ANH CHÀNG THÔN QUÊ
Hoàng Song Việt
Nhạc:
NỮ : Ôi anh chàng nhà quê, lên phố rất là ngây thơ.
NAM : Em xinh đẹp như hoa, dân phố khó gần ghê ta
NỮ : Ôi anh chàng nhà quê, lên phố rất là nai tơ
NAM : Nên đem lòng mà yêu em, vẫn không nói được lời tình
Hợp ca: Ơi, à ơi, anh hát anh hò
NỮ : Cho em yêu ruộng đồng
NAM : Cho em yêu dòng sông, cho em yêu lũy tre làng xanh thẳm
Hợp ca: Ơi, à ơi, anh hát anh hò
NỮ : Cho em yêu loài hoa dại
NAM : Cho em yêu người dân quê
NỮ : Cho em yêu mến anh rồi, theo anh về.
VỌNG CỔ:
CÂU 1:
NAM : Cô ba ơi, khi tôi vừa đặt chân đến chốn thị thành thì được người ta đặt liền cho cái biệt danh là anh hai lúa. Tôi hổng biết nó hay hay là dở chê hay là khen nhưng nghe cũng hay hay ngồ ngộ nên tôi chỉ cười xã giao chứ không giận cũng không… hờn. (-)(-) Chỉ có nụ cười nửa miệng của cô, mà làm cho tôi bấn loạn tâm hồn. (+)
NỮ :Anh hai ơi, dù chưa biết chưa quen nhưng chúng mình chung ngõ phố, đó là nụ cười thân thiện chứ tôi nào có ý cợt trêu anh. (SL)
NAM : Cô ba à, trai nhà quê luôn chân chất thật thà, không gian dối và tấm lòng rộng mở, như cánh đồng lúa trổ mênh mông, như nước trên sông xuôi dòng lai láng.
NAM :(nói) Ủa, sao cô ba dòm tôi cô ba cười hoài vậy cô ba? Cô nói gì đi chứ cô ba.
CÂU 2:
NỮ : Anh hai ơi, con người sinh ra dù ở địa vị nào đi chăng nữa, thì ai ai cũng sống nhờ vào khoai lúa của nhà quê mà. Nhờ giọt mồ hôi với tình người nghĩa đất, trên ruộng khắp đồng sâu mưa nắng hai mùa. (-)(-) Và những lời anh hát đêm đêm khơi gợi biết bao điều. (+)
LÝ CÁI MƠN:
NAM :
Làng quê tôi bờ tre xanh thẳm
Dưới những chân đê, câu hò chứa chan tình quê,
Lúa sai bông, dòng sông thắm sắc mây dịu dàng,
Từng đêm trăng xóm làng rộn vui, nghe tiếng ca chơi vơi,
Gái trai làng xứng đôi hứa hẹn tình chung.
Câu 2 (tiếp):
NỮ :Tôi thấy một miền quê yên lành và hạnh phúc, gần gũi chân tình, sống động giữa lòng tôi./-
NAM : (Nói) Nữa, lại cười nữa, tôi có gì mà cô ba cười tôi hoài vậy? Nghe cô ba nói tôi cảm động quá trời quá đất hà, nhưng mà tôi nói thiệt với cô ba nghe, coi tôi vậy chứ dưới quê tôi ngon dữ lắm đó nghe.
Nhạc:
NAM : Tôi, anh chàng nhà quê, lên phố rất là ngây thơ
NỮ : Em xinh đẹp như hoa, dân phố khó gần lắm nghe
NAM : Tôi, anh chàng nhà quê, lên phố rất là nai tơ
NỮ : Nên đem lòng yêu em, vẫn không nói được lời tình
Hợp ca: Ơi, à ơi, anh hát anh hò
NỮ : Cho em yêu đàn cò, cho em yêu ngọn rau, cho em yêu bữa dưa cà, đầm ấm.
Hợp ca: Ơi, à ơi, anh hát anh hò
NỮ : Cho em yêu mẹ già, cho em yêu đàn em thơ
NAM : Cho em yêu mến anh rồi, theo anh về.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
NỮ : Í nè anh hai ơi, em muốn được làm cô bảy cô ba gánh mạ ra đồng để được chờ mong đến mùa lúa trổ, và muốn nhìn giọt mồ hôi giữa trời trưa nắng đổ, để biết quí yêu hơn từng thôn xóm quê… nghèo. (-)(-) Yêu cái nghĩa tình tấm mặn như mẹ cùng cha tay chống tay chèo. (+)
NAM :Nếu mà như cô không chê cái quê mùa của anh chàng hai lúa, thì tôi xin được đưa cô về thăm xứ sở quê tôi. (SL)
NỮ : Anh hai ơi, tôi chỉ xem thường kẻ ăn trắng mặc trơn rồi quên cái nghĩa, cái nhân, cái tình quê chân chất, còn anh sống đẹp sống vui với tình người nghĩa đất, cho tôi một niềm tin son sắt đến trọn đời./-
Nhạc:
NAM :
Lời cô thiết tha chân thành,
Tôi nghe tâm hồn xao động
NỮ :
Từ nơi son phấn thị thành,
Đua chen yêu cuồng sống vội,
Tôi muốn tìm năm tháng bình yên,
Nơi quê nghèo luôn thủy chung.
Câu 6:
NAM : Cô ba à, rồi cô ba sẽ thấy cuộc đời luôn yên ả, như cánh cò chao nghiêng lơi lả khói sương chiều. Chỉ sợ sau khi mà cô trở lại với thị thành, sẽ bị người ta gọi là…
NỮ : Là gì?
NAM : Là cô hai lúa chứ là gì! (SL)
NỮ: Được sống giữa tình quê nè, được làm người chân chất, dù người ta có gọi tôi là cô hai lúa cũng hổng sao./.
Bút danh: Hoàng Song Việt - Phạm Thái Nguyên - Nguyễn Hoàng Minh Khôi - Nguyễn Phương Hồng Anh - Nguyễn Trung Thành ...
Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật Võ Văn Xong, là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương.
Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga...
Gần 30 năm dấn thân theo nghiệp sáng tác, đến nay, tác giả Hoàng Song Việt đã viết, chuyển thể được khoảng 100 vở cải lương, trên 700 bài ca cổ. Trong đó, có rất nhiều vở cải lương được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đoạt được các thứ hạng cao.