VƯỜN TRÚC
Soạn giả Trọng Nguyễn
NÓI LỐI
K: Anh về vườn trúc sáng nay
nghe con chim sáo hát bài tình ca
Đ: Con chim sáo nó hát làm sao?
K: Con chim sao nó hát rằng:
"Trúc xinh trúc mọc bên đình
em xinh em đứng một mình cũng xinh"
Vậy mà
NHẠC
chim chuyền chim chuyền nhành ớt líu lo lo líu lo
mãng sầu mãng sầu nên nỗi ơ ơ ốm o gầy mòn
Đường về nhà em không qua đồi qua núi
Đ: Đường về nhà anh, không cách suối ngăn sông
nhưng lòng chưa thuận
K: Vì lòng chưa thuận
Đ: Nên đường gần lại xa
K: Thương em, thương em thương chiếc áo bà ba,
màu tím bông cà ôm chiếc lưng thon
Đ: còn trời còn nước còn non, em còn ở vậy
em còn ở vậy chớ anh còn tìm em
Đ: Em còn ở vậy, chớ anh còn tìm em...
VỌNG CỔ
1. K: Nói thì nói vậy chớ từ Phong Thạnh Nam qua đây
anh có nghe chim sáo nó hát gì đâu
để cho bớt sượng bớt quê, nên anh mượn câu ca dao xưa để làm đầu câu chuyện.
Mót chút văn chương nói cho nó êm tay mong xuôi chèo mát máy
vậy mà em cứ sửa lưng bẻ miệng anh ... hoài
Anh qua bên đây vay chuyện nọ mượn chuyện này
nào mua sàng, mua nia, mua rổ treo đầy cái nhà chứ có xài xiếc gì đâu
Đ: Anh không xài thì đem qua đây em mua lại, nếu tính nát rồi thì em sẽ trả gấp đôi
K: Em ơi, anh mới, anh mới, nó có nửa lời em nỡ cắt dây cho thuyền trôi xa bến đổ.
2. Đ: Em nghe nói các nha thơ thường hay chơi chữ
K: Mấy ảnh nói sao?
Đ: Cầu Kiều ai bẻ làm đôi,
nửa treo lại bến nửa trôi theo thuyền
K: Ủa, nói vậy em đã...??
Đ: Chưa à nghen, vì em còn có một lời nguyền
suốt đời mình không xa rời vườn trúc
đướng đát là nghề của nội tổ truyền tay
buôn bán hỏng có nhiều
chỉ có đồng mốt đồng hai
đã gọi là nghề nên em yêu em quý
nếu anh mua mà chằng cần xài
đem qua bên này em mua lại bằng hai....
NÓI LỐI
K: Trời ơi em ơi, anh có nói như vậy đâu mà...
Chớ con gái Phước Long hông có quen nói dối
K: Thì con trai Phong Thạnh Nam cũng nói thiệt không à,
bởi vậy cho nên, cứ để, để....
NHẠC
K: Thương em, thương em thương chiếc áo bà ba,
màu tím bông cà ôm chiếc lưng thon
Đ: Còn trời còn nước còn non, em còn ở vậy
K: em còn ở vậy chớ anh còn tìm em
em còn ở vậy, chớ anh còn tìm em...
VỌNG CỔ
5. Đ: Có chắc hông? sao em lại thấy anh cứ đi lòng vòng rồi đứng ngẩn ngơ sao hàng trúc
nói chuyện với anh thì anh nói mây nói gió
cầm cái thúng lại nói cái nia
cò kè bớt một thêm hai như thương lái không bằng..
K: Em ơi không phải như vậy đâu
anh chỉ ngại rằng
nói trắng ra sợ em cho anh không hiểu ý
nên cứ lòng vòng câu chử chẳng đặng suông
anh nói thiệt, từ lâu rồi lòng anh thành vườn trúc
khi gió chướng về thầm gọi tên em
Đ: Con trai Phong Thạnh Nam lời hay ý đẹp nhưng chưa chắc nhà anh có vườn trúc gọi em về.
6. K: Dù chưa được em ừ, nhưng lần này
qua xin trúc giống để lập vườn làm sính lễ đón nàng dâu
Đ: Ôi ngã tư chủ chí chuyến tàu chiều rời bến
sao nước cạnh đền còn ngần ngại ngã ba sông
K: Phong Thạnh Nam, Phước Long đó với đây
có xa xắt gì đâu mà em ngại
Đ: Nữa bước theo chồng, khi ngoảnh lại
thì tuổi thần tiên còn biết đâu tìm...
K: Thương em thương chiếc áo bà ba,
màu tím bông cà ôm chiếc lưng thon
còn trời còn nước còn non
em còn ở vậy chớ anh còn tìm em....
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.