Tiểu phẩm hài: Bệnh “Sợ Tốn Tiền”
Đặng Thanh Huyền
* NỘI DUNG TIỂU PHẨM:
Ông Tư và ông Sáu là đôi bạn chí thân từ nhỏ, nhà lại sát vách nhau, cho nên hễ có tiệc tùng hay hữu sự gì thì cả hai ông đều cùng nhau đi trên một chiếc xe máy cà tàng “đi đến nơi, về đến chốn”. Ở trong xóm nhỏ này mọi người thường gọi ông Tư với cái biệt danh hài hước là ông Tư “vọng cổ”, còn ông Sáu là ông Sáu “nhà thơ”, lý do đơn giản là vì ông Tư thì mê vọng cổ, còn ông Sáu lại thích làm thơ. Do đó, mỗi lần hai ông mà tranh luận một vấn đề gì thì cả hai đều “móc món nghề sở trường” ra mà “đấu đá” quyết liệt qua lại với nhau không ai chịu thua ai, luôn “xuất khẩu thành thơ, vọng cổ”.
Một hôm sau khi dự đám cưới của một người quen ở trên tỉnh về, ông Tư lại cầm lái xe máy chở ông Sáu (cả hai đều đã uống rượu ngà ngà say), mới đi ra được một đoạn ngắn, đến trước bệnh viện đa khoa tỉnh thì xe của hai ông tự ngã té trên đường, xe văng sát vô cổng rào của bệnh viện; ông Tư thì may mắn chỉ xay xát nhẹ, còn ông Sáu thì bị “lổ đầu, mẻ trán, máu chảy lênh láng”. Hai ông tự đứng dậy và sau một hồi tranh luận “không khoan nhượng” về lĩnh vực cấp cứu, thanh toán tiền bảo hiểm y tế (ông Sáu cho rằng cấp cứu trái tuyến sẽ… tốn tiền, nên kêu ông Tư chở về tuyến huyện – nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để chữa trị vết thương). Cuối cùng thì ông Tư vẫn đồng ý tiếp tục chở ông Sáu về đúng nơi khám chữa bệnh ban đầu đã đăng ký là Bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
Tại phòng trực cấp cứu, họ đã gặp y tá Duyên, thường gọi là Duyên “phây” do suốt ngày chơi facbook mọi lúc mọi nơi. Một lúc sau thì Hiếu (con trai của ông Sáu) sau khi nhận được tin ông Sáu điện thoại về, liền chạy hớt hơ hớt hãi vào thăm cha của mình. Tại đây, giữa bốn con người nêu trên đã bộc lộ tất cả “bản chất” của chính bản thân mình rất đời thường, dí dỏm, mà thâm thúy, chua cay. Cuối cùng bác sĩ Phúc vào thăm khám cho ông Tư và giải quyết được những thắc mắc của mọi người về khám chữa bệnh trái tuyến theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế mới sửa bổ sung năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
___________________________________________________________________
CẢNH 1: Ông Tư chở ông Sáu bằng xe máy đang chạy bon bon trên đường quốc lộ….
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ (vừa hút gió vừa ngâm):
Ngâm thơ. Xe bon bon lướt nhè nhẹ trên đường
Gió vi vu cho lòng ta mát dịu…
(…thì bất chợt…. ầm… ầm… rổn… rổn...)
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ lên Câu 1. Trời ơi bởi sa cơ trên tuyến đường quốc lộ, mà xe của tui giờ đây đã ngã đổ ở ven… lề…
Ui da… anh Sáu ơi! Chắc cũng tại bởi cái “ổ gà”…
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói thơ. Tại anh uống rượu say ngà
Lái xe kiểu đó vào nhà thương… chơi
Thôi rồi mèn đéc phẹc ơi
Máu tui lênh láng đổ rơi bên đường…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ tiếp Câu 1. Đây sẵn nhà thương xin mời anh vô an dưỡng,
Ấy chết tui bị nhầm… ý tui là… anh hãy vào mà cấp cứu nhanh lên. (SL)
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói thơ. Tui già… nhưng hổng có quên
Đa khoa cấp tỉnh tuyến trên… tốn tiền
Ai thanh bảo hiểm tui liền?
Thì tui về đó… anh… chớ có… huyên thuyên nữa làm gì…
Nói. Ui da… sao đau dữ vậy nè trời…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ dứt Câu 1. Tôi hiểu ý anh Sáu rồi, nào ta tiếp tục lên xe, bịnh viện huyện nhà cứ tha hồ mà thẳng tiến…
Nói. Hén anh Sáu hén…
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ (ra dấu với ông Tư đợi mình chút, đồng thời móc điện thoại ra điện thoại cho Hiếu - con trai của ông):
Nói thơ. Đợi tui… điện thoại cái hà
A lô… Hiếu hả? Vào nhà thương ngay
Ba thời đã bị nạn tai
Đa khoa huyện nhé! Xuống ngay… Ba chờ…
NỐI TIẾP CẢNH 1, GẮN LIỀN LUÔN SANG CẢNH 2: Trong phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa huyện, y tá Duyên “phây” đang ca trực của mình, nhưng mắt thì như dán vào màn hình điện thoại di động để chơi facbook, bỗng có tiếng nói chuyện và gõ cửa lốc cốc, lốc cốc bên ngoài…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ Câu 5. Xin cho Qua được hỏi ở bên trong phòng cấp cứu. Có bác sĩ nào không hãy rộng lòng cứu giúp anh Sáu nhà thơ đang kiệt sức hơi… tàn…
* DUYÊN “phây” (nói giọng đỏng đảnh): Cứ đẩy vào đi… hổng có khóa…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ tiếp Câu 5. Ôi thiệt là may… có một đóa hoa xinh xắn đây rồi…
Nói. Bác sĩ ơi bác sĩ, bác sĩ cứu giúp giùm bạn tui đi bác sĩ ơi, máu ướt áo hết trơn rồi kìa bác sĩ, lênh láng luôn… ôi thôi đau lòng quá đi… ông bạn già của tôi ơi… hãy cố lên anh Sáu nhé!
* DUYÊN “phây” (nói một cách bực dọc, gọn lũm): Nói hết chưa… tui y tá chứ hổng phải bác sĩ hiểu chưa….
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Nói (giọng vội vã lấp vấp). Dạ em… ý lộn… dạ tui đã nói hết trơn rồi đó bác sĩ… ủa quên… cô y tá… dạ… dạ tui cũng hiểu luôn ý của cô rồi cô y tá dễ thương kia ơi… ơi!
* DUYÊN “phây”:
Nói (một cách chế giễu). Sao hổng nói nữa đi… đàn ông gì mà như bà tám không bằng…
(….sau đó Duyên đánh mắt sang ông Sáu nhà thơ…):
Nói (một cách thiếu trách nhiệm, hỏi chỏng). Rồi làm sao? bị gì? chỗ nào? lâu chưa? có cấp cứu đâu hông? đứng dậy… à mà không… nằm xuống đi… nhanh lên coi…
Nói (lẩm bẩm). Bộ tai của ông này có vấn đề hay sao mà tui nói lớn cỡ đó mà ổng chả có phản ứng gì hết trơn hết trọi vậy trời???
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói thơ. Thưa cô, cô hỏi người nào?
Ông đang mạnh khỏe, hay… ông… đau bịnh này?
* DUYÊN “phây”:
(bị liệu theo ông Sáu, giọng vừa bất ngờ vừa khi dễ, gắt gỏng).
Nói. Ái chà chà… bày đặc làm thơ với thẩn nữa he…
Nói thơ. Bệnh tình thương tích không lo
Lý sa lý sự bày trò lung tung.
Nói. Trời ơi trời, tôi bị lẹo lưỡi với ông nội này luôn rồi nè trời…
(Duyên quay sang quát ông Sáu).
Nói. Ông nhìn cái gì mà nhìn dữ vậy hả… đừng nói với tôi là thấy tôi đẹp quá rồi nổi máu 35 nghe… máu đã chảy gần hết rồi kìa, giờ biết còn được 34 không nữa, mà bày dặt ở đó ham với hố…
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói thơ. Tưởng mình lạc giữa rừng xanh
Tay dài thân ngắn miệng chành Tinh Tinh
Ờ… cô… nói rất chí tình
Tôi đây nằm xuống lặng thinh rồi nè!
(bất ngờ Hiếu chạy hớt hơ hớt hãi vào phòng cấp cứu):
* HIẾU:
Nói. Kìa Ba… Bác Tư… Ba có sao không Ba… Bác Tư Ba của con thế nào rồi Bác Tư… bác sĩ Ba tôi có bị nặng lắm không bác sĩ… mong bác sĩ tận tình giúp đỡ, bao nhiêu tiền gia đình tôi cũng chạy lo được hết đó bác sĩ, miễn sao Ba tôi qua khỏi là tôi đội ơn bác sĩ nhiều lắm…. đó nhe bác sĩ… nhe bác sĩ…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ Câu 1. Hiếu ơi chắc mày có bà con họ hàng gì với cô nàng y tá. Nên cứ tía lia bồ lô bô lá nói cho nó đã miệng phải không… nè…
* DUYÊN “phây” (nhìn Hiếu đay nghiến):
Nói. Đó gióng cái tai lên mà nghe ổng “hót” kia kìa…
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ tiếp Câu 1. Anh Sáu ơi… bộ… bộ anh cũng có con rơi rớt nữa à…
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói thơ. Ngày xưa tuy thiếu bạc tiền
Nhưng tình thừa thãi… nợ duyên thì đầy…
Nói. Nhé anh Tư…
* HIẾU (cuối đầu, lí nhí):
Nói. Trời, không ngờ Ba của mình “mạnh dữ”…
(…có tiếng chân của bác sĩ Phúc đi vội vào phòng xem tình trạng chấn thương của ông Sáu)
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ - HIẾU - DUYÊN “phây”:
Dạ, xin chào bác sĩ…
(…sau khi thăm khám lâm sàng cho ông Sáu xong, bác sĩ Phúc liền quay sang Duyên)
* BÁC SĨ PHÚC:
Nói. Cô Duyên nè, làm thủ tục cho bệnh nhân chụp “ci ti” gấp nhe!
* DUYÊN “phây”:
Nói (một cách rụt rè, sợ sệt). Dạ, thưa bác sĩ em đi liền đây ạ!
(…bác sĩ Phúc quay sang ông Tư và Hiếu)
* BÁC SĨ PHÚC (giọng điềm đạm):
Nói. Chắc anh và cháu đây là người nhà của bệnh nhân hả, bệnh nhân bị tai nạn lâu chưa sao đến giờ này mới chuyển vô cấp cứu vậy?
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ:
Ca cổ Câu 5. Bác sĩ ơi, anh Sáu nhà thơ bị té xe sát bên cổng rào đa khoa tỉnh. Nhưng do một thoáng chần chừ suy tính, ảnh kêu tôi chạy về đây vì có bảo hiểm ở nơi… này…
Sợ cấp cứu trên kia trái tuyến… sẽ bị tốn tiền…
* HIẾU:
Nói lí nhí. Trời ơi… đúng thiệt là trùm sò mà…
Nói với bác sĩ Phúc. Mà bác sĩ ơi, chắc tại do Ba của tôi nghe nói là từ ngày 01/01/2015 thì bệnh viện sẽ không chi trả tiền khám chữa bệnh vượt tuyến nên… mới…
(Bác sĩ Phúc quay sang Hiếu cười và nhẹ nhàng chia sẻ)
* BÁC SĨ PHÚC Thôi… thôi… được rồi… tôi đã hiểu ra vấn đề rồi.
Trước tiên, thì người nhà cứ yên tâm đi he, qua thăm khám lâm sàng thì tôi thấy thương tích của nạn nhân cũng không đến nỗi nào đâu.
Thứ hai, là theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành thì: Một trong những điểm mới mà người bệnh cần lưu ý là khi đi khám bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì người bệnh sẽ phải tự chi trả.
Tuy nhiên cũng theo Luật mới này, các trường hợp như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động và kể cả tự tử, tự gây thương tích cũng sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán khi đi cấp cứu ở bất cứ tuyến nào cháu nhé!
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ (quay sang Hiếu):
Nói. Ê… ê… Hiếu, bác biết bệnh của ba mày là bệnh gì rồi?
* HIẾU (bất ngờ, thắc mắc):
Nói. Ủa sao Bác Tư biết được hay vậy? Mà bệnh gì vậy Bác Tư???
* ÔNG TƯ VỌNG CỔ (ca hai nhịp cuối câu 6):
Thì là bệnh “sợ tốn tiền” chứ còn bệnh gì vào đây nữa con… ơi!
* HIẾU (gật gù, tâm đắc):
Nói. À… đúng rồi, chính xác là bệnh “sợ tốn tiền”….
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ (từ trên giường cố gượng dậy):
Nói thơ: Nó là con ruột của tui
Mà sao cứ thích “vuốt đuôi lươn” người.
* DUYÊN “phây” (đẩy xe lại bên giường ông Sáu đang nằm):
Nói thơ. Lên phây đi chụp “ci-ti”…
(Duyên bỗng dưng tự giật mình vì lỡ nói hớ rồi nói lại bằng thơ)
Nói thơ. Lên xe nhanh chụp “ci ti”
Bị thương máu chảy còn thơ… thơ… hoài…
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ
Nói thơ. Trời… trời… được nữa hả con?
Sáu tui nay bị người ta bắt giò…
(Cả nhóm cùng cười)
BÁC SĨ PHÚC:
Nói. Hai bác thiệt là vui tính. Cháu mời bác lên đây (đưa tay mời hướng về ông Sáu) lên xe Dream mình đi “ci ti” nha bác!
* ÔNG SÁU NHÀ THƠ:
Nói. Dạ… coi bộ rêm thiệt bác sĩ ơi!
HẾT
Long Xuyên, ngày 27 tháng 5 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---