SỢ VỢ
Soạn giả Viễn Châu
Nhạc:
Buồn thay vì tôi là thân nam nhi, thân mày râu, thân mày râu
Nhưng mà không có quyền trong nhà.
Vì thương vợ tôi nên không đôi co, không rầy la, khi cùng nhau
Canh không ngon với cơm hổng lành.
Bà con gần xa họ không thương tôi, nên cười chê, cho rằng tôi
Cho rằng tôi bất tài vô phần.
Nào ai hay đâu tôi thương vợ tôi, thương cành hoa, thương đời hoa
Ai nỡ đâu thẳng tay dập vùi.
Vọng cổ:
1. Hỡi những bậc Nam tử mi tu! Hỡi các đấng trượng phu từ thanh niên râu chi u, mấy cụ già lão nhược. Hãy đứng lên chung lưng đấu cật mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa... vui… nhà.
Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu là mình thương vợ, còn họ ghét thì họ gọi là thờ bà.
Nhưng ở đời mà, hơi sức đâu bận tâm tới miệng lằn lưỡi mối, ăn no cái rồi bươi móc chuyện của người ta hoài…vậy hà!
Sách có câu: Trị quốc tề gia,
Phu phụ thuận hòa thì gia đạo mới yên.
Tơ hồng Nguyệt lão xe duyên,
Kẻ được vợ hiền còn người rinh con vợ dữ…
(4 nhịp)
2. Nói không phải khoe với anh Ba chớ tôi dám chắc: nội cái xóm Nancy này không có tay nào sợ vợ cho bằng Văn Hường này sợ vợ hết ớ!
Nhưng cái sợ của tôi là cái sợ có sách vở nè, cái sợ cao cấp, cái sợ có nghệ thuật à! Chứ đâu phải thứ sợ tay mơ, của mấy cha lục lục thường tài.
Vì hồi ban sơ mới lấy nhau tôi nhè lỡ sợ, cho nên tới ngày nay tôi tiếp tục sợ hoài.
Vậy mà bà con lối xóm họ đâu có thông cảm, họ xậm xì xậm xịt, họ nói là quí phụ nha nha.(+)
Sợ vợ như là sợ... ớ... ớ... nhưng mà anh Ba ơi! Tôi gẫm lại thì vợ mình mình cứ sợ… phải hông?
Chớ mình đâu có điên dại gì… mà mình lại sợ vợ người ta…
Nói lối:
Nhỏ cũng sợ mà già cũng sợ...
Sách có câu "Sợ vợ mới nên".
Tại tôi muốn ăn ở cho đúng sách thánh hiền,
Chớ thân bảy thước ai sợ gì phụ nữ...
Ủa?! Làm gì anh ngó tôi rồi anh cười chúm chím, làm tôi "quê" quá xá vậy anh Ba?
Hừ... chắc anh nghe tôi nói coi bộ hùng hổ quá…rồi anh nhớ lại phải hông?
Vọng cổ:
5. Anh nhớ lại mấy lần anh đến thăm tôi, anh đều thấy tôi mặt mày xưng húp, mắt bầm đen và lổ mũi… ăn… trầu.
À! đó là tại vợ tôi nó nựng tôi hơi nặng tay…nên tôi mới bể đầu.
Thì đâu có sao... chết chóc gì anh Ba! Sách có câu "Đèn nhà ai nấy sáng, thương nhau lắm mới đánh nhau đau".(+)
Lỗ đầu gẫm chẳng có sao,
Băng keo dán lại lấy dầu xức vô.
Máu ra một lát nó khô,
Chớ còn cãi lại thì…ô hô sập nhà.(+)
(4 nhịp)
6. Đó! Anh Ba thấy hông? Hứ…từ vua chúa tới thứ dân, từ khố rách áo ôm cho tới tai to mặt lớn.
Từ quê tới tỉnh, từ ruộng rẫy tới thị thiền… ai ai cũng sợ vợ ráo trơn, ráo trọi hớ!
Bởi vì cái vụ sợ vợ là cái sự dĩ nhiên mà anh Ba xấu hổ gì chuyện đó anh?
Đàn bà là "xếp" gia đình,
Nam tử tụi mình phải rắp rắp tuân theo.
Sợ nào bằng sợ vợ làm reo,
Nổi giận nó dám bỏ chèo queo một mình.(+)
Sách "Nhị Thiên Đường" có câu: Phu xướng phụ tùy, dạy cho sát nghĩa là “chồng quì vợ gọi”.
Anh Ba ơi! nên hư số hệ nơi trời,
Vợ mình mình sợ, ai cười mặc ai.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: