Giới thiệu sách: Tuyển tập Vọng cổ “Nỗi lòng người con xa xứ”
TỪ ĐỀ TÀI MUÔN THUỞ...
Trong 28 bài của tuyển tập, tác giả Võ Minh đã chọn đề tài về quê hương, về người mẹ gần như chủ đạo, quê hương ở đây là Bạc Liêu, là những vùng đất mà tác giả đã sống và đi qua dù lưu chút ít thời gian. Như Nhớ Bạc liêu, Nhớ mãi Khánh Lâm, Trở lại U Minh, Miền Tây yêu thương... Quê hương còn là mái ấm gia đình, ân nghĩa mẹ cha, tình yêu thương chòm xóm đã gắn bó và nuôi dưỡng một thời tuổi thơ vô tư và chân chất. Thể hiện trong các bài Nồi cháo cua của mẹ, Bao la tình cha, Ơn của ngoại... Quê hương còn là hình ảnh bao quát của không gian rộng lớn với những vùng quê một thời chiến tranh, những vùng đất còn khắc ghi dấu tích anh hùng của một thời oanh liệt. Đó chính là hình ảnh của những Bà mẹ Việt nam anh hủng, những dấu tích còn sót lại của cuộc chiến, như Mẹ Trịnh Thị Quắn, Gò bà Sáu Ngọc, Về Nghĩa Trang, Bên cánh đồng năn...
Được biết là tác giả không chuyên, đến với sáng tác ca cổ bằng cái duyên, cái chất của người con Nam bộ, Võ Minh đã nắm bắt và chọn lựa những chất liệu tiêu biểu và gân gũi, thân quen, sâu sắc và có sự thiêng liêng đến với công chúng, trước tiên là bộc lộ tâm tư sâu lắng của chính mình, như tên gọi của tập sách: Nỗi lòng người con xa xứ. Có thể nói, Võ Minh thật sự giàu cảm xúc để nắm bắt, chuyển tải đề tài muôn thuở là tình đời và tình người, hơn hết thảy là tình quê hương, gia đình, tình thầy trò, tình bạn như thể hiện trong tuyển tập.
ĐẾN THỂ THỨC VĂN CHƯƠNG
Nếu trước đây (cả đến nay), tân cổ giao duyên là sự phối kết giữa tân nhạc và cổ nhạc, đến tác phẩm của mình Võ Minh đã giao kết giữa lời và ý thơ, chủ đề và nội dung tập sách vào trong lời ca vọng cổ. Có thể đây là sự sáng tạo nhằm góp thêm sức sống cho thể thức âm nhạc dân gian này? Chúng ta bắt gặp Em bé trốn bão (ý thơ Lâm Tẻn Cuôi), Mãi mãi tuổi hai mươi (theo nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc), Vết thương (ý thơ Ngọc Yến), Sống là cho (theo thơ Phan An)... ngọt ngào và trơn tru như miền quê sông nước. Đọc, ngẫm và ngân nga lời ca trong tuyển tập, Võ Minh mượn rất nhiều bài Lý con sáo Nam bộ (giọng ơ) để vào câu. Buồn và da diết, nhưng không rơi vào tỉ tê, thê lương, diễn tả chia tay trong niềm tin có ngày gặp lại, diễn ý thực tại để lột tả tâm trạng hồi âm... là những gì mà Võ Minh đã viết. Tác giả cũng đã vận dụng một số thể thức, phần nhiều là oán, như Nam Ai, Phụng Hoàng... Một số điệu lý như Lý son sắc, Lý Mỹ Hưng, Lý trăng soi, Trăng thu dạ khúc...để diễn ý tiếc thương, sum vầy, hẹn ước, đợi chờ rất có giá trị văn học.
Lời ca cổ trong tác phẩm, phần nhiều như văn nói đời thường, giọng kể truyện mộc mạc tạo thêm tính quần chúng cho tác phẩm. Như “Chiều nay, dẫn tôi ra đốt nén hương nơi gò cao sau nhà của mẹ, chị Ba Luật không kiềm được dòng nước mắt khi kể tôi nghe về lịch sử quê... nhà...” (Gò bá Sáu Ngọc); hay “Con thấy mẹ đi khi mưa còn nặng hạt... Rồi lát sau mẹ về với giỏ cua nặng trĩu...” (Nồi cháo cua của mẹ)... Đôi lúc người đọc chắt nhặt được cách diễn đạt trùng nghĩa ca từ: Con nhớ không quên...; Cùng đi lên chung bức họa thảm hồng... Tuy vậy, hình thức đối tỷ, diễn đạt biền ngẫu trong câu văn và hình ảnh đôi lúc được Võ Minh chăm chút: Bóng tối vô minh có rộng trùm... thì anh sáng từ bi sẽ nâng bước... (Về lại Phật Quang).
Tiếc là có rất ít trường hợp gieo vần nối âm trong lời ca, hình ảnh cần tượng trưng hơn, trang trọng trong một số bài ca chưa được khai thác và sử dụng đúng mức. Được biết Võ Minh là cựu học sinh Trường THPT Bạc Liêu, hội viên Chi hội Sân khấu thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu, đã có hơn 50 bài vọng cổ và nhiều ca khúc, là tác giả không chuyên và tuổi đời còn trẻ. Đây thật sự là niềm vui cho hoạt động VH-NT Bạc Liêu, bởi tập vọng cổ Nỗi lòng người con xa xứ cũng đã góp thêm sức sống kỳ diệu của âm diệu Dạ cổ hoài lang, tiếng lòng của những người con đất mẹ.
KIM BẠ
(Bài viết được đăng trên Tạp chí NHÀ BÁO & NGHỀ BÁO
số tháng 9/2011 của Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu)
* Võ Minh hay còn gọi là Nguyễn Minh