EM BÉ ĐÁNH GIÀY
Sọan giả Viễn Châu
NHẠC
Bư : Đánh giày đây! Đánh giày…
Ba đồng một đôi, đánh bóng láng như gương
Cho quý khách thêm duyên
“Xi ra” tốt bên Tây, xin bảo đảm mười ngày.
Giày đen, giày trắng, giày xám, giày vàng
Bình dân đồng giá: Một đôi chỉ ba đồng thôi!
Năm: Đánh giày mở hàng không đâu bóng hơn đây!
Đủ màu “xi-ra” chuyên môn đánh “ba-chê”
Khách cùng khắp nơi nhà hàng lớn Sài Gòn…
Đánh giày đây… đánh … giày…
Năm (nói lối): Kìa Bư! Sao mầy không đi kiếm khách đánh giày, mà lại ngồi ở góc phố khóc hoài vậy hả? Sao vậy Bư?
Bư (câu 1): Thôi Năm ơi! Tao vừa gặp một ông khách quý đánh giày xong tiền công hỏng trả, mà ổng còn mắng tao nặng nhẹ biết…
VỌNG CỔ
… bao… lời…
Khách vừa ngồi đây, tao mời ổng đánh giày…
Tuy đôi mắt nhìn qua, nhìn lại mà ổng cũng gật đầu miệng bảo “Ô-kê” (+) Tao mới vội vàng ngồi xuống trổ tài cho ổng thích, ổng mê. Nhưng ngờ đâu không có một đồng xu. Mà còn phải đưa tai nghe… ổng chửi…
(nghe văng vẳng có điệu nhạc “E-MamBo”)
Bư (câu 2): Đó! Cũng tại cái bản “Măm-bô” mắc dịch của tiệm kem phía trước. Điệu giựt gân làm cho ổng ngứa giò…
Tay ổng gõ miệng ly, còn miệng hát ồ ồ…
Còn hai cái cẳng thì ổng nhịp lia, nhịp lịa. Bỗng có một nàng gái đẹp đi qua (+)
Ổng liền như chiếc lò xo
Xô bàn đứng dậy “xi-ra” dính quần!
Ổng liền nổi trận lôi đình
Chửi tao một mách rồi đành…đi luôn…
Năm (nói lối): Lỗi đâu phải tại nơi mầy
Sao mầy không chạy theo đòi tiền công?
Bư (câu 4): Tao theo, tao mới nói: “Thưa ông! Xin ông dừng lại cho em…
VỌNG CỔ
… ba… đồng…
Ổng quay lại nhìn tao với vẻ mặt hầm hầm…
Tao tính nói nữa thì ổng hất văng cái hộp. Rồi lạnh lùng cùng người đẹp bước lên xe (+)
Nghe máy nổ tao tan gan, nát ruột
Nhìn đồ nghề mà nước mắt rưng rưng
Em tao bị rét ba hôm
Tiền đâu mua thuốc “ký-ninh” đem về?
Năm (câu 5): Thôi Bư ơi! Mầy đừng buồn nữa!
Ngồi khóc hoài thêm khổ thân ta
Đồ nghề mầy lượm đủ chưa?
Nếu như mỏi mệt thì đưa tao cầm….
- Rồi mau theo tao rảo mấy nhà hàng…
Đời thì có kẻ vầy, người khác. Hết rủi rồi cũng đến lúc may (+)
Kìa sao mầy chẳng chịu đi?
Hay là mầy muốn trở về thăm em?
Nếu mầy thấy băn khoăn vì không có tiền mua thuốc, thì đây mầy lấy đỡ năm đồng!
Bư (dặm): Mầy bán kẹo kiếm từ đồng, từ cắc. Đưa cho tao rồi lấy gì ăn?
Năm (câu 6): Mầy quả thật là “Bư” như cái tên của má mầy đã đặt. Tao nhịn quà có chết chóc gì đâu? (+) Vì tao không bà con ruột thịt, không họ hàng cũng chẳng có anh em…
Một mình rảo phố ngày đêm
Nhà tao ở khắp thị thành bao la.
Giàu thì cơm tấm, bún bò
Nghèo thi xôi bắp cũng qua một ngày (+)
Phần tao, tao đã no rồi
Còn mầy lo thuốc em mầy trước tiên
Mua mau vài viên “ký-ninh”
Cho em mầy uống rồi mình lại đi ./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: