến năm 1974, chị được chuyển sang ngành Công an cho đến ngày nghỉ hưu (2003) với cấp hàm là Thượng tá.
Dương Thị Thu Vân cầm bút từ năm 1968 và cho đến cuối đời (2014), sáng tác nhiều thể loại: Văn xuôi, làm thơ, vọng cổ, chập cải lương, kịch bản cải lương dài,... Làm thơ và viết vọng cổ là sở trường của chị với hơn 100 bài vọng cổ và 200 bài thơ ở nhiều đề tài. Chị từng đoạt 2 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cấp quốc gia, được Nhà nước và ngành Công an tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Chị còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Nỗi nhớ nhung
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Dương Thị Thu Vân là cây bút nữ tiêu biểu. Khả năng của chị, không chỉ đánh giá qua số lượng tác phẩm mà là phong cách riêng nghệ thuật văn chương và cách khai thác đề tài.
Dường như cái “tứ” để chị sáng tác vọng cổ, gợi cảm xúc hầu hết từ những nỗi nhớ. Trong thời chiến tranh, khi nghe tin chiến thắng ở quê nhà, nỗi nhớ quê, nhớ mẹ của cô gái văn công xa nhà khơi dậy trong lòng chị cảm xúc dạt dào,... Đó là duyên cớ cho chị cầm bút lần đầu tiên để sáng tác vọng cổ, viết về tâm tư, tình cảm của mình với mẹ và quê hương. Người mẹ Hàm Luông, bài vọng cổ này được phục vụ nhiều năm trong chiến tranh và phát trên Đài Phát thanh Giải phóng năm 1968. Rồi chị lại bắt gặp một cây bưởi bị bom đạn tàn phá, làm trơ cành, trụi lá, đầy thương tích, chị lại chạnh lòng nhớ đến cây bưởi sau nhà, bài vọng cổ Mùa hoa bưởi ra đời (1970).
Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, sau nhiều năm đi kháng chiến, về quê nhà trong cảnh thanh bình, chị lại nhớ đến công ơn Bác Hồ; trong lúc đó, chị lại là một chiến sĩ Công an, thế là bài vọng cổ Nhớ cha trong mùa phượng đỏ ra đời. Sở dĩ, tác phẩm này có sức sống như thế là bản thân nó mang đầy đủ tố chất của một bài vọng cổ, nghệ thuật cấu trúc âm nhạc, văn chương và thể hiện chủ đề tư tưởng qua cấu trúc ý tứ hòa quyện với xây dựng ca từ. “Cánh phượng lung linh như tâm tình con thương nhớ, dào dạt ngày đêm như con nước dâng đầy... Ơi phượng đỏ cho hồng thêm sắc nắng, xin gởi tâm tình này thầm lặng kính dâng cha...”.
Chúng tôi có dịp tháp tùng với đoàn tác giả viết vọng cổ đi thực tế ở Tây Nguyên để viết về đề tài lực lượng thanh niên xung phong vào giữa năm 2013 và đã gặp, trò chuyện với tác giả Dương Thị Thu Vân; chị cho biết lúc đó, chị đang viết một vở cải lương dài cho Bến Tre và một số bài vọng cổ nói về miền Tây Nam bộ, nhưng rất tiếc, tác phẩm chưa ra mắt thì chị lâm bệnh hiểm nghèo và mất đầu năm 2014.
Nhớ cha trong mùa phượng đỏ là bài vọng cổ nói về tấm lòng người chiến sĩ Công an đối với Bác Hồ, gây ấn tượng nhất, đi vào lòng người với thời gian ngự trị lâu dài nhất. Và đến bây giờ, tên tác phẩm gắn liền với tên tuổi của tác giả, dù chị đã ra đi về cõi vĩnh hằng./.
Đỗ Dũng
Nguồn bài viết: Báo Long An