CHÓ MỰC KÊU OAN
Soạn giả Viễn Châu
Lối:
Một bữa nọ tại miền âm phủ
Đức Minh vương đang ngồi ngự trước điện Xum la
Gần tan buổi chầu bỗng có quỷ Dạ xoa
Dẫn vào trước án một oan hồn con chó mực
Vọng cổ
1. Diêm Vương chưa kịp mở lời han hỏi thì mực ta bỗng cất tiếng tru lên nghe du dương ai oán khôn cùng
Nó cúi đầu lạy đức Diêm Vương rồi nước mắt chảy ròng ròng, ngưu đầu mã diện đang đứng hầu thấy vậy xốc tới tính nạt nộ lấy oai, nhưng đức Diêm Vương cản lại và ôn tồn hỏi chó mực rằng nhà ngươi có điều chi oan ức cứ tự sự tỏ phân trẫm sẽ lấy lượng biển trời rồi oan ưng sẽ liệu bề phân xử.
2. Khi ấy chó mực vội vàng lau nước mắt rồi cúp đuôi ngồi xuống bên thềm, muôn tâu đức Minh Vương nỗi ức oan xin biện bạch trước điện tiền, giả chăng trong hàng lục súc dẫu chưa dám ví mình có công trận bằng anh ngựa anh trâu, nhưng cũng chưa đến nỗi ăn hại bằng anh dê anh lợn thế mà không hiểu tại sao trên trần gian thiên hạ họ nỡ lòng nào bắt tôi dồn vào bao bố rồi đem trấn nước và rủ bạn bè ăn thịt tôi cho đành tâm.
3. Diêm Vương nghe qua liền vỗ bàn hét lớn bớ con hắc cẩu kia ngươi quả là kẻ ngoa ngôn xảo ngữ dữ a trên trần thiếu chi thức ăn cao lương mỹ vị có ai lại ăn thịt chó bao giờ, chó mực liền dập đầu dưới bệ đáp rằng tâu đức Minh Vương kè hèn này tuy là là súc vật mặc lòng chứ thề với hai bên vai giáp không khi nào nói dối, Diêm Vương day qua hỏi mấy vị phán quan, nó nói vậy mà có thật không phán quan, phán quan bèn lật sổ ra coi một hồi rồi quỳ xuống tâu rằng, tâu đức Minh Vương con chó mực này nói không ngoa, trên dương thế quả thật có người ta ăn thịt chó, Diêm Vương kinh ngạc một hồi lâu rồi phán rằng, vậy chứ tự sự làm sao hắc cẩu mi cứ bình tâm phân tỏ cho quả nhân đây sau trước đặng tận tường.
Lối:
Chó mực nghe hỏi liền lim dim cặp mắt
Nó nhớ lại những hành vi độc ác của người ta
Đó rồi nó mới vội vàng quỳ xuống phân qua
Xin thánh chúa hải hà minh xét
Vọng cổ
4. Trước hết họ đốt rơm cho có lửa ngọn rồi đem tôi hơ lên và lăn qua trở lại cho đều
Đến khi da cháy vàng tươi và mỡ chảy xèo xèo, trong lúc đó thì họ lo sẵn cho đủ đồ gia vị, nào sả ớt củ hành đậu nành đậu phộng dừa khô tương tàu nấm mèo chuối cây lá cách i.. đừng có thiếu món chi hết đó nghen, thịt cầy ướp bột cà ri thì mười chai rượu công xi cũng không còn.
5, Đến như các món ăn thì họ làm đủ thứ nào xào lăn quay chảo đút lò, họ còn bảo hắc cẩu bổ tâm còn huỳnh cẩu thỉ bổ tỳ, cho đến huyết thì họ đánh tiết canh, lòng thì đem chưng hột vịt, mỡ chài thì gói lá cách, ba sườn thì ướp ngũ vị hương mỗi khi đem nướng lên thì trời ơi mùi thơm bay ngào ngạt thật không có thịt chi mà so sánh cho bằng.
6. Diêm Vương nghe xong vỗ bàn hét lớn thôi thôi thôi nhà ngươi đừng nói nữa trẫm khổ tâm lắm rồi, chó mực tâu thêm tôi còn kể cái món hầm mục măng để chan với bún nữa, Diêm Vương quát to thôi câm mi lại nội cái việc mi tả sơ sơ trẫm đã chảy nước miếng tự nãy giờ rồi, ngưu đầu mã diện đâu hãy lôi nó ra khỏi điện Xum la và đuổi nó đi cho khuất mắt nếu nó còn chàng ràng trước mặt trẫm thì trẫm sẽ bảo quỷ dạ xoa làm thịt bây giờ. Khi con chó mực bị đuổi đi nó lủi thủi một mình và gật đầu nó tự bảo thịt ta ngon lạ ngon kỳ Diêm Vương còn chịu huống chi người phàm
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: