Chập Cải Lương: LẤY CHỒNG XA XỨ
Đặng Thanh Huyền
CẢNH MỘT:
* Nhân đang ngồi một mình lúc chiều đêm nơi bến đò sông quê, dõi mắt nhìn xa xăm về một phương trời vô định:
Hò:
Nhân: Hò… ơ… Em đi bỏ lại câu thề
Từng đêm anh hát… hò… ơ…
Từng đêm anh hát não nề nhớ mong…
Lý Con Sáo:
Nhân: Câu ca xưa… nay nhuộm buồn tái tê
Trên bến chiều sông quê
Ai đưa ai xa xứ theo chồng
Bao đớn đau tan nát cõi lòng
Nhưng mãi chờ dù ngàn năm cách ngăn
Lệ tuôn rơi mặn đắng môi từng đêm
Nơi xứ người… thầm mong ai đó vui
Nước sông trôi chở nhớ thương dùm tôi…
Vọng Cổ (Câu 1):
Nhân: Ơi bến sông quê vẫn lững lờ con nước chảy, như cõi lòng anh tháng năm dài chờ đợi một bóng hình ai nơi viễn xứ… chưa… về…
Linh ơi… em còn nhớ chăng câu ước hẹn duyên thề…
Dù người ta nói rằng em tham sang phụ khó,
Chạy theo vật chất kim tiền ảo ảnh xa hoa.
Nhưng anh mãi yêu tha thiết đậm đà,
Người con gái năm xưa dịu hiền chung thủy.
Em mãi còn trong tâm trí chẳng mờ phai,
Càng đậm sâu nặng tình thương nhớ…
* Lan đã đến tự bao giờ, từ đằng xa cất giọng:
Thơ:
Lan: Người ta rời bến sang đò
Bỏ quên câu hát giọng hò thề xưa
Vậy mà dù nắng hay mưa
Anh ngồi ngóng đợi sáng, trưa, tối, chiều…
Lý Năm Căn:
Lan: Dòng sông mãi nhớ chờ trông
Người đi quyến luyến hay không?
Sao để quê hương đau thương
Ngày đêm gió sương ngóng đợi
Tình yêu tha thiết còn vương
Lòng ai son sắt vì ai
Tan nát tình ta khi chưa kịp tượng hình.
* Nhân bỗng giật mình quay lại nhìn thấy Lan:
Nói:
Nhân: Ơ kìa Lan, ủa em đi đâu ra đây vậy?
Lan: Dạ, tại sẵn tiện em mang tô bánh canh sang nhà biếu cho hai bác, nghe bác gái nói anh Nhân đang ở ngoài này, nên em… mà tại… bởi… tại cũng có chút chuyện…
Nhân: Có chuyện gì quan trọng hả em?
Lan: Dạ, cũng không có chuyện gì quan trọng lắm đâu anh, mà… chắc… cũng có… nên người ta mới ra đây tìm gặp người ta đó…
Nhân: Bộ em đang có chuyện buồn sao Lan?
Lan: Em có buồn gì đâu anh… mà dẫu có buồn thì cũng có ai đâu mà chịu hiểu để sẻ chia, tâm sự phải không anh…
Nhân: Sao em lại nói vậy?
Lối:
Lan: Tại…
Tại bướm ong cứ mãi vờn bay hờ hững
Để cho tháng ngày héo rũ nhánh phong lan
Chưa kịp hết sầu thì phiền muộn riêng mang
Bởi cha em cứ ép khuyên, con hãy vì chữ hiếu…
Thế nên…
Vọng Cổ (Câu 5):
Lan: Nhân ơi, nếu lỡ mai kia em cũng lấy chồng xa xứ. Thì bến sông quê có ai ngồi nhớ người con gái năm xưa đã rời bến… sang… thuyền…
Cũng uống nỗi cô đơn gặm nhấm ưu phiền…
Vì người ta… nỡ đang tâm quên lời thề hẹn,
Chạy theo vật chất kim tiền rũ bỏ quê hương.
Mà em có là gì để anh nhớ anh thương,
Khi trái tim kia đã có bóng hình ai ngự trị.
Phận gái thuyền quyên mong tròn câu chung thủy,
Được hạnh phúc an vui bên một nửa trọn đời…
Thơ:
Lan: Dù cho vật đổi sao dời
Tim em vẫn giữ ngàn lời nhớ thương
Biết người muôn thuở vấn vương
Mối tình năm cũ nẻo đường dặm xa.
* Nhân đến gần bên nhẹ đưa tay lên bờ vai Lan an ủi, đồng cảm:
Vọng Cổ (Câu 2):
Nhân: Lan em à…
Anh đã trải qua một mối tình ngang trái, nên ôm lấy nỗi thương đau làm hạnh phúc riêng mình…
Dù cố lãng quên vĩnh viễn một bóng hình…
Sao mỗi đêm về lại cồn cào thương nhớ,
Thầm gửi nỗi niềm theo sóng nước xa khơi.
Gởi thăm người con gái năm xưa,
Nay đã cách ngăn bên kia bờ đại dương xanh thẳm.
Ngày vu quy bờ môi ai đỏ thắm,
Rạng rỡ nụ cười mà sao ướt đẫm lệ lòng ai…
Nói:
Lan: Và anh mãi còn nhớ đến người ta, dù rằng thời gian đã dần trôi xa lắm… có phải không anh?!
Nhân: Mới đó mà đã ba năm từ ngày Linh đi lấy chồng xa xứ rồi… thời gian trôi nhanh quá… vậy mà… vậy mà người ta vẫn chưa lần nào về thăm quê cả…
Lan: Anh có liên lạc với chị ấy không? Chỉ sống hạnh phúc không anh? Em thấy thương chú thím Sáu bên nhà vì nhớ thương con mà cứ đêm ngày vào ra trông ngóng…
Nhân: Thỉnh thoảng anh cũng nghe chú thím Sáu nói Linh cũng có điện về hỏi thăm… Linh nói là rất nhớ nhà, mong mỏi được về thăm quê, thăm cha, thăm mẹ… Rồi nghe đâu Linh khóc nức nở, em ấy buồn nhiều lắm… Anh nghe mà xót xa quá em à…
Lan: Dạ, em cũng hiểu phần nào chứ anh… và có lẽ rồi đây xóm mình sẽ lại có thêm một người nữa đi lấy chồng xứ lạ… nếu… nếu mà người ta không ngăn không không cản… thì…
Nhân: Ý em là…
Lối:
Lan: Dạ, ý em là…
Là em buộc phải nghe lời sắp đặt của cha
Cũng giống như những cô gái quê mình đi lấy chồng xa xứ…
Nam Ai:
Lan: Anh Nhân ơi, giọt nước mắt em… rơi (--)
Tựa cơn mưa (+) sau ngày tháng khô cằn
Biết ai là người khóc tiễn em đi (--)
Rồi mai mốt đây trên bến sông chiều (+)
Anh có ngồi ngóng đợi phương xa
Cất giọng hò thầm trách người ta
Đã lãng quên ước hẹn duyên thề (--)
Nỡ rũ bỏ miền quê (+)
Nhân: Lời em thốt ra anh thấy xót xa lòng
Đâu hờn giận (+) kẻ phụ mối tình chung
Nhưng đau đớn khôn cùng (--)
Đành khóc hận (+) cô đơn (+)
Làng xóm quê hương giờ thêm hiu quạnh
Người đi xa (+) chẳng hứa hẹn ngày về
Thương bao cô gái thiệt thòi
Nơi xứ lạ quê người buồn đau.
Nói:
Lan: Anh Nhân nói thương ai bị thiệt thòi… có phải… chị Linh không?
Nhân: Ở xóm mình đâu chỉ mỗi Linh đâu em… mà có lẽ nỗi nhớ người ta đã làm cho anh đêm ngày như điên như dại…
Lý Sâm Hương:
Nhân: Sông nhớ ai phương xa
Buồn thương từng đêm lạnh giá
Nặng nỗi đau như ai
Còn đây biết mấy đắng cay
Lòng ta đành vương mang
Dù mai sau ai khóc duyên bẽ bàng
Sông từng dòng lang thang
Đợi ta hay tiễn ánh trăng tàn.
Vọng Cổ (Câu 6):
Lan: Dòng nước bao đời luôn tha thiết thủy chung, chở nặng mối tình thơ dòng phù sa ngào ngọt.
Chắc đồng cảm với anh nỗi niềm xa xót,
Khi một nửa tim lòng nơi xứ lạ phụ vong.
Mà người ta đã chấp nhận theo chồng,
Có nghĩa là… là người ta đâu còn nhung nhớ nữa.
Sao anh Nhân cứ hoài ôm đau khổ,
Để thêm khổ đau cho một kẻ thương thầm.
Anh chờ thương nhớ ba năm
Em đây cũng đợi đêm nằm thở than
Sao người ta đã sang ngang
Mà anh vẫn mãi nồng nàn thủy chung.
Nói:
Nhân: Tình yêu mà em... làm sao mà giải thích được hai từ “tình yêu” cho đúng nghĩa đây… anh cũng muốn quên người ta lắm… nhưng không thể em à…
Lan: Em hiểu anh mà…
* Tiếng bà Hai Thanh (má Nhân) từ trong nhà vọng ra:
Nói:
Bà Hai Thanh: Thằng Nhân với con Lan có ngoài bến đò đó hôn, vô đây cùng ăn bánh canh luôn nè cho nóng, lúc rày mà ở ngoài đó một hồi là muỗi nó xé chết hà tụi bây.
Nhân: Dạ có, tụi con vô liền nè má ơi… mình vô nhà đi em… lát nữa anh đưa em về…
Lan: Dạ….
CẢNH HAI:
Ông Hai Thanh (ba Nhân) đang nằm trên võng phì phà điếu thuốc rê, vừa lúc Nhân và Lan đi vô nhà:
Nói:
Ông Hai Thanh: Ơ kìa… Lan con, con ngồi đó chơi chút đi, bác gái bây múc bánh canh lên bây giờ đây nè, cùng ăn với hai bác cho vui nghe hôn.
Lan: Dạ, con ngồi chơi được rồi Bác, hồi chiều mẹ con có chừa ở nhà rồi thưa Bác!
Ông Hai Thanh: Thôi vậy cũng được, ừ thì bây ngồi đó chơi… kìa kìa bác gái bây lên rồi kìa…
Bà Hai Thanh: Ông xuống ăn luôn nè cho nóng, bánh canh thím Tư bên nhà nấu thì khỏi phải chê rồi đúng không Lan con… nè con ăn với bác luôn nghe…
Lan: Dạ, được rồi bác, con ngồi chơi được rồi…
Bà Hai Thanh: Nhân, sao con còn đứng đó, cùng ngồi xuống ăn với em Lan luôn nè… mà má cũng có chút chuyện muốn nói nữa… nè nè ngồi xuống đi con… ờ ngồi đây gần em Lan con nè…
Nhân: Dạ, con định ra ngoài bến đò có chút chuyện riêng rồi má…
Ông Hai Thanh: Thì nán lại chút coi má bây định nói gì hả đi, mà ở ngoài đó có cái gì vui mà đêm nào ba cũng thấy con ra ngoài đó hết vậy Nhân?
Bà Hai Thanh: Thôi… thôi hổng đi đâu hết, con ngồi xuống đây ăn hết chén bánh canh này rồi đi đâu thì đi…
Nhân: Dạ, thưa má… rồi con ăn đây…
Bà Hai Thanh: Nhân, Lan…
Nhân + Lan: Dạ…
Lối:
Bà Hai Thanh: Các con ơi quê hương mình nơi đồng bằng sông nước
Đã bao đời tổ tiên luôn bám đất giữ sông
Quý thương nhau là ở chỗ tấm lòng
Tối lửa tắt đèn… xớt chia từng nắm gạo.
Vọng Cổ (Câu 1):
Bà Hai Thanh: Chớ đâu phải như mấy năm qua các cô gái quê mình cứ ùa nhau đi lấy chồng ngoại quốc. Để mong được giàu sang đổi đời nhanh chóng, rồi đánh cược vận mệnh bằng chuyến phiêu lưu trôi dạt nơi tứ xứ… quê… người…
Biết được mấy ai rạng rỡ tươi cười…
Hay như ca dao xưa ngân lên đầy day dứt,
Khi trót dại khờ nhắm mắt đưa chân:
“Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.
Thân phận đàn bà lắm nỗi truân chuyên,
Bến đục trong chịu muôn vàn đau khổ…
Nói:
Ông Hai Thanh: Má của con nói đúng đó Nhân, cái xã mình mấy đời nay có bao giờ chết đói đâu mà cứ ùn ùn đi lấy chồng ngoại quốc để mong đổi đời chứ… cái nhà, chiếc xe có đổi được nỗi nhớ thương con mình không… vậy mà… ừa, ba nghe đâu con Linh con gái của chú Sáu Nhỏ bây kìa, đã ba năm làm dâu nơi xứ người mà có được lần nào về thăm quê đâu… thiệt là tội nghiệp cho con nhỏ quá, cũng vì ham bên đó giàu sang mà…
Vọng Cổ (Câu 6):
Nhân: Ba ơi Linh đâu ham gì vật chất gấm nhung, mà tại bởi… do chú thím Sáu bên nhà ép uổng.
Ngày vu quy em cố gượng cười sung sướng,
Mà nỗi đau tột cùng giằng xé tâm can.
Ai cũng nghĩ rằng qua bên đó được giàu sang,
Nên nhờ mối mai gả con mình như… như là rao bán.
Mà con thấy… từ làng trên xóm dưới,
Nay còn được mấy ai chịu gả cưới quê nhà.
Nói:
Bà Hai Thanh: Lan con…
Lan: Dạ thưa Bác…
Bà Hai Thanh: Ở cái xã mình mấy năm nay con thấy đó, nào là nhà chú Sáu, cô Ba, dì Năm hay tuốt ở dưới xóm dưới… nhà nhà, người người ùn ùn nhau gả con ngoại quốc, vui hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy cảnh cha mẹ nhớ con ngồi rầu rĩ, rồi khóc lóc, khi điện thoại qua bên ấy thì mới tá hỏa ra là con mình có khác nào người ăn kẻ ở cho người ta đâu, thiệt càng nghĩ bác càng giận các bậc làm cha làm mẹ vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi hạnh phúc cả đời của con cái mình… Lan nè, chuyện học hành của con đến đâu rồi, hôm trước hai bác có qua nhà con chơi, cũng có ngồi nói chuyện với chú thím Tư một lát, nghe đâu… bộ… có phải là… con cũng…. muốn…
Lan: Dạ thưa Bác… con đâu có muốn đâu Bác… tại… tại… cha con cứ ép khuyên hoài… con buồn nhiều lắm Bác ơi! Con chỉ muốn học hành đến nơi đến chốn, xong ra trường sẽ làm kiếm tiền phụ giúp mẹ cha, vậy mà…
Bà Hai Thanh: Bác hiểu mà, chắc chú thím Tư thấy nhà người ta gả con ngoại quốc cất được cái nhà tường, cho chút đỉnh tiền bạc nên… nên nghĩ mình cũng có con gái mà lại thua sút người ta… do vậy mới nghe lời ngon tiếng ngọt của mấy bà mối mai rồi ép khuyên con thôi… thôi cứ để từ từ rồi hai bác nhỏ to với chú thím bên nhà, con cố gắng học hành cho thật tốt đi, vậy nhe con… đừng buồn nữa…
Lan: Dạ, con cảm ơn Bác nhiều lắm, nhờ Bác nói giùm với cha mẹ con nhe Bác… vì năm nay con cũng sắp ra trường rồi, sắp thi tốt nghiệp mà đầu óc con chẳng thể nào tập trung được hết Bác ơi…
Ông Hai Thanh: Còn con thì sao hả Nhân, ba thấy con Lan nó nói đúng đó, mình sinh ra trên mảnh đất này, dù nghèo khó thế nào thì cũng phải bám đất, giữ sông góp sức dựng xây quê hương nhà mà tổ tiên ông bà khổ cực khai hoang để lại…
Bà Hai Thanh: Tôi cũng nghĩ vậy, hai đứa ra trường về huyện nhà làm đi cho gần, lại thuận tiện tới lui và… Lan nè, nếu con không chê nhà bác nghèo và chê thằng Nhân cái bản tính nó khó khăn, quê mùa, cụt mịch… thì…
Vọng Cổ (Câu 5):
Bà Hai Thanh: Thì hai bác muốn con với thằng Nhân được nên nghĩa… châu… trần…
Dù cuộc sống gian lao vất vả thanh bần…
Còn chuyện chú thím Tư để hai bác tâm tình to nhỏ,
Chắc trước sau gì cũng thuận ý chiều con.
Chớ gả xứ người cách sóng nước đại dương,
Biết đến bao giờ lục bình mới quay trở lại.
Con thấy sao Nhân? Lan nó là phận gái,
Biết rủi hay may khi xa xứ theo chồng…
Nói:
Nhân: Dạ, con cũng biết vậy, nhưng mà con…
Lý Con Sáo:
Nhân: Trong tim con mãi nặng tình phương xa
Dù biết rằng người ta
Nỡ đang tâm phụ bỏ theo chồng
Nhưng con tin Linh một dạ chung tình…
Lan: Họ đã đi rồi ngàn năm cách xa
Anh đợi ai thêm đớn đau người ta
Ôi cuộc đời sao chát chua đắng cay
Bước chông gai chẳng biết được ngày mai…
Lối:
Ông Hai Thanh: Ba thấy con Lan nó là đứa hiền ngoan hiếu thảo
Lại chịu khó học hành đến chốn đến nơi
Nếu hai đứa thương thì để ba má qua bên ấy giáp lời
Nếu được thì… thì khi nào ra trường sẽ làm đám cưới…
Nói:
Ông Hai Thanh: Các con hãy lo tương lai, hạnh phúc của mình trước đi, đừng lo trả hiếu gì cho ba má hết…
Lưu Thủy Hành Vân:
Ông Hai Thanh: Bao khó nhọc đời ba đâu trách than
Lòng ước mong con rỡ ràng
Tương lai tươi sáng công danh một đời vinh quang
Cùng bên nhau dựng xây gia đình.
Vọng Cổ (Câu 2):
Ông Hai Thanh: Có cha mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc, được phú quý cao sang lắm bạc nhiều tiền…
Nhưng không phải đánh đổi bằng sự khổ đau tủi nhục ưu phiền…
Các con chắc có nghe đài, báo chí nói,
Cô dâu Việt nơi xứ người chịu lắm nỗi đau thương.
Sống kiếp đời nô lệ cô đơn,
Nỗi nhớ quê thêm giày vò thân xác.
Tệ hại hơn là trả giá bằng cái chết,
Phút sau cùng lời trăng trối chẳng thành câu…
Nói:
Ông Hai Thanh: Điều đó làm cho ba thấy xót xa và… và cảm thấy nhục lắm các con à… Lan con, bác mong là con với thằng Nhân được nên duyên chồng vợ… Nhân con thấy thế nào?
Nhân: Dạ, thưa ba má chuyện đó… thôi cứ để hai đứa chúng con tính sau nhe ba má, giờ chúng con chỉ lo việc học của mình thôi…
Bà Hai Thanh: Ờ, thôi như vậy cũng được… ờ… ờ… hồi chiều hổng phải ông nói với tui là ông qua nhà anh Bảy đánh cờ sao, sao giờ còn ngồi đó chưa đi nữa?
Ông Hai Thanh: Bà này lạ thiệt hà, tui có nói hồi nào đâu… ờ… ờ mà sao tui nói mà tui hổng biết vậy cà… à… nhớ rồi, nhớ rồi…
Bà Hai Thanh: Thì đó… tại ông già rồi riết đâm ra lẩm cẩm nên quên trước quên sau hết trơn, giờ đi được chưa…
Ông Hai Thanh: Ừ đi thì đi chớ sợ thằng Tây nào mà hổng dám chứ… đi bà…
Bà Hai Thanh: Ủa bộ tui cũng có nói là tui qua bển nữa sao cà… ờ… nhưng đi thì đi chớ sợ thằng Tào nào… Lan ở nhà chơi nghe con, hai bác qua bên nhà Bác Bảy một lát, bác trai bây ghiền đánh cờ lắm rồi…
Lan: Dạ…
Anh Nhân… anh Nhân ơi…
Nhân: Gì em…
Lối:
Lan: Em vẫn biết mình chỉ là cánh hoa dại
Giữa muôn ngàn hương sắc vạn mùi thơm
Sẽ héo tàn khi chưa đến độ hoàng hôn
Thì bướm ong chỉ bay vờn hờ hững…
Vọng Cổ (Câu 1):
Lan: Bởi thế cho nên em cố nén lòng chịu đựng, yêu lặng lẽ đơn phương bóng hình ai tha thiết mà chẳng dám thốt ra lời son sắt… chung… tình…
Để đêm đêm ngồi buồn khóc một mình…
Em ước được làm người tình phụ bạc,
Để ai tháng ngày nhung nhớ mòn trông.
Rồi một mai lỡ xa xứ theo chồng,
Anh có đớn đau sầu thương lên khóe mắt.
Em sẽ giữ gìn trọn vẹn mối tình chung,
Cũng giống như ai đã vì ai mà đau khổ…
Vọng Cổ (Câu 2):
Nhân: Bao đớn đau tháng năm dài anh ôm lấy, bởi kẻ ra đi mang nỗi khổ trong lòng…
Vẫn thầm mong ai hạnh phúc bên chồng…
Lan là cô gái hiền ngoan học giỏi,
Anh có xứng đáng gì để em mộng em mơ.
Vả lại chú bên nhà cũng lạnh nhạt thờ ơ,
Nói “thằng Nhân nó nhà quê nghèo túng”,
Hiện anh chỉ tập trung lo học hành, làm lụng,
Phụ giúp cha mẹ già bớt nặng gánh âu lo.
Nói:
Lan: Tại cha em chưa hiểu hết về anh nên cha mới nói vậy, chứ ai mà hổng biết xứ này anh Nhân là người con hiếu thảo luôn phụ giúp mẹ cha, lại thêm tính cần cù, siêng năng học giỏi…
Nhân: Trời, tại em nói vậy để an ủi anh thôi, chứ cái tính của anh nó nhà quê muốn chết, lại ăn nói… khó nghe nữa…
Lan: Thiệt khó nghe hôn, chứ người ta lúc nào cũng thích nghe giọng nói của người ta hết đó…
Lý Cái Mơn:
Lan: Từng lời ai làm ai xao xuyến
Trên bến sông quê đêm về hát câu xàng xê
Nói đi anh lời chan chứa yêu thương ngọt ngào.
Nhân: Chờ năm sau hạ về nhé em
Khi tiếng ve động ngoài sân
Màu phượng hồng áo ai sẽ mặc ngày vui.
Nói:
Lan: Dạ, em vui lắm… em sẽ chờ mong sớm đến ngày ấy, ngày quan trọng nhất trong cuộc đời người con gái… nhưng… nhưng em sợ giấc mơ kia liệu có trở thành sự thật không anh… khi cha em cứ một mực bắt buộc em phải… anh Nhân ơi…
Nhân: Em đừng lo lắng quá, hãy tập trung học hành cho tốt trước đi, khi tốt nghiệp xong, mình xin về huyện nhà làm, lúc ấy chắc chú thím cũng chiều lòng con cái thôi… em đừng khóc nữa…
Lan: Anh Nhân…
Nhân: Được rồi, được rồi… à chết, trễ rồi… để anh đưa em về, chắc chú thím trông nảy giờ … thôi về em…
Lan: Dạ…
CẢNH BA:
* Ông bà Tư Sang đang trong ngôi nhà lá, ngồi chờ Lan về:
Nói:
Ông Tư Sang: Đó bà thấy đó, đây qua nhà của anh Hai Thanh có bao xa đâu mà nó đi tới giờ này chưa thấy về, đúng là con với cái mà…
Bà Tư Sang: Thì qua bên đó chắc anh chị hai cũng có chút chuyện, nên nó mới nán lại chơi chút xíu mà ông cứ cằn nhằn hoài, thiệt là… kia kìa, con Lan nó về rồi kia kìa…
Lan: Dạ, thưa cha mẹ con mới về…
Nhân: Dạ thưa chú thím Tư con mới qua…
Bà Tư Sang: Ờ, Nhân ngồi chơi đi con, để thím lấy nước cho con uống…
Nhân: Dạ, khỏi thím Tư ơi, con đưa Lan về rồi con về liền à thím…
Ông Tư Sang: Thì bây cứ ngồi chơi chút về không được à… bộ chê nhà chú thím mái tranh vách lá sụp xệ hả… đợi đi mai mốt tao cất nhà lầu luôn cho coi, cao và to hơn cả nhà ông bảy Tấn xóm dưới luôn cho thiên hạ thấy…
Bà Tư Sang: Ông nói chuyện gì kỳ cục hà, thằng Nhân chứ bộ ai xa lạ đâu mà ông nói như vậy, xưa đến giờ nó với con Lan nhà mình là chỗ bạn thân, lại học chung đến giờ, tính tình nó như thế nào ông biết rõ rồi mà còn móc khóe chi vậy…
Nhân: Dạ, con không nghĩ gì đâu thưa chú thím, con xin phép về đây… chào Lan anh về nhe em…
Lan: Ba nói anh Nhân giận ảnh về rồi kìa…
Ông Tư Sang: Ê, tao nói vậy không đúng sao… cả cái xã này nhà nào có con gái là họ đều giàu hết rồi, chỉ còn mỗi một cái nhà này là còn nghèo rớt mồng tơi thôi hà, hai mẹ con thấy sáng mắt lên chưa…
Lý Cái Mơn:
Ông Tư Sang: Nhà người ta giàu sang trông thấy
Lộng lẫy xa hoa cửa nhà kín cổng tường cao
Cho tiền đô… xài không hết… gửi vô ngân hàng
Còn con tôi cãi lời mẹ cha
Không giống như người ta
Lo học hành tốn thêm tiền bạc mà thôi.
Nói:
Ông Tư Sang: Hai mẹ con mà khéo liệu hồn với tui đó… còn bà nữa tối ngày chiều nó riết rồi nó cãi lại lời tui luôn rồi đó… bà thấy sáng mắt lên chưa… đúng là mẹ nào con nấy mà… con hư tại mẹ…
Phụng Hoàng:
Lan: Cha ơi!
Con với mẹ nào có tội tình… chi.
Khi cuộc sống hàn vi khốn khó.
Mẹ luôn tảo tần hôm sớm.
Cho con học hành, đêm ngày trằn trọc âu lo.
Sang giàu mặc kệ người ta, cha nói ra chi để mẹ thêm buồn.
Nói:
Ông Tư Sang: Mày dạy đời tao đó hả Lan…
Ca tiếp Phụng Hoàng:
Lan: Hiếu thảo con chưa đáp đền cha mẹ
Đợi đến lúc ra trường, con sẽ đi làm phụ giúp song thân.
Số phận của con, cuộc đời rủi may xin cha đừng ép lấy chồng.
Xứ lạ xa xôi đêm nuốt lệ vào lòng.
Nói:
Ông Tư Sang: Mày muốn trả hiếu cho cha mẹ thì đi lấy chồng ngoại quốc đi để giúp cha mẹ mày nở mày nở mặt với thiên hạ nghe con… chứ không phải đi làm kiếm mấy đồng bạc lương không đủ nuôi sống cái bản thân mày nữa con…
Ca tiếp Phụng Hoàng:
Lan: Hãy vì tương lai của con, và bởi mẹ chịu bao khổ nhọc.
Cha hãy cho con khờ quyết định chuyện nợ duyên.
Gian khổ khó khăn, gia đình ta cùng chia bùi xẻ ngọt.
Hạnh phúc ấm êm gần gũi cha mẹ già.
Thảo hiếu song thân đến hết cuộc đời này.
Nói:
Lan: Cha thương con hãy để cho con học hành đến nơi đến chốn nhe cha… còn một học kỳ nữa là con tốt nghiệp ra trường rồi… con sẽ xin về huyện mình làm để cận kề hôm sớm phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi xế chiều… nhe cha…
Ông Tư Sang: Bà có nghe rõ chưa, cho nó học hành cao để bây giờ nó về nó dạy đời tôi với bà đó, đúng là con với cái mà… tao với mẹ mày không cần mày phụng dưỡng gì hết, chỉ cần mày đồng ý lấy chồng ngoại quốc đi… để hai ông bà già này nở mặt nở mày với thiên hạ là đủ hiếu thảo rồi con… tao nói rồi một là một hai là hai, không học hành gì nữa, mai ăn mặc đàng hoàng chuẩn bị có con Liễu nó dẫn đàng trai qua nhà coi mắt đó, liệu hồn với tao hà….
Lan: Cha… cha thương con mà đừng ép gả con nhe cha…
Nói Lối:
Ông Tư Sang: Lan à… tao cho mày học hành để bằng chị bằng em
Là mong muốn mày được khôn ra hiểu biết đâu là lẽ phải
Học chi cho tốn tiền… mà lương thì còm cõi
Không đủ nuôi sống bản thân mày, lấy đâu phụng dưỡng mẹ cha… hả Lan?
Vọng Cổ (Câu 1):
Ông Tư Sang: Trời ơi tao cứ tưởng nuôi mày lớn khôn mày sẽ đền ơn thảo hiếu. Nhưng khi được học cao, dầy lông đủ cánh thì mày lại trả treo không thuận ý mẹ… cha… già…
Phải chi tao trồng ruộng ớt liếp cà…
Thì hôm nay ít ra cũng tới mùa thu hoạch,
Kiếm chút bạc tiền đổi lấy cháo rau.
Còn đằng này nuôi nấng mày ăn học tốn hao,
Mày không trả hiếu mà còn cố tình chọc tức.
Lan ơi… mày hãy nhớ lại đi,
Tao cực khổ thế nào để nuôi mày khôn lớn…
Vọng Cổ (Câu 6):
Lan: Con vẫn biết gia đình mình luôn thiếu trước hụt sau, còn mẹ cha thì suốt một đời vất vả.
Nắng rát mặt da, sương ướt tim lòng lạnh giá,
Đổi hạt gạo trắng ngần nuôi lớn đời con.
Bao nỗi nhọc nhằn hôm sớm lo toan,
Mưa dột mái hiên gió lùa phên vách.
Nói:
Ông Tư Sang: Mày hiểu được như thế thì tốt, vậy sao còn không chịu nghe lời cha mẹ đi lấy chồng để trả hiếu… đi con…
Ca tiếp Vọng Cổ (Câu 6):
Lan: Dạ, hiếu thảo song thân có rất nhiều phương cách,
Chứ đâu cứ phải đi ngoại quốc lấy chồng.
Buồn thương con sáo sang sông
Cách xa cha mẹ nhớ mong đêm ngày
Lệ lòng muôn giọt đắng cay
Lấy chồng xa xứ rủi may trong đời.
Nói:
Ông Tư Sang: Nói đi nói lại thì mày cũng cãi tao hổng chịu đi lấy chồng ngoại quốc chứ gì… để đó coi tao với mày ai sẽ thắng… nhe con…
Lan: Mẹ… mẹ ơi… con khổ quá mẹ ơi…
Nói:
Ông Tư Sang: Cái thằng già này mới khổ nè con… bà coi mà khuyên dạy lại nó đi, tôi không có nói nhiều nữa… liệu mà nghe lời tui nói đó… nghe chưa…
Thơ:
Bà Tư Sang: Con hãy nghe cha đi lấy chồng
Quê người xứ lạ vượt biển Đông
Bạc tiền mua nổi đời con gái
Đớn đau xé nát giữa tim lòng…
Lý Cái Mơn:
Bà Tư Sang: Rồi ngày mai về nơi phương ấy
Hạnh phúc an vui hay là đớn đau triền miên
Con gái ơi lòng xa xót mẹ đây nghẹn ngào.
Lan: Người ta đâu yêu mình thiết tha
Nơi xứ xa buồn đau
Biết bao giờ được về thăm mẹ cùng cha…
Vọng Cổ (Câu 2):
Lan: Mẹ ơi… con đâu phải sợ cuộc sống hàn vi khốn khó, mà chỉ âu lo xa cách mẹ cha già…
Hiu quạnh sớm hôm ai phụng dưỡng lúc xế chiều…
Nhà người ta ham giàu sang phú quý,
Nhưng biết con họ thế nào… có hạnh phúc ấm êm.
Con nghe đồn khắp xóm dưới làng trên,
Nhiều cô phải sống một kiếp đời nô lệ.
Nơi xứ người không được về thăm quê cũ,
Thêm cuộc sống bạo hành đau khổ bi thương.
Nói:
Lan: Nhưng họ buộc phải dối lòng nói là sống sung sướng an vui… rồi cố gắng tích cốp bạc tiền mồ hôi gửi về quê hương cho cha mẹ… Rồi tháng năm héo mòn tiều tụy, sống mà có khác nào như chết một nửa tuổi thời xuân đâu hả mẹ.
Trường Tương Tư (Lớp Chót):
Bà Tư Sang: Lan, con ơi mẹ thừa hiểu tánh của cha… con, lời không thay đổi.
Đã nói sẽ làm, quyết một một hai hai.
Mẹ sống với cha, một đời gian khó.
Thiếu hụt trăm bề, nhưng hạnh phúc yêu thương.
Nay bắt buộc đứa con (--)
Phải xa xứ theo chồng (+), dang dở chuyện công danh.
Lòng bỗng (--) thấy nghẹn ngào (--)
Lan: Con để mẹ buồn, ngày tháng khổ tâm.
Cha lại lắm điều chua cay (--)
Con thấy nhói đau, hờn tủi ở trong lòng.
Nói:
Bà Tư Sang: Đừng khóc nữa con, đi vô ngủ đi, có gì mẹ nói với cha con coi thế nào, tánh ổng là vậy không ai khuyên được hết, nhưng từ từ cha con sẽ hiểu thôi…
Lan: Dạ, mẹ ngủ trước đi, con còn xem lại bài vở, cũng sắp thi tốt nghiệp rồi đó mẹ…
Bà Tư Sang: Ờ, con tranh thủ ngủ sớm đó, đừng thức khuya quá không tốt nhe con…
CẢNH BỐN:
* Nhân chạy hớt ha hớt hải qua nhà ông bà sáu Nhỏ, trên tay cầm một lá thư gọi to:
Nói:
Nhân: Chú thím Sáu ơi… chú thím Sáu… có ở nhà không… có thư của em Linh gửi về nè chú thím ơi…
Bà Sáu Nhỏ: Ơ kìa… Nhân… con nói cái gì, có thư của con Linh gửi hả… ông ơi… ông, có thư của con Linh nó gửi đây nè, lên đây, lên đây mau lên… Nhân… Nhân con ngồi đi… con đọc cho chú thím nghe đi con…
Nhân: Dạ, để con đọc liền đây…
Ông Sáu Nhỏ: Ờ đọc lẹ lên đi con… coi nó nói gì trong thư vậy…
Bà Sáu Nhỏ: Ông này… thì để từ từ nó đọc…
Ông Sáu Nhỏ: Thôi đưa đây chú đọc cho Nhân… chú có đeo kiếng nhìn thấy rõ lắm… để tui đọc bà nghe nhe…
Bà Sáu Nhỏ: Ông đọc nhanh coi…
Phụng Hoàng:
Linh (thư): Cha mẹ ơi! Đây là những dòng thư sau cuối.
1. Nơi xứ người con viết gửi quê… hương.
(-) Tuôn tràn (-) muôn thương nhớ.
2. (-) Lạnh lẽo cô đơn khát thèm hơi ấm (-)
(-) Của cha mẹ già (-) tình tha thiết bao la.
3. (-) (-) (-) Giờ đất khách phương xa
(-) Dòng chữ mờ phai, tay rẩy run nét mực luốc lem màu.
4. (-) Lòng mong muốn song thân hiểu giùm con bất hiếu (-)
(-) Vì quá ngây khờ (-) phút nông nổi quyên sinh.
Nói:
Ông Tư Thanh: Trời ơi… con gái của tôi… Linh con ơi… con…
Bà Tư Thanh: Con tôi tự tử hả ông… phải vậy không ông…
Nhân: Linh em ơi, tại sao em lại dại dột như vậy hở em…
Ca tiếp Phụng Hoàng:
Linh (thư): 5. (-) (-) (-) Nhưng cha mẹ hiền ơi.
(-) Đời lắm đau thương (-) con chịu cảnh đọa đày.
6. (-) Người ta quá nhẫn tâm, gieo cuộc sống bạo hành (-)
(-) Từng tháng ngày qua, ngập chìm trong tủi nhục.
7. Đánh đập giày vò (-) thêm khổ nhọc gian lao.
(-) Dòng nước quê hương (-) ngăn biển trời mong đợi.
8. (-) Cách trở bờ thương nơi xứ sở quê nhà (-)
Mai mốt đi xa, tro cốt con hãy mang về.
9. (-) (-) (-) Nơi năm nào
Bên người (-) cùng thề ước yêu thương.
10. (-) Xin nhắn từng lời của kẻ phụ vong (-)
(-) Mong ai đó đỡ đần (-) cha mẹ già những sớm hôm.
11. (-) (-) (-) Sông nước từng đêm
(-) Mong nhớ hôm nao, người xa xứ theo chồng.
12. (-) Để kẻ chốn tha hương, vẫn ấp ôm tình cũ (-)
Dẫu từ giã cuộc đời (-) còn muôn thuở nhớ trong tim.
Nói:
Bà Sáu Nhỏ: Trời ơi, trời ơi con gái của tôi…. Con gái của mình ông ơi, con của mình nó đã… nó đã tự tử nơi xứ người rồi ông ơi… trời ơi… con ơi…
Ông Sáu Nhỏ: Trời ơi… tôi đã giết chết con của tôi rồi… Linh con ơi… sao con lại dại dột như vậy…
Nhân: Linh ơi… Linh em ơi… sao em lại… trời ơi…
Lý Con Sáo:
Bà Sáu Nhỏ: Ơi… con ơi… sao nỡ đành bỏ mẹ ra đi
Nơi xứ người biệt ly
Mẹ nghe như ai xé nát tim lòng
Từng cơn đau cứ đến dập dồn
Nhớ mới hôm nào còn đây tiếng con
Giọng yêu thương… sớm quay về thăm
Giọt mưa buồn hay lệ tuôn bủa giăng
Đất trời ơi có hiểu chăng tình thâm.
Vọng Cổ (Câu 5):
Bà Sáu Nhỏ: Ngày tiễn đưa con theo chồng về nơi xứ lạ, lòng mẹ buồn vui nỗi niềm chia nửa khi bóng phi cơ dần khuất dạng cuối… chân… trời…
Nghẹn đắng tâm can thốt chẳng nên lời…
Chín tháng cưu mang ba năm bồng ẵm,
Thêm mười mấy năm trường kề cận sớm hôm.
Đang tuổi học hành mẹ lại ép gả con,
Bởi ham phú quý giàu sang kim tiền vật chất.
Ngỡ con mình sẽ được êm đềm hạnh phúc,
Nhưng có ngờ đâu lại giông tố tơi bời…
Vọng Cổ (Câu 2):
Ông Sáu Nhỏ: Linh ơi sao con lại dại khờ nông nổi, để mẹ cha ôm nỗi đau thương quằn quại khôn cùng…
Chắc hồn con đang tìm nẻo quay về…
Con khấn vái trời cao mong người tha thứ tội,
Xin hãy giúp giùm nơi xứ lạ con tôi.
Đưa nó về nơi bến nước sông quê,
Bên mái nhà ngập đầy tình thâm máu thịt.
Cha sẽ mang vẹn nguyên hình hài tro cốt,
Để con được hòa mình nơi cắt rốn chôn nhau.
Đoản Khúc Lam Giang:
Nhân: Lòng bùi ngùi đau thương
Nơi xứ xa
Hay chăng người xưa nhớ em!
Còn đây
Tiếng yêu hôm nào
Bên tai ngào ngọt
Chung tình tha thiết…
Linh: Tình mình giờ phai phôi
Thôi nhớ chi
Thêm đau lòng anh ơi!
Phương trời
Cách ngăn bao ngày xa
Nước trông trăng chờ
Đêm tàn
Xóa tan từ đây…
Nhân: Tình mình ngàn năm sau
Muôn thuở chẳng hề phai
Lấp lánh
Ánh trăng ngà
Tràn đầy trên sông
Thương nhớ mênh mông
Hình bóng ấy hoài trông…
Linh: Thôi chớ chờ
Người không trở về
Sao cứ buồn
Tình xưa vỡ rồi…
Nhân: Dẫu biết em xa
Đến muôn đời
Lòng luôn son sắt yêu thương
Tóc thề tha thướt
Dấu môi thơm ngọt
Tiếng lời còn đây
Ấp ôm trong lòng
Đêm ngày chờ mong
Tình xưa chứa chan.
Nói:
Nhân: Linh ơi… Linh ơi… em đâu rồi, xin em đừng đi mà… hãy trở về nơi bến hẹn ngày xưa nha em… anh sẽ mãi chờ em trở về mà… Linh… Linh ơi…
Trăng Thu Dạ Khúc:
Nhân: Chắc (-) em đang lạnh lùng cô đơn nơi xứ xa (-)
Dõi trông quê nhà (-) mong đợi cha mẹ già (-)
Chờ ai nơi bến nước sông quê (-)
Gió đưa lay động tiếng thề ngày xưa sắt son (-)
Dòng sông ơi (-) em nay đã xa rồi (-)
Sẽ không trở lại cho lòng ta muôn đớn đau.
Lối:
Nhân: Ngày vu quy dẫu em cười vui rạng rỡ
Nhưng trong lòng chắc nghèn nghẹn đớn đau
Vì hiếu với mẹ cha chứ đâu tham phú quý sang giàu
Nên mới đành phụ vong quên lời ước hẹn…
Vọng Cổ (Câu 1):
Nhân: Để cho suốt đời người xưa không thôi ngồi đây ngống đợi, dù biết rằng em muôn thuở chẳng… quay… về…
Ngày đợi đêm trông mà tiếng hát cũng não nề…
Mai em về đừng đi xa nữa nhé,
Cho bến sông chờ thôi nức nở nhớ thương.
Gió quê nhà còn cất giữ mùi hương,
Của tóc em bay một chiều năm cũ.
Ai khiến xui cho ai lấy chồng xa xứ,
Để suốt cuộc đời cành hoa xuân héo rũ…
Ông Sáu Nhỏ: Tại chú thím tham giàu sang bạc tiền vật chất mà… mà để cho con Linh nó thành ra nông nổi như thế này đây… Linh con ơi… cha hối hận vô cùng con ơi… vậy mà cha nào biết được…
Hoài Cầu:
Ông Sáu Nhỏ: (1) Nơi xứ lạ ngày đêm con khổ tâm
Lòng xót xa bẽ bàng
Đi xa, luôn nhớ quê hương bên bờ sông thương
Con gái nay xa cha mẹ muôn đời.
(2) Xưa ép buộc giờ đây cha đớn đau
Nghèo khó hay sang giàu
Bên nhau, rau cháo nhưng vui gia đình yêu thương
Mong tháng năm xưa được quay về.
* Mọi người hay tin Linh mất nơi xứ người nên kéo đến nhà ông Sáu Nhỏ để thăm hỏi, chia buồn:
Nói:
Ông Tư Sang: Anh chị sáu, tôi nghe nói con Linh nó… nó bị làm sao vậy anh chị…
Bà Sáu Nhỏ: Chú tư ơi con Linh nó… nó tự tử chết nơi xứ người rồi chú Tư ơi…
Ông Sáu Nhỏ: Chính tôi đã giết con gái tôi rồi chú Tư ơi, biết hồi đó tôi đừng ép gả nó lấy chồng ngoại quốc thì… thì con tôi đâu có chết tức tưởi như vậy…
Tại tôi ham tiền mà… tôi thấy mình khốn nạn quá chú tư ơi, làm cha làm mẹ mà để con mình như vậy… tôi đau quá, hối hận quá…
Ông Tư Sang: Sao nghe anh chị nói nó sống hạnh phúc lắm mà, còn nói là nó gửi tiền về đều đều mỗi tháng nữa mà, sao lại…
Bà Sáu Nhỏ: Tại vợ chồng tôi muốn nở mày nở mặt với xóm giềng nên mới nói vậy thôi, chứ gần ba năm nay nó có gửi gì đâu chú, mỗi lần điện cho tui là nó khóc không hà, tui nghĩ nó buồn giận chồng con hết rồi thôi, ai dè…
Bà Tư Sang: Chị Sáu đừng quá xúc động, ảnh hưởng đến bệnh tình của chị đó, mọi chuyện hậu sự hãy để xóm giềng phụ giúp lo để sớm đưa cháu về nhe chị…
Bà Sáu Nhỏ: Vợ chồng tui cảm ơn mọi người nhiều lắm, ráng lo giúp đưa cháu sớm về nha thím…
Ông Hai Thanh: Nhân con… con liên hệ xem giúp làm tất cả các thủ tục giấy tờ cho chú thím Sáu nghe con…
Nhân: Dạ, để con đi liền nè ba…
Lan: Anh Nhân… em đi với anh…
Nhân: Vậy cũng được… mình đi lẹ đi em… dạ tụi con đi…
Bà Hai Thanh: Ông coi khuyên chú Sáu bình tĩnh nghe ông… thím Sáu thím phải giữ gìn sức khỏe nhe thím…
Bà Sáu Nhỏ: Dạ, cảm ơn chị Tư… chỉ có tình nghĩa xóm làng là quý nhất, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau… ước gì ngày xưa tui hiểu ra điều đó…
Ông Tư Sang: Bà nói với con Liễu là tui không có gả con Lan cho thằng nào bên Tây bên tào hết, để cho con học hành đến nơi đến chốn nghe bà…
Bà Tư Sang: Hồi sáng này nghe đâu con Liễu nó bị công an xã mời lên làm việc cũng cái vụ mai mối lấy chồng nước ngoài đó ông… còn con Lan tháng sau cũng bước vào thi tốt nghiệp rồi… để tôi lo con cái cho… ông yên tâm đi.
Ông Tư Sang: Thôi anh chị Sáu nằm xuống nghỉ chút đi, chuyện cũng xảy ra rồi, anh chị bình tĩnh để lo hậu sự của cháu nữa… tui xin phép về trước có chút chuyện nhà… chào anh chị…
* Tiếng vọng lại từ đâu nghe não nuột:
Ngâm:
Linh: “Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 5 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---