Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc đã khẳng định một qui luật muôn đời của những người nghệ sĩ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Chữ “tâm” có sáng ắt “tài” mới phát khởi. Chữ “tâm” là cái gốc của tình người, là cội nguồn của sự sáng tạo. Tôi không ngạc nhiên gì khi đọc tập Vọng cổ “Nỗi lòng người con xa xứ” của Võ Minh (*) – một tác giả chưa qua trường lớp sáng tác mà đã viết nên nhiều bài ca vọng cổ ngọt ngào dào dạt chân thành. Từ lúc còn là một cậu học sinh Trung học, Võ Minh đã biết yêu bạn kính thầy, đã biết thương những cảnh đời cơ nhỡ đau thương. Tôi cũng không bất ngờ khi hôm nay những bài ca của Võ Minh viết đều nặng lòng với những nghĩa tình sâu đậm. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Võ Minh, một em nam sinh có nước da trắng hồng, môi đỏ như con gái, đôi mắt buồn buồn, mỗi khi bắt gặp hình tượng nhân vật văn học nào khi thầy cô dạy mà có số phận khổ đau thì Võ Minh đều chứa chan nước mắt.
Có lẽ điều tôi quí mến nhất ở Võ Minh là trái tim yêu đời, đau đời, trăn trở về cuộc đời của em đều nồng nàn trong từng lời hát. Em yêu con đê nghèo gắn liền với hình ảnh hi sinh của mẹ (“Nồi cháo cua của mẹ”). Em đề cao những tấm lòng vì dân vì nước, nén nỗi đau riêng để sống một cuộc sống chan hòa (“Về nghĩa trang”,”Mẹ Trịnh Thị Quắn”). Đề tài em viết khá phong phú: Tình yêu tổ quốc, tình nghĩa đồng bào, tình thầy trò đằm thắm, tình vợ chồng chung thủy, tình phụ mẫu thiêng liêng, tình tri âm tri kỷ thiết tha, tình yêu ngọt ngào đôi lứa… Tôi càng quí mến em hơn khi tôi đọc kỹ từng lời ca điệu hát của tập Vọng cổ này không hề có một bài nào em tự hát về em, em chỉ ẩn mình đằng sau những lời đồng cảm, những lời ngợi ca hay những lời tri ân sâu sắc… Tất cả đều là Võ Minh một ngòi bút sáng tác còn rất trẻ nhưng đã là một trái tim mẫn cảm với cuộc đời.
Những lúc đọc lại tập Vọng cổ này hay những khi nghe lại những bài ca ấy, tôi không chỉ được ru mình trong nhiều điệu hát dịu ngọt: Văn thiên tường, Nam ai, Lý trăng soi, Nói lối … mà tôi còn được gặp lại một vùng trời miền Tây đất nước. Đó là vùng đất anh hùng sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Đó là những tâm tình sâu kín qua bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Đó là những con đê, vườn cây. sông nước thắm màu. Đó là những con người mộc mạc chân quê mà hào hiệp nghĩa tình (“Về miền Tây”, “Trở lại U Minh”, “Nhớ mãi Khánh Lâm”…).
Cầm tập Vọng cổ của Võ Minh trên tay, tôi cứ mường tượng một Võ Minh của tuổi thơ gắn bó với quê nghèo. Nhà em ở tận Sóc Trăng, vùng đất quê em đã đón nhận em từ lúc lọt lòng cho đến tuổi thanh niên và đã trao cho em biết bao kỷ niệm đong đầy trìu mến.
Tuổi học trò của Võ Minh là những ngày cơ cực nhưng đầy mộng mơ đã ươm mầm cho năng khiếu nghệ thuật trong em. Con đường đi học là con đê dài ngoằn ngoèo nhiều sụp lở. Mùa mưa hay mùa nắng em đều đi bộ đến trường khoảng năm sáu cây số. Khi cậu học sinh ấy bắt đầu bước chân ra khỏi nhà đi học là lúc trời chưa kịp sáng, xa xa lập lòe những ngọn đuốc dân làng đi chợ sớm… Khi em tan trường trở về nhà hoặc dưới cơn nắng cháy da hoặc dưới cơn mưa tầm tã. Cơ cực lắm nhưng sao lúc em kể lại tôi nghe câu chuyện thuở ấy bằng giọng nói mang đầy âm hưởng reo vui và thoáng chút tự hào! Phải rồi, nếu không có những ngày tuổi nhỏ gắn bó với quê nghèo như thế thì làm sao em có được tập Vọng cổ “ Nỗi lòng người con xa xứ” đầy kí ức và chan chứa ân tình như thế này để tặng bạn tri âm.
Dù em không phải là người nghệ sĩ sáng tác chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn kì vọng nơi Võ Minh rằng em sẽ tiếp tục trau dồi thêm về lĩnh vực nghệ thuật này. Để cho tôi có dịp được Võ Minh khép nép đến thưa cô:“Thưa cô, cô xem qua tập Vọng cổ này của Võ Minh viết, rồi cô sửa lỗi diễn đạt cho Võ Minh như ngày nào cô vẫn thường sửa lỗi bài viết cho chúng em. Thưa cô!”.
Tôi quí mến cái tâm và cái tài của em, dù vẫn còn vài điểm ở một số bài hát chưa được thật hoàn chỉnh nhưng có nhiều bài ca đáng được lưu tâm trân trọng. Tôi thật sự xúc động với các bài hát của Võ Minh như: Bên cánh đồng năn, mẹ Trịnh Thị Quắn, Nhớ mãi Khánh Lâm, Nồi cháo cua của mẹ, Gò bà sáu Ngọc, Nhớ Bạc Liêu…
“Nỗi lòng người con xa xứ” tập Vọng cổ chất chứa những yêu thương về nỗi nhớ nhà của người con viễn xứ! Tôi muốn gửi gắm đến Võ Minh niềm tin yêu chân thành sâu sắc. Rằng em sẽ là một Hội viên trong những Hội viên trẻ xuất sắc của Chi hội Sân khấu - Hội Văn học nghệ thuật Bạc Liêu. Rằng em sẽ là “Mãi mãi tuổi hai mươi” trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà:
“Mùa xuân – tuổi trẻ muôn màu
Võ Minh mãi mãi dạt dào yêu thương
Trái tim trăm mối tơ vương
Đi – Về với mọi nẻo đường quê hương”.
------------------
Nguyễn Ngọc Tuyết
(*) Võ Minh hay còn gọi là Nguyễn Minh