CÂY CẦU DỪA
Tân Nhạc : Hàn Châu
Vọng cổ : Hoàng Song Việt
NHẠC
Đã lâu lắm rồi em về thăm lại chốn xưa
Đã lâu lắm rồi em về đi qua cầu dừa
cầu dừa trơn trợt lắm em ơi Đi mà không khéo té như chơi
Môi son má đào chân guốc cao gót làm sao qua cầu dừa
Em ở phố thị quen rồi xe cộ đón đưa
Em đã quên rồi quê mình có cây cầu dừa
Cầu dừa anh chạy trước em sau em cùng anh quấn quýt bên nhau
Cây me trước nhà , cây khế sau ngõ trèo leo cùng cưới
VỌNG CỔ ( Câu 1 )
NAM: Mới hồi não hồi nao chứ có lâu lắc gì đâu mà người ta bảo rằng chuyện quên chuyện nhớ , chứ còn tôi thì cứ như mới hôm qua mỗi ngày gặp gỡ nên chuyện nhỏ chuyện to tôi nhớ rõ trong .... đầu . Nhớ bàn chân nhỏ tung tăng cùng theo bước qua cầu ......
NỮ Trước ngõ me chua , sau hè khế ngọt , anh đỡ em trèo ríu rít gọi mầy tao (-) Kỷ niệm ban đầu nào ai dễ quên mau , đã khắc đậm in sâu mãi vào trong ký ức .
NAM: Vậy mà cây cầu dừa kỷ niệm tuổi thơ ngây , người trở về đây ngại ngùng đôi chân bước .
NỮ: ( Câu 2 ) Chắc tại anh thấy người ta bây giờ má hồng môi thắm , áo lụa chân giày khác xa cái hồi não hồi nao , rồi anh tưởng người ta sợ cây cầu dừa trơn trợt , nên anh mới gần xa tiếng lẫy câu hờn ..... Sao anh không nhớ dùm cái câu: ăn theo thưở ở theo thì ..... Sống ở thị thành cho bằng em bằng chị , chứ về quê rồi em sẽ làm thôn nữ cho anh coi (-)
LÝ HOA DỪA
NAM: Quê nghèo cùng nắng mưa hai mùa
Tình quê chơn chất ai ơi giữ gìn thủy chung
Đừng như dòng nước xa nguồn
Cho khúc sông buồn năm tháng hoài mong
NỮ: Dòng sông nắng đục mưa trong
Hồn quê muôn đời sáng ngời trong em
2 Nhịp dứt câu 2 ) Xa cách càng dài thương nhớ sẽ nhiều thêm .
NHẠC
Thuở thiếu thời vui lắm ai ơi , em lâu rồi đã bỏ cuộc chơi
bỏ anh bơ vơ với cây cầu dừa , cây cầu dừa sớm nắng chiều mưa. Em bước theo chồng , khoe áo hồng bao kẻ đón đưa, làm sao em nhớ đến cây cầu dừa, nhớ giàn bông bí nhớ con ong bầu sớm trưa. Bây giờ em về xa lạ cả người lẫn quê, Bây giờ em về anh buồn qua bao kỷ niệm. Cầu dừa vẫn là lối đi chung em giờ chân bước thấy mông lung Cây me trước nhà , cây khế sau ngõ nhìn em sao lạ lùng.
VỌNG CỔ (Câu 5)
NỮ: Thơ ấu đã đi qua mà mình như những cánh chim trời bay xa mười phương tám hướng , chim bay xa vẫn thương cành nhớ cội em vẫn là em là cỏ nội hoa ....... đồng . Dù cô bé ngày xưa giờ đã theo chồng .. Không nợ duyên đâu có nghĩa là quên tình cũ , cái tình đất tình người sâu nặng thiêng liêng (-)
NAM: Ầu ... ơ ... Ruộng ai thì nấy đắp bờ , duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công . Cây khế trỗ bông hàng me đổ lá , anh vừa biết yêu thì em đã theo chồng.
LÝ MÙ SƯƠNG
NỮ: Cơn mưa chiều , cơn mưa chiều hắt hiu .
Gió liu xiu văng vẵng câu ai hò
NAM: Hò ơ con đò sao con đò trôi xa
Bờ bến nhớ mong bao tháng năm cách biệt
NỮ: Ôi bến bờ ấu thơ , xin chớ buồn ngẫn ngơ
(8 Nhịp xề) Cũng đừng nhìn nhau như người xa kẽ lạ , khi lòng người luôn sống giữa quê hương .
NAM: Vì nhớ vì thương nên để lòng giận dỗi chứ ai nỡ làm ngơ trước một tấm chân tình .
Chữ nợ duyên trời không tặng cho mình
Thôi thì xin giữ mãi bóng hình ngày thơ ấu
Không được hát câu tình tôi với bậu
mai hậu xin trời cho kết nghĩa sui gia ./.
Bút danh: Hoàng Song Việt - Phạm Thái Nguyên - Nguyễn Hoàng Minh Khôi - Nguyễn Phương Hồng Anh - Nguyễn Trung Thành ...
Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật Võ Văn Xong, là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương.
Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga...
Gần 30 năm dấn thân theo nghiệp sáng tác, đến nay, tác giả Hoàng Song Việt đã viết, chuyển thể được khoảng 100 vở cải lương, trên 700 bài ca cổ. Trong đó, có rất nhiều vở cải lương được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đoạt được các thứ hạng cao.