Giữa thế giới Văn hóa, Nghệ thuật luôn biến chuyển theo thị hiếu của khán giả, ở tuổi 21, Lê Nguyễn Ngọc Lâm quyết định trở thành nhà soạn giả cải lương.
Lê Nguyễn Ngọc Lâm tên thật là Nguyễn Ngọc Trung Hiếu, sinh năm 2000, hiện đang là sinh viên khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật - trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Từ nhỏ, Hiếu đã tiếp xúc với cải lương vfa bộc lộ năng khiếu. Đến năm 20 tuổi, cậu tích cực hoạt động ở vai trò Soạn giả, làm việc, cộng tác tại các sân khấu như: Đoàn Tuồng Cổ Trường Giang, Nhóm kịch 7 NỔI, Gánh Ca - Diễn Phụng Hoàng Ban,… Hiện tại, Lâm đang trau dồi kiến thức, kĩ năng với mong muốn tương lai sẽ phát triển mảng nghệ thuật truyền thống này.
* Được biết, bạn hiện đang là một trong những soạn giả trẻ trong sân khấu cải lương, cơ duyên nào khiến bạn chọn loại hình nghệ thuật này?
Thật ra, cơ duyên đến với cải lương đã có từ năm mình 3 tuổi. Nhưng nếu gọi là cơ duyên để trở thành soạn giả cải lương thì phải kể từ năm 2017 - lúc đó mình đang là học sinh cấp 3, có một sự kiện bất ngờ đến từ người cậu của mình - nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang (Quán quân Sao nối ngôi 2017). Lúc ấy cậu vừa là nghệ sĩ đi hát, vừa nhận viết kịch bản cho anh chị em nghệ sĩ khác, số lượng kịch bản cậu nhận phải nói là rất nhiều.
Trước đó, mình được cậu đào tạo theo hướng là diễn viên cải lương, được một thời gian thì tạm ngưng vì phải tiếp tục việc học ở trường cấp 3. Và rồi, cậu vô tình phát hiện ưu điểm nhớ tuồng rất kĩ của mình và khả năng viết lách tương đối ổn nên cậu đã định hướng mình trở thành một soạn giả viết cải lương tuồng cổ.
Nói đúng ra cách cậu dạy mình viết tuồng…cậu không có lên lớp mình ngày nào hết cả! Đến tác phẩm nào, cậu bàn luận, dạy mình đến đó, cứ như thế cậu truyền nghề cho mình.
Cậu đặt bút danh cho mình là Lê Nguyễn Ngọc Lâm vì cậu mong muốn mình đi theo con đường này một cách nghiêm túc. Lê Nguyễn từ họ của cậu, Ngọc là từ tên của mình - Ngọc Trung Hiếu, Lâm là từ mệnh của cậu - Đại Lâm Mộc. Lê Nguyễn Ngọc Lâm - viên ngọc quý trong khu rừng.
* Tại sao bạn chọn mảng nghệ thuật truyền thống sân khấu kịch, cải lương chứ không phải một bộ môn khác trẻ trung, hiện đại như Rap, Dance... đang được nhiều bạn trẻ yêu thích?
Cải lương, sân khấu là xu hướng giải trí của mình, những yếu tố ước lệ và tính thẩm mỹ của sân khấu thôi thúc mình vô cùng, thậm chí là mình nghiện, mình từng đặt câu hỏi rằng: “Tại sao người ta không mê như mình nhỉ?”.
Đặc trưng khán giả của cải lương và những loại hình sân khấu truyền thống sẽ khác so với đặc trưng khán giả của các lĩnh vực trẻ hơn - họ trầm tính, ít sôi nổi hơn và nhu cầu của họ dù có cao thì đâu đó vẫn còn khá ưu ái cho cải lương. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ giải trí, khán giả (đặc biệt là giới trẻ) có nhu cầu rất cao và thẳng thắn, các bạn ít khi ưu ái cho một loại hình nào, vì các bạn có quyền đòi hỏi sự sòng phẳng đó!
Một cách khách quan, cải lương có thay đổi, làm mới, cập nhật xu hướng nhưng không may là sự thay đổi ấy chưa đủ để chiều lòng công chúng đương thời. Khán giả trẻ luôn có sự đòi hỏi cao, nhanh chóng, các loại hình khác chạy hết tốc lực đáp ứng kịp thời, đúng lúc cho họ, còn cải lương vẫn cố gắng... loay hoay.
Chính những điều “khổng lồ” đó thôi thúc mình đến với cải lương tuồng cổ.
* Bạn hãy kể một số khó khăn trong suốt thời gian bạn hoạt động ở vai trò soạn giả
Như những bạn trẻ khác... khi mình nhận viết 1 vở tuồng, khó khăn nhất là giai đoạn “chạy deadline”, có lẽ tiếp xúc với áp lực mình làm việc hiệu quả hơn? Nhưng điều mà mình luôn phải “đau đáu” là khi viết về những nhân vật lịch sử Việt Nam, đòi hỏi độ chính xác về thông tin rất cao, cũng như là sự cân nhắc về liều lượng của tính giải trí, sự cẩn trọng khi đưa tư tưởng của bản thân, để ý sự nhìn nhận của khán giả khi đặt lên nhân vật đó. "Hỏa Công Đầm Thị Nại" - tác phẩm dã sử Việt Nam tâm huyết gần đây của mình là một ví dụ.
* Bạn tìm cảm hứng và ý tưởng cho các vở diễn từ đâu?
Xem những khúc hát, câu thoại, nét diễn của một tác phẩm, mình được truyền cảm hứng rất nhiều. Như mình tự nhận định thì cải lương có hai loại hình viết, thứ nhất là Viết Mới (sáng tác mới) và thứ hai mình gọi vui là “Viết Cũ” hay “Viết Cover (remake)” - lối viết này như một hình thức “cải tiến” những câu chuyện, điển tích cũ thành những phiên bản mới hơn.
Mình xem những vở tuồng cũ, tuồng xưa có nội dung phù hợp cho việc Viết Cover, còn để phục vụ cho các sáng tác mới thì mình đọc sách và xem phim. Và hiển nhiên mình không ăn cắp ý tưởng của họ. Với cải lương, mình “mượn lấy cảm hứng” và “trả lại tác phẩm”.
* So với nhạc thị trường V-pop, Indie, Rap,…đang thu hút rất nhiều giới trẻ Việt Nam, thì bạn có cảm thấy nghệ thuật sân khấu kịch, ít được quan tâm hơn không?
Nó là sự thật. Dưới góc độ nhìn nhận non trẻ và sở học khiêm tốn của mình thì: Bằng một cách vô hình, cải lương đang được xếp vào vị trí ưu tiên rất đẹp và trang trọng như món “cổ vật trong bảo tàng” - những vật chỉ còn giá trị lịch sử!
Có một vị tiền bối mà Hiếu vô cùng kính trọng đã chia sẻ: “Cải lương hay hát Bội hoặc bất cứ một loại hình nghệ thuật truyền thống nào, không chỉ là một thứ gì đó phải được sơn son thép vàng, hãi sợ và thờ cúng! Mà đó là một thứ rất kỳ thú và ta có thể tiếp tục câu chuyện canh tân cho chúng!”
Chúng ta hoàn toàn có thể viết tiếp câu chuyện cải lương dù là khán giả, nghệ sĩ hay soạn giả, đạo diễn, nhà quản lý văn hóa… Công chúng ngày nay không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để yêu một thứ quá trừu tượng mà không thể hiểu được nó. Hãy mã hóa để cải lương trở nên dễ hiểu hơn, thu ngắn khoảng cách theo dõi giữa cải lương với khán giả trẻ, và cho họ được thấy cái hay, nét đẹp vốn có của cải lương khi tung hoành và cân sức mình trên mặt trận giải trí. Vì cải lương đủ sức làm điều đó. Đừng quá ưu ái mà ru ngủ cải lương!
* Giữa “phát triển, kết hợp hiện đại tạo ra cái mới” và “phổ biến, lan tỏa cái đã cũ” đến khán giả, cách nào sẽ hiệu quả hơn?
Mình muốn tiếp tục thực hiện việc “cải lương” cải lương, tức là luôn tạo ra cho cải lương những diện mạo mới với phong cách phù hợp xu thế. Có người sẽ mặc cho cải lương một lớp áo mới về âm nhạc, nhạc cụ mới…có thể sẽ đến một ngày tiếng Guitar bass, tiếng kèn Harmonica, Saxophone hoặc Âm nhạc điện tử sẽ xuất hiện một cách xuyên suốt, phù hợp hơn trong dàn nhạc của một vở cải lương. Hoặc có người sẽ mặc cho cải lương một lớp áo mới về phục trang, với những chất liệu khác biệt và hợp thời, thậm chí có thể bằng những chất liệu tái chế để tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường. Còn mình, mình sẽ “mặc” cho cải lương một lớp áo mới về tư duy và nội dung, bằng việc cập nhật những tư duy mới từ kiến thức mà mình tiếp cận được, để đưa vào từng câu thoại, lời ca trong những tác phẩm của mình.
Hiện tại, mình bắt đầu nhìn thấy ngoài công tác sáng tạo - viết thêm nhiều kịch bản hay, phù hợp xu thế, có tính tư duy ra, cải lương cần nhiều lắm sự đổi mới về phương thức truyền thông và công tác sản xuất.
* Cải lương nên được ứng dụng như thế nào để đến gần hơn với khán giả trẻ?
Thật sự mà nói hiệu quả thưởng thức mà cải lương tuồng cổ mang lại đòi hỏi tính quá trình. Phải có sự thẩm thấu từ bối cảnh, câu chuyện, tình huống thì mới có thể tạo cho người xem một trường cảm xúc đúng nghĩa. Tuy nhiên, Tiktok là một trong sản phẩm của “Văn hóa Nhanh”, việc đưa cải lương tuồng cổ xuất hiện trên Tiktok là một thử thách về sự chọn lọc.
Song, ở góc độ của mình, Hiếu nhận thấy Tiktok có thể hỗ trợ rất tốt cho cải lương về những mảng nhỏ. Chúng ta có thể tạo nên một tài khoản với những clip được lựa chọn và biên tập khéo léo các hạng mục nội dung: Phục trang cải lương cổ và tân, layout Hóa trang theo quy tắc, bài bản cải lương-Hồ Quảng hay, những màn vũ đạo đặc sắc, nét diễn xuất thần, chuyện hậu trường. Trong đó, quan trọng nhất là “Những clip Tiktok về bài bản cải lương và các điệu Hồ Quảng, ca nhạc trích từ những vở diễn chất lượng”, những sản phẩm này vừa góp phần vào công cuộc giữ gìn những tư liệu cổ nhạc quý của dân tộc (đặc biệt là những bài bản có nguy cơ thất truyền), vừa hỗ trợ truyền thông cho cải lương.
* Bạn muốn gửi gắm điều gì đến độc giả?
Trước hết, Hiếu muốn cảm ơn quý độc giả vì các bạn đã đọc đến tận dòng này, bài viết về niềm đam mê và lý tưởng của Hiếu, nếu có thể đọc đến đây thì sự quan tâm của bạn dành cho cải lương đã thật sự đong đầy.
Sau nữa, Hiếu mong phần nào quan điểm và câu chuyện của mình sẽ tạo cho các bạn một nguồn năng lượng để các bạn có thể tích cực hơn trong cuộc sống của mình. Nếu như bạn chưa sẵn sàng dành sự chú ý, quan tâm của mình cho quan điểm của Hiếu hay cho cải lương thì Hiếu vẫn tôn trọng và muốn gửi đến bạn một lời nho nhỏ rằng: "Thay đổi cách nhìn cuộc sống sẽ thay đổi!"
Cảm ơn bạn đã chia sẻ!
Thực hiện: Kim Ngân
Thiết kế: Hoài My
Link gốc: Soạn giả cải lương gen Z - Lê Nguyễn Ngọc Lâm và câu chuyện truyền cảm hứng (yan.vn)