Tiểu Sử Diệp Lang
Diệp Lang (sinh năm 1941) là một nghệ sỹ cải lương nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài lĩnh vực chính là cải lương, ông còn tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật như: kịch nói, điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, ông từng trên 20 năm đảm nhiệm vai trò là thành viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh
Ông tên thật là Dương Công Thuấn, sinh ngày 4 tháng 3 năm 1941, tại Bình Tiên, Thị xã Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp. Lên 8 tuổi, ông đã theo cha là thầy đàn Ba Diệp đi theo đoàn Cải lương Tam Phụng. Nhưng cha của ông không muốn ông nối nghiệp đàn, vì người đàn chỉ ngồi sau cánh gà sân khấu, nên ông đã tìm thầy dạy hát cho Diệp Lang và cho ông học đóng những vai phụ.
Vào khoảng đầu thập niên 1950, trong một đêm diễn vở "Lấp sông Gianh" tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cải lương Kim Thoa bị ném lựu đạn, có hai người trong đoàn thiệt mạng, cha con ông may mắn thoát chết. Nhưng chẳng được bao lâu sau đó, ông Ba Diệp bị bệnh nặng, phải bỏ đoàn về quê và mất tại đây.
Chịu tang cha một thời gian thì ông tiếp tục lên Sài Gòn theo đuổi nghề hát. Năm 12 tuổi, Diệp Lang bước lên sân khấu trong vở Lấp sống Gianh của Đoàn Cải lương Kim Thoa, rồi sau đó là Việt Hùng – Minh Chí, đến Phụng Hảo – Ba Vân..., nhưng đó cũng chỉ là những vai phụ, đến khi được soạn giả kiêm ông bầu Nguyễn Huỳnh (cũng là bạn của cha ông) đưa về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ (Long An), ông mới được giao vai chính: hoàng tử trong vở "Chiếc nhẫn kim cương". Nghệ danh Diệp Lang (tức là con của Ba Diệp - cha ông) do soạn giả Nguyễn Huỳnh gọi ông khi ông bắt đầu được đóng vai chính ở đoàn cải lương Hoài Dung – Hoài Mỹ.
Năm 1962, Ông gia nhập đoàn Kim Chưởng, Diệp Lang được soạn giả Thu An giao cho đóng vai ông già 70 tuổi (người cha trong vở Người Anh khác mẹ). Đó là vai diễn ghi dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của ông với Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963 .
Trong thời kỳ này, ông đã đóng một số vở và rất thành công như: "Trung sĩ Tám" trong "Tìm lại cuộc đời", "Hội đồng Dư" trong "Tiếng hò sông Hậu", "Hội đồng Thăng" trong "Đời cô Lựu", "Lê Quý" trong "Tâm sự Ngọc Hân", "Lê Xuân Giác" trong "Tiếng sóng Rạch Gầm", "Ông nội" trong "Cây lẻ bạn", "Ông Hai" trong "Đàn ca tri kỷ".
Năm 1965, ông bị triệu tập đi nhập ngũ theo lệnh của Nha Quân dịch thuộc Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II. Đoàn của ông lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như: Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479... Ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn 284. Vừa tham gia công tác quản lí, vừa làm nghệ thuật, nhưng chỉ một thời gian sau đó ông xin nghỉ làm quản lý và trở về nghiệp hát do áp lực công việc và bệnh tật. Đây cũng là thời gian gia đình ông gặp khó khăn nhiều nhất.
Sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003, Diệp Lang bắt đầu thôi đi hát. Hiện tại, ông chỉ còn tham gia đóng các vai diễn nhỏ trên sân khấu.
Source: wikipedia