MÀU HOA TRÊN ÁO
Thanh Long
Nói lối để vào Vạn huê trường hận
Thuyền bát nhã thế tôn khẽ bước
Xá vệ thành thẳng lướt nam phương
Dõi trong lục đạo vô thường
Thấy tòa xương trắng… bên đường…
Mà lệ, trào tuôn.
Vì sao sự cớ hôm nay, cầu xin thầy tỏ phân lời
Để A Nan- được am tường.
Vì ta, nhìn vô trong núi xương này
Hình dung có cha mẹ ông bà, hoặc thân nhân ta từ muôn kiếp nào
Nên nay cuối lạy đê mình, mừng thay giờ phút tường tri.
Từ lâu nằm đây đóng xương hỗn tạp chẳng vừa
Người đi phân lại như vầy, làm hai, thành ra nam nữ đôi đàng
Đừng để lại chất chồng… phơi gió dầm sương.
Vọng cổ
An Nan con ơi trước kia cha mẹ sanh ta vốn là xác phàm thiện tánh, mọi việc lành dữ đua tranh cũng là để ngày sao con được thanh thản… an… nhàn…
… Đâu kể chi thân mẹ cha phải khổ cực cơ hàn. Nắng đồng bưng buốt da khô hốc, mưa đầu mùa mẹ dầm suốt chẳng ngơi (+). Đói lòng, lòng đói chẳng nao cơm canh để đó đợi khi con về mới ăn. Đến khi con nên vóc nên người cũng là lúc mẹ cha đã héo gầy thân thể (+).
Lý con sáo
Ôi… nghe… qua,
mấy lời Phật vừa tỏ phân,
làm sao đáp đên thù ân,
lòng như ai xé ai dần,
thương cho hai đấng sanh thành,
cầu đoạn trường mẹ cha đã qua,
để cho con bến mơ được nhàn an,
bằng cách nào vẹn câu hiếu thân,
mong Thế Tôn giúp con tường tri.
Vào vọng cổ Câu 2.
Báo hiếu mẹ cha phải đâu là đem tiền tài bài ra trước mắt mà một tiếng thăm nôm cũng đủ cho cha mẹ vui lòng. Hay là dụng công để cho cha mẹ được phước tu lành; tránh điều hiểm xa nơi tà tánh, lấy bản ngã nơi tâm mình mà dung thứ cho nhau (+). Sống ở đời phải biết nhân nghĩa trước sau, câu chung thủy đổi trao ấy là tốt đạo. Báo hiếu mẹ cha vào ngày rằm tháng bảy lễ ấy sẽ trọn thành khi hoa nở ở lòng con (+).
Phi vân điệp khúc
Có... những đêm mưa dầm con nằm bên khô. Còn bên ướt kia- mẹ nằm ôm con, người ơi nhớ chăng bao ngày thơ ngây, còn đây bao tháng năm đắng cay khổ cực- nhưng vẹn niềm vẹn niềm an vui.
Tiếng... tiếng ru ơi hời vọng từ xa xưa, đã đưa con về giấc ngủ say, giấc mơ cánh cò bên bờ sông mát lòng tuổi thơ.
Nhớ... nhớ ơn song đường lụy trào bờ mi, nhớ đêm mưa dầm, mẹ ngồi đợi con, dưới hiên mái nghèo, gió luồng buốt giá, trông về chốn xa, bao ngày qua, nhớ hoài... mẹ... ơi...
Vọng cổ
Câu 5. Câu chuyện đổi trao giữa Đức Thế Tôn với ngày A Nan khi xưa giờ đây ta như vẫn còn nghe văng vẳng, phải chăng đó là lời của Thế Tôn trước chúng sinh Tam giới hay là lời của những người con trên vạn nẽo… phong… trần…
... mong muốn mẹ cha luôn được phước lành.
Gió thổi về đâu cho mưa nguồn tuôn chảy, gió thổi xạc xào hay nhịp võng đong đưa (+). Nhìn con sông nhỏ, nhớ bến đò trưa kỷ niệm có tiếng ơi à ấm áp lòng con. Nghe nổi nhớ thương không còn rơi vươn vấn thương nhớ ơi nói mấy cho vừa (+).
Câu 6. Nước chảy trên non còn nhớ nguồn da diết, chim nọ xa nguồn còn tiếc thương cây. Đời người có ai tắm hai lần trên một dòng sông, cũng như không ai có thể có hai người mẹ. Nhớ đến câu cha mẹ tại đường bất khả viễn du, một mai mất đi rồi ngàn thu có bao giờ trở lại. Một lúc rong chơi ta hãy nhìn về thực tại để kịp nhận ra là tóc mẹ đã phai màu (+). Hoa cau rụng trắng đầy bên thềm nắng, hương ngạt ngào cho xóm vắng ấm tình thương. Màu son bạc gót phong trần, màu hoa trên áo là màu hồng tim con (+)