CHÉN RƯỢU TƯƠNG PHÙNG
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Mười năm rồi nay mới về thăm xóm nhỏ
Đứng trước cổng làng lòng bỗng nhớ đại sư huynh
Chén rượu ngọt ngào thuở ấy tiểu đệ kính dâng,
Còn đọng mãi trên môi suốt bao năm dài xa xứ...
Vọng cổ:
Câu 01: Còn chén rượu đêm nay đệ mời ai mà sao chưa uống cạn?. Rượu nhạt quê hương bần hàn ngày đưa tiễn đâu sánh nổi chén rượu người đi nơi lửa đạn... quay...về.
Đệ hôm nay đã là một vị tướng oai hùng.
Còn ta chỉ là một ngu dân bần tiện, cuộc sống cơ hàn kẻ giễu người khinh.
Xin đừng nặng lời hờn trách nữa đại sư huynh, đệ ra đi vì còn bóng giặc ở biên thuỳ.
Uống rượu tương phùng để nhớ buổi chia ly, tấm lòng người đi luôn nặng tình người đưa tiễn...
Câu 02: Đệ mang về đây từ nơi biên cương xa thẳm, là một tri kỉ tri âm hay một vị tướng oai hùng?.
Đệ mang về đây một chén rượu tương phùng.
Không phải rượu ở biên cương hay rượu ngon của ngài vị tướng, mà hương vị nồng nàn của nghĩa đệ tình huynh.
Ta phận nghèo hèn nhưng không thể ngửa tay xin, ngài hãy uống đi để kẻ ngu dân này cung kính.
Đệ quỳ dưới chân huynh mà cạn lời giải thích, chén rượu tương phùng đệ đã đợi ngót mười năm...
Ngâm thơ:
Rượu ngon đệ uống một mình
Ta đây cung kính ngước nhìn mà thôi
Thèm sao những lúc ta ngồi
Đệ huynh dù rượu nhạt mà thấy vui...
Vọng cổ:
Câu 05: Cởi bỏ áo khoác chinh y nhung bào ta gửi lại. Để về đây làm một nghĩa đệ ... năm...nào.
Chén rượu đoàn viên hương vị quá ngọt ngào.
Huynh hãy uống đi để xoá đôi dòng mặc cảm, chén rượu hôm nào vẫn còn đọng trên môi.
Mười năm trời huynh đợi giây phút này thôi, nhớ đêm tiễn đưa đầm đìa nước mắt.
Đệ ra đi mà lòng đau như cắt, nhưng chốn biên cương bóng giặc vẫn còn...
Câu 06: Huynh cứ nghĩ rằng đệ đã lãng quên, nhưng trong tâm khảm vẫn hoài mong nhớ.
Nghĩa đệ tình huynh mãi đậm đà muôn thuở, chén rượu tương phùng ta hãy uống cạn đi.
Rượu nhạt năm nào ngào ngọt quá đệ ơi, nay Đất nước thanh bình vững yên bờ cõi.
Để đệ huynh hàn huyên tâm sự, uống cạn đêm nay chén rượu tương phùng.
Ngâm thơ:
Mười năm huynh đợi đệ về
Mười năm uống cạn não nề nhớ mong
Mười năm vẫn một tấm lòng
Mười năm tình nghĩa mãi không nhạt nhoà...
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 2008.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---