NHỚ ANH! LÍNH ĐẢO BIÊN THÙY
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Nguyễn Hương
Nói Lối
Nữ: Xưa nhớ chồng, mẹ Âu Cơ trách đợi,
Mắt mỏi mòn, nhìn về phía biển Đông.
Nam: Cha Lạc Long Quân nghèn nghẹn giữa tim lòng:
Nàng giống tiên, ta loài rồng… nên đành ly biệt.
Lý Con Sáo
Năm mươi con
Theo xuống biển cùng với cha
Mở mang cõi bờ Lĩnh Nam
Năm mươi con theo mẹ lên rừng
Cùng chia nhau miền núi trị vì.
Nữ: Những đội binh hùng vượt trùng dương bão giông
Mái chèo khua còn vọng vang đến ngàn năm
Ôi tự hào người lính đảo hải quân
Chẳng tiếc máu xương để bảo vệ Trường Sa.
Vọng Cổ
Nam: Nắm chắc súng trong tay anh quyết canh giữ biển trời thiêng liêng Tổ quốc. Nơi Đá Lát, Phan Vinh nghe từng con sóng hát mà ngỡ cha Lạc Long Quân dẫn năm mươi con đang ào ạt trấn… biên… thùy.
Câu 1. Từ thuở xa xưa Rồng Tiên nòi giống trị vì.
Nữ: Nước Việt Nam ta mãi gắn liền một dải,
Gấm vóc sơn hà có hai quần đảo thân yêu.
Nam: Hoàng Sa – Trường Sa luôn bão sớm, giông chiều,
Nơi kẻ thù đang ngày đêm rình rập.
Là cháu Lạc con Hồng, thì dù có phải hy sinh,
Cũng quyết giữ gìn thiêng liêng từng tấc biển.
Thơ
Cô Lin, Nam Yết, Sinh Tồn
Ngàn con sóng vỗ dập dồn nhớ thương.
Nữ: Nặng tình non nước quê hương
Anh đi canh giữ biên cương cõi bờ.
Câu 2. Sông Hậu mênh mông ngọt dòng phù sa nặng chở, như tấm lòng em muôn thuở vẹn câu thề.
Dù anh ra đi chẳng hứa hẹn ngày về.
Nam: Hương bắp Bình Minh mãi ngạt ngào lan tỏa,
Cho điệu lý câu hò em hát đậm tình quê.
Nữ: Thương rặng bần giữa rét buốt tái tê,
Từng trái rụng trôi theo dòng về cửa biển.
Vị chát chua có tình em hòa quyện,
Gửi người lính đảo oai hùng luôn vững chí bền gan.
Lý Cái Mơn
Ngày chia ly cầm tay anh nói:
Nam: Biển đảo thiêng liêng cõi bờ nước non cần anh,
Nhớ nghe em dù năm tháng thủy chung một lòng.
Nữ: Tàu khơi xa mắt vời vợi trông,
Em vững tin chờ anh.
Nam: Câu đá vàng sắt son muối mặn gừng cay.
Vọng Cổ
Nữ: Mùa thương nhớ lại về trên mảnh đất Bình Minh nồng nàn mùi hương hoa bưởi. Nơi ấy Đá Thị, Sơn Ca, Quế Đường chắc rặng bàng vuông tím nở để điểm tô biển đảo quê hương đến muôn thuở… thanh… bình.
Câu 5. Đêm chở trăng khuya em nhắn gửi vạn tâm tình.
Nam: Ngọn súng giương cao giữa bốn bề sóng dữ,
Trước kẻ thù đang dòm ngó lăm le.
Anh chưa về bởi còn nhiệm vụ thiêng liêng,
Em ở quê nhà gắng chung tay dựng xây Đất nước.
Nữ: Tổ quốc được bình yên ta sẽ tròn câu hẹn ước,
Em mãi đợi chờ anh người lính đảo kiên cường.
Câu 6. Nam: Anh thường kể cho đồng đội nghe về xóm bắp quê hương,
Nơi có những mảnh đời cần lao lam lũ.
Dù một nắng hai sương đêm ngày tần tảo,
Mà vẹn nghĩa thắm tình lòng nhân hậu bao dung.
Nữ: Cùng vạn trái tim hồng luôn một dạ kiên trung,
Gác lại tình riêng vì thiêng liêng biển đảo.
Nam: Mai anh về ta lại khua chèo trên dòng sông Hậu,
Xuồng chở bắp muôn nơi mang vị ngọt cho đời.
Nữ: Em vẫn biết rằng trong lòng ngực trái tim anh,
Nửa hiến trọn cho nước non, nửa dành riêng người chờ đợi.
Nam: Sóng biển Trường Sa mang về muôn nỗi nhớ,
Chở ánh mắt mong chờ vời vợi của em thương./.
Long Xuyên, ngày 22 tháng 7 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---