Trong nghệ thuật sân khấu cải lương, bài ca vọng cổ được coi là bài ca chủ đạo, được tôn vinh như một “ông vua” trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân miền Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Từ khi hình thành cho đến nay bài vọng cổ trải qua nhiều giai đoạn phát triển và dần thay đổi để phù hợp hơn với từng thời đại. Bắt nguồn từ bài Dạ cổ hoài lang của Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu rồi dần dần bài vọng cổ được phát triển với nhịp 4, 8, 16 và nhịp 32 và sau này được kết hợp với tân nhạc được gọi là tân cổ giao duyên, tạo nhiều cung bật cảm xúc khác nhau làm say đắm biết bao lòng người.
Nhưng để có được những bài ca hay đi sâu vào lòng công chúng, chúng ta không thể không nhắc đến công lao âm thầm vàto lớn của các tác giả, những người đã gửi nỗi lòng của mình vào trong từng câu hát. Với cách đưa vào bài vọng cổ những điệu lý, những bài bản cải lương đã làm cho bài ca có thêm sức sống.
Trong vòng xoáy bộn bề của cuộc sống hôm nay, thi thoảng ta nghe đâu đó vang lên câu ca vọng cổ, chắc hẳn rằng trong lòng của mỗi người ai cũng dâng lên những cảm xúc khác nhau. Tập hợp những trái tim đồng điệu, những niềm đam mê sáng tác cổ nhạc cải lương, CLB Sáng tác Vọng cổ Đông Quê được hình thành với tâm huyết của những bạn trẻ yêu cổ nhạc, đam mê sáng tác. Với mong muốn đây là nơi để những ai có cùng sở thích sáng tác gặp gỡ và cùng tiếp thêm ngọn lửa đam mê của mình đối với bộ môn nghệ thuật này. Trên tinh thần tri ân người đã khai sinh ra bản Dạ cổ hoài lang, Câu lạc bộ rất tự hào khi cho ra đời website: caovanlau.vn mang tên người nhạc sĩ tài hoa ấy!
Sau gần 3 năm thành lập, có lẽ niềm vui lớn nhất là CLB là có được 1 lực lượng thành viên trẻ, có những người lần đầu tập tành sáng tác, có cả sinh viên, công nhân … cùng niềm đam mê sáng tác. Nơi đây các tác giả có thể chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của mình trong cuộc sống đời thường qua câu vọng cổ mượt mà say đắm, như tìm được sự đồng điệu trong nền âm nhạc ngũ cung đậm đà bản sắc dân tộc này.
Không dừng lại ở đó, để có đầu ra cho các tác phẩm, CLB đã cho ra đời Chương trình Vọng cổ đồng quê. Chương trình được CLB dàn dựng, thu âm và phát sóng trực tuyến trên caovanlau.vn. Đến nay CLB đã cho ra đời được 6 kỳ với những chủ đề khác nhau gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình bạn, tình yêu, thầy cô giáo, ngày vu lan báo hiếu như: Quê Mẹ Bạc Liêu, Yêu Hoài Biển Đảo Quê Hương, Người Mẹ Việt Nam, Ngẩn Ngơ Mùa Hạ, Bụi Phấn Năm Xưa, Ngày Còn Mẹ … Với những bài vọng cổ mượt mà sâu lắng như: Nhớ Bạc Liêu, Niềm tin người ở hậu phương, Đại Bi Quán chiều mưa, Anh là lính đảo trường sa, Thư hồng gửi người lính đảo, Người mẹ anh hùng, Cây rau nhút, Bến đợi, Ngoại ơi, Nỗi niềm mùa hạ,… chương trình được đón nhận nhiệt tình từ các tác giả, những người yêu thích cải lương và người nghe trên cộng đồng mạng. Với phương châm "cây nhà lá vườn", anh em đến với CLB vui là chính, có nhiều bạn là nghệ sĩ trẻ đoàn cải lương Trần Hữu Trang, đoàn cải lương Cao Văn Lầu cũng tham gia hát cho vui, nhiều MC cũng tự nguyện đóng góp công sức của mình cho chương trình ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp hơn.
Mừng xuân Quý Tỵ năm 2013, được sự động viên của nhiều anh chị em tác giả, CLB cũng mạnh dạn biên tập và xuất bản những bài vọng cổ được đăng tải trên caovanlau.vn trong suốt thời gian qua. Có thể nói “Vọng cổ Đồng quê 2013” là tập ca cổ đầu tiên của CLB, với 12 tác giả và 50 bài vọng cổ được chắt chiu và nâng niu từng câu chữ. Mỗi bài ca như là tiếng lòng mà các tác giả muốn tìm sự đồng cảm của người mộ điệu cải lương.
Để không phụ lòng người xưa, tập thể anh chị em tác giả sẽ chung vai để CLB ngày càng phát triển, để đây thực sự là nơi trải lòng, để niềm đam mê sáng tác bừng cháy trong tim, để bài vọng cổ không dần mai một theo năm tháng.
Nguyễn Minh
Chủ nhiệm CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê
Sách dày: 192 trang. Khổ: 15.5x23cm. Do NXB Văn Hóa - Văn nghệ cấp phép phát hành.