CHỮ HIẾU CHỮ TÌNH (trích đoạn)
Đặng Thanh Huyền
Hiếu đang ngồi một mình trong phòng trọ (ngâm chậm):
Nửa bên tình nửa bên hiếu nặng mang
Dung ơi em có biết không lòng anh đang ngổn ngang sầu muộn
Dù yêu em thật nhiều nhưng vì anh vẫn chưa tròn danh phận
Còn lo cho cha mẹ già đang kỳ vọng đứa con ngoan…
Dung đến thăm Hiếu:
Dung (nói): Anh Hiếu!
Hiếu (nói): Em mới tới đó à, ngồi ghế đi em!
Dung (nói): Bộ anh đang có chuyện buồn hả, sao em thấy anh có vẻ ưu tư quá vậy?
Hiếu (nói lối):
Anh có buồn gì đâu chắc tại do nhớ nhà nhớ cha nhớ mẹ
Những người mà cả cuộc đời đã chịu quá nhiều vất vả hy sinh
Để lo cho anh học hành mong sau này được rực rỡ thành danh
Vậy mà đến hôm nay anh vẫn còn nặng nợ đấng sinh thành chữ hiếu…
Dung (nói): Em hiểu mà, em cũng giống như anh thôi, cũng thấy mình chưa đáp đền được gì cho cha mẹ.
Hiếu (hát vọng cổ câu 5):
Thời gian chỉ mới trôi qua được gần hai năm đại học, mà tóc mẹ cha đã bạc… thêm… nhiều.
Dầu dãi sớm hôm gối mỏi xương mòn.
Nơi quê nghèo mẹ đồng trưa nắng sớm, hốc hác hao gầy nặng gánh bán bưng.
Còn cha thì muôn vạn nỗi lo toan, đêm từng đêm thêm muộn phiền trăn trở.
Đã biết bao lần giọt lệ lòng anh đẫm ướt, chảy mênh mông theo nỗi nhớ quê nhà…
Dung (hát lý con sáo):
Sinh viên chữ hiếu còn nặng oằn trên vai
Cha mẹ chờ tương lai
Bao lo toan vất vả đâu nề
Đợi mong con sẽ sớm quay về
Được cận kề bên song thân sớm hôm
Anh Hiếu ơi em hiểu tấm lòng anh
Nhưng đừng buồn mãi vương sầu đau
Ảnh hưởng thêm đến tương lai ngày sau…
Hiếu (nói lối):
Đã mấy đêm rồi nơi đô thành gác trọ
Giấc ngủ chập chờn anh suy nghĩ bâng quơ
Hiếu với tình sao trọn vẹn giấc mơ
Nói đi Dung để anh nhẹ lòng đôi chút…
Dung (hát vọng cổ câu 6):
Anh Hiếu à, cha thì như ngọn núi hùng vĩ lớn cao, còn mẹ thì như nước trong nguồn bao la thuần khiết.
Em cũng là đứa con nên làm sao mà hổng biết, mình phải dung hòa cho trọn vẹn trước sau.
Em yêu anh nhiều bởi anh là người trọng chữ nghĩa nhân, luôn nhớ mẹ thương cha yêu quê nhà nghèo khó.
Đất thành đô dẫu xô bồ lộng lẫy, nhưng chẳng mờ phai ý chí vững vàng.
Em cũng mới từ ở dưới quê lên, Bác gái có gửi cho anh chút tiền để mà trang trải.
Riêng mẹ em thì gửi nào là xoài cam mít ổi, nhắn thằng Hiếu khi nào về nhớ ghé nhà chơi.
Hiếu (nói): Em cứ để đó đi, nghe anh nói nè! Dung à, thật ra anh…
Dung (nói): Thật ra anh làm sao?
Hiếu (nói): Anh sợ mình không làm tròn vẹn sự dung hòa như em nói, bởi vì…
Dung (nói): Bởi vì sao, anh nói lẹ đi anh Hiếu…
Hiếu (nói lối):
Em vẫn biết trong gia đình anh là người con trai một
Nhà lại nghèo quanh năm luôn hụt trước thiếu sau
Cha mẹ tuổi già sức yếu ai lo
Trong khi anh đường công danh vẫn còn lận đận...
Hiếu (hát vọng cổ câu 1):
Thì làm sao hiếu tình trọn vẹn, khi đang trắng đôi tay nặng nợ với... quê... nhà.
Anh sợ rồi đây sẽ làm cho em khổ em sầu.
Dung (nói): Anh Hiếu, nhưng em không sợ đâu, vì yêu anh em sẽ chờ đợi được mà...
Hiếu (hát tiếp vọng cổ): Nếu vì yêu anh mà em chịu khổ, để lỡ tuổi xuân thùy chờ đợi héo hon.
Thì anh có khác nào là thằng hèn nhát hả em, đã dám yêu mà trách nhiệm không tròn.
Mong một lần Dung hiểu cho anh, hẹn kiếp sau mình sẽ tròn câu nguyện ước...
Dung (nói): Hôm nay anh có chuyện gì giấu em đúng không anh Hiếu, có phải hai bác ở nhà chê bai em là người không xứng đáng, hay anh đã lỡ yêu rồi người con gái khác, hãy nói cho em biết đi anh...
Hiếu (nói): Em đừng hiểu lầm mà tội cho mẹ cha anh... Còn anh thì đành lòng nào rũ bỏ tình em để theo đuổi bóng hình ai đó... Tất cả là tại lỗi do anh thôi, anh muốn mình làm tròn câu hiếu thảo...
Dung (hát nam ai):
Hiếu ơi, anh có biết là đã làm đau nhói trái tim... em
Như kim châm (+) ai cào xước vào lòng
Những lời nói quá nhẫn tâm (--)
Em không hối hận sai lầm (+)
Khi một lòng yêu tha thiết thủy chung
Dẫu sau này mình thành kẻ lạ xa
Cũng làm sao xóa được tháng ngày (--)
Ta hạnh phúc bên nhau (+)
Buồn khổ nào hơn khi bị phụ tình
Tim đày đọa (+) muôn thuở chẳng lành thương
Anh lại nỡ đoạn đành (--)
Lời thốt vội (+) sầu đau (+)
Ta sẽ quên nhau từ nay không gặp lại
Nhớ thương anh (+) nhớ da diết vô bờ
Cũng đành chôn lời thề ước năm nào
Tình anh ngự trị đến ngàn sau (+)
Hiếu (nói): Dung ơi, em đừng có nghĩ bi quan như vậy mà, anh rất khổ tâm khi phải buộc nói ra những gì mà lòng anh không bao giờ mong muốn.
Dung (hát vọng cổ câu 5):
Hiếu ơi xin anh đừng thêm lời ngụy biện, để tiếp tục dối gian bào chữa cho những... sai... lầm.
Tiền bác gửi em để lại đây anh lấy mà dùng.
Còn giỏ trái cây mong anh hãy nhận, để mẹ khỏi chạnh lòng xa xót vì em.
Cũng sắp thi rồi anh hãy cố gắng lên, đừng vì chuyện này mà muộn phiền ray rứt.
Nếu đúng như những gì anh nói, thì chữ hiếu nặng mang gấp bội chữ tình...
Hiếu (nói và ngâm):
Dung, Dung ơi... Em đi đâu vậy? Em đi rồi, mối tình đã tan vỡ thật rồi sao...
Bên hiếu bên tình anh nặng mang
Đành thôi chấp nhận kẻ phụ phàng
Mong em trọn đời đừng thương nhớ
Một cuộc tình buồn sớm dở dang...
Mẹ Hiếu bất ngờ lên thăm Hiếu:
Hiếu (nói): Ủa, mẹ lên đây hồi nào mà sao hổng cho con hay gì hết vậy?
Mẹ (nói): Ừ, đáng lẽ mẹ không lên, nhưng hồi sáng này có chú ở xã mình ghé nhà đưa giấy này nói con lấy nộp vào trường sẽ được giảm học phí đó, cha mẹ mừng quá sợ gởi đường bưu điện lâu sẽ trễ, nên cha bây kêu mẹ lên đây gấp nè. Tiếc là con nhỏ Dung đi lên hồi chiều hôm qua rồi, mà nó có ghé con chưa, hình như mẹ thấy đứa nào mới chạy ra sao giống nó quá, thấy nó khóc dữ lắm...
Hiếu (nói): Vậy hả mẹ, mẹ ngồi xuống nghỉ đi, để con lấy nước mẹ uống.
Mẹ (nói): Bộ hai đứa lục đục chuyện gì nữa phải hôn?
Hiếu (nói): Dạ, cũng không có chuyện gì đâu mẹ à.
Mẹ (nói lối):
Mẹ thấy con Dung là đứa hiền lành nết na chịu khó
Lại lễ phép dịu dàng biết trước biết sau
Mỗi lần về nó đều ghé thăm hỏi mẹ cha
Và cứ tấm tắc khen con là người con hiếu thảo...
Mẹ (hát vọng cổ câu 1):
Nên mẹ cha thấy mừng vui trong dạ, mong được nó làm đứa dâu ngoan của... gia... đình.
Bên nhà anh chị cũng rất đỗi đồng tình.
Nói là để hai đứa học hành thành đạt, sau khi ra trường sẽ tổ chức cưới xin.
Mẹ cha lo nhà mình nghèo hụt trước thiếu sau, sợ con Dung nó tủi buồn khi nhận quà sính lễ.
Con hãy ráng học hành sau này rực rỡ thành danh, và nhớ đừng bao giờ làm con Dung nó khổ...
Hiếu (nói):
Dạ, con biết rồi, nhưng để con còn lo cho gia đình nữa.
Con định sau khi ra trường sẽ làm kiếm tiền để phụ giúp trả hiếu mẹ cha.
Vì từ nhỏ đến giờ con đi học không hà, cứ để mẹ cha lo lắng, tảo tần hôm sớm, con thấy mình bất hiếu quá...
Hiếu (hát Lý Cái Mơn):
Nên lòng con còn bao trăn trở
Chữ hiếu nặng mang chưa lần báo đáp công ơn
Mẹ cha ơi con nào dám yêu đương cho mình
Còn em Dung con thật lòng mến thương
Như người em gái mà thôi
Mẹ cha đừng sánh duyên sẽ làm khổ em Dung...
Mẹ (hát vọng cổ câu 2):
Mẹ cha vẫn biết con là đứa con hiếu thảo, luôn nặng nợ công danh mà quên hạnh phúc của mình.
Mẹ cha đâu bắt con phải phụng dưỡng đáp đền.
Mà chỉ mong con thành danh rực rỡ, hạnh phúc trọn đời sống có nghĩa có nhân.
Chữ hiếu chữ tình nặng gánh riêng mang, sẽ làm cho con khổ sầu đau đớn.
Nói con Dung lại đây mẹ có vài lời nhắn nhủ, để hiếu với tình các con được hiểu nguồn cơn...
Hiếu (nói): Dạ, Dung đến rồi kìa mẹ.
Dung (nói): Dạ, con thưa bác mới lên.
Mẹ (nói): Hai con ngồi đi, Dung à nghe bác nói nè.
Mẹ (nói lối):
Tuổi trẻ tương lai của các con còn dài phía trước
Hai bác với anh chị bên nhà đều là lối xóm thân quen
Thấy hai con đều học giỏi hiền ngoan
Nên mẹ cha có dãi dầu cũng thấy niềm vui hạnh phúc...
Mẹ (hát vọng cổ câu 5):
Các con hãy nắm chặt tay để cùng nhau đi tới, rực rỡ thành danh cho tròn mong ước của đấng... sinh... thành.
Đừng sánh so chi chữ hiếu chữ tình.
Các con yêu nhau chân thành tha thiết, đó là hiếu với mẹ cha rồi đừng trăn trở phân vân.
Hãy cố gắng học hành san sẻ cùng nhau, chỗ đất khách quê người nhớ giữ mình đừng sa ngã.
Nơi quê nhà dẫu mẹ cha đêm ngày vất vả, cũng được an vui phấn khởi tự hào...
Dung (ngâm thơ):
Chúng con hứa sẽ vâng lời
Chăm lo việc học rạng ngời tương lai...
Hiếu (ngâm thơ):
Chữ tình chữ hiếu nặng vai
Con luôn ghi khắc đêm ngày mẹ ơi...
Mẹ (nói và ôm Hiếu và Dung vào lòng):
Như vậy mới là các con ngoan của mẹ...
Long Xuyên, ngày 17 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---